(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu kể tên những làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống có tiếng ở xứ Thanh, không thể không nhắc đến làng Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước). Trong nhịp chảy trôi, phát triển của cuộc sống, đồng bào Thái ở Lặn Ngoài vẫn âm thầm “giữ lửa” nghề - nét đẹp văn hóa của ông cha.

Nhịp nhàng khung dệt Lặn Ngoài

Nếu kể tên những làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống có tiếng ở xứ Thanh, không thể không nhắc đến làng Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước). Trong nhịp chảy trôi, phát triển của cuộc sống, đồng bào Thái ở Lặn Ngoài vẫn âm thầm “giữ lửa” nghề - nét đẹp văn hóa của ông cha.

Nhịp nhàng khung dệt Lặn NgoàiSản phẩm dệt thổ cẩm của người dân làng Lặn Ngoài được làm thủ công.

Từ TP Thanh Hóa, du khách di chuyển khoảng hơn 100km lên đến Phố Đoàn, xã Lũng Niêm. Từ đây, đi thêm một quãng ngắn là vào đến làng Lặn Ngoài - ngôi làng có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Và làng Lặn Ngoài cách Khu Du lịch Pù Luông cũng chỉ độ hơn 10km. Còn đối với những ai ưa thích khám phá, việc di chuyển qua đường rừng được rút ngắn khoảng cách hơn khá nhiều.

Ghé thăm làng Lặn Ngoài, cảm nhận của người đến đây lần đầu là sự bình yên và nhịp sống chậm. Biết tôi muốn tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chị Hà Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lũng Niêm, cũng đồng thời là một “nghệ nhân” dệt có tiếng ở Lặn Ngoài nhiệt tình giới thiệu.

Cho đến nay, ngay cả người già trong làng cũng không còn nhớ nghề dệt thổ cẩm ở Lặn Ngoài có từ bao giờ. Như cơm ăn, nước uống, nghề truyền thống đã “thấm” sâu vào mạch nguồn đời sống người dân. Ở Lặn Ngoài trước đây, nơi những thung lũng rộng lớn với những bãi đất tốt tươi là cánh đồng bông bạt ngàn. Cùng với đó còn có cây dâu tằm cũng được trồng với số lượng lớn. Từ nguyên liệu trồng được, người dân đã phát triển nghề dệt thổ cẩm.

55 tuổi, chị Hà Thị Lý đã có đến hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Bên khung dệt, đôi tay chị thoăn thoắt, bàn chân nhịp nhàng, vừa dệt chị vừa kể chuyện. Lớn lên trong tiếng lách cách dệt vải của bà, của mẹ, rồi biết theo người lớn ra ruộng thu hoạch bông, hái dâu về nuôi tằm. Hơn 10 tuổi, chị Lý đã được mẹ cầm tay chỉ dạy - truyền nghề. Ban đầu là dệt những thứ đơn giản. Sau đó, bắt đầu dệt - phối màu hoa văn thổ cẩm. Tùy theo trang phục mà hoa văn dệt sẽ khác nhau. Hoa văn có thể là cỏ cây hoa lá, hay các con vật, rồi hình quả trám... Những hoa văn khác nhau dĩ nhiên cũng chứa đựng ý nghĩa riêng.

Đến khi về nhà chồng, trong số những của hồi môn bố mẹ cho chị Lý, có cả khung dệt. Chị Hà Thị Lý, chia sẻ: “Đây là khung dệt mà mẹ tôi rất thích nên khi con gái lấy chồng, mẹ đã cho mang theo. Tôi còn nhớ lời mẹ dặn ngày đó, rằng đã là người phụ nữ Thái thì phải cố gắng giữ gìn và dệt nên những sắc phục thật đẹp. Về nhà chồng rồi, tôi lại được chồng đóng thêm cho 2 khung dệt nữa. Đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi có tất cả 3 khung dệt”.

Cùng với khung dệt, nhiều hộ gia đình người Thái ở làng Lặn Ngoài còn có cả khung quay tơ, xe chỉ, cung bông để phục vụ cho nghề truyền thống. Ở Lặn Ngoài, nghề dệt thổ cẩm đang được làm hoàn toàn thủ công với nhiều công đoạn tỉ mỉ và không kém phần vất vả từ việc trồng bông, trồng dâu nuôi tằm. Cây bông trồng vào tháng 2, thường cho thu hoạch vào tháng 6. Người dân sẽ lựa những ngày nắng nóng để bông phơi được giòn, sau đó mới tách hột bông sạch sẽ và bật bông (còn gọi là cung bông) cho thật tơi. Dùng dụng cụ kéo sợi, lại ngâm bông trong nước, dùng tay “kéo” cho sợi bông no nước thật đều. Tiếp đến, người ta sẽ nấu gạo thành cháo loãng, cho bông vào - gọi là “hồ bông”. Và sau đó mới mang đi phơi. Nếu gặp được ngày nắng to, việc phơi bông sẽ rất thuận lợi. Chẳng may gặp ngày mưa gió, không cẩn thận có thể còn làm hỏng cả mẻ bông và nếu để bông bị mốc thì khi nhuộm màu sẽ không còn đẹp.

Sau khi bông được phơi khô, người ta mới bắt đầu nhuộm sợi. Việc nhuộm màu cho sợi bông hoàn toàn từ lá, quả và củ, rễ cây rừng. Với kinh nghiệm được trao truyền, người Thái ở Lặn Ngoài không quản ngại vào rừng tìm nguyên liệu nhuộm màu. Theo đó, lá chàm sẽ cho màu xanh, đen; củ nâu cho màu vàng (màu vàng đậm); hột điều cho màu vàng cam; cây tô mộc cho màu đỏ đô; hoằng đằng nhuộm ra màu vàng nhạt...

Tương tự như sợi bông, với những hộ gia đình trồng dâu, nuôi tằm lấy sợi tơ thì các công đoạn cũng thật tỉ mỉ. Và rồi, từ những nguyên liệu đã chuẩn bị xong, tranh thủ lúc nông nhàn, người phụ nữ Thái ở làng Lặn Ngoài lại cần mẫn dệt nên những sản phẩm thổ cẩm thật đẹp. Ngoài để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của người dân trong làng bản, những năm gần đây, sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công của làng Lặn Ngoài còn được du khách, đặc biệt là khách nước ngoài ưa thích, mua làm quà lưu niệm. Tùy theo nguyên liệu làm ra mà sản phẩm bán sẽ có giá thành khác nhau. Với sản phẩm từ sợi tơ tằm, sẽ có giá cao hơn.

Để làm ra được một chiếc khăn thổ cẩm tưởng chừng đơn giản thì với người thợ lành nghề như chị Hà Thị Lý cũng mất đến gần 2 ngày. Còn với những sản phẩm như váy, chăn thì sẽ mất nhiều thời gian hơn. “Nếu tính ra ngày công thì chỉ được khoảng gần 100 nghìn đồng/ngày. Nhưng đó là nghề truyền thống cha ông, lại có thể tranh thủ làm lúc nông nhàn nên người phụ nữ Thái ở Lặn Ngoài suốt bao năm qua, dù khó khăn vẫn không bỏ nghề” - chị Hà Thị Lý tâm tình.

Ghé thăm Lặn Ngoài, không khó để bắt gặp hình ảnh những cụ bà ở tuổi ngoài 70, mắt vẫn tinh, tay vẫn lanh lẹ cần mẫn bên khung dệt. Nghề truyền thống được nối tiếp, trao truyền nên trong làng, nhiều gia đình cả mẹ chồng - nàng dâu đều say mê với nghề. Như hộ gia đình các bà Lương Thị Buôn, Hà Thị Khoanh...

Trên địa bàn xã Lũng Niêm, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được duy trì ở một số thôn, làng. Tuy nhiên, nhiều nhất là ở Lặn Ngoài. Ở làng Lặn Ngoài hiện có trên 130 hộ với tổng số trên 70 khung dệt, số hộ làm nghề chiếm khoảng 60%. Với người dân Lặn Ngoài, việc giữ nghề truyền thống không đơn giản chỉ là câu chuyện mưu sinh. Đó dường như còn là sự ý thức - trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản văn hóa của cha ông.

Trên hành trình giữ nghề và phát triển nghề, người dân Lặn Ngoài cũng gặp không ít những khó khăn. Đó là câu chuyện trồng cây nguyên liệu (bông, dâu tằm) không còn thực sự hiệu quả; sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, ngày công thấp... Vậy nhưng, vượt lên tất cả vẫn là niềm tin, tình yêu giúp người dân nơi đây giữ được “lửa” nghề.

Bà Hà Thị Chiên, công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã Lũng Niêm, cho biết: “Theo thống kê, trên địa bàn xã Lũng Niêm hiện có hơn 100 khung dệt, trong đó làng Lặn Ngoài chiếm số lượng nhiều nhất. Để đưa nghề truyền thống phát triển, thời gian qua một số hộ làm nghề trong làng đã cùng nhau thành lập tổ hợp tác để liên kết, hỗ trợ nhau làm nghề. Đáng nói, đã có sản phẩm dệt thổ cẩm của làng Lặn Ngoài được công nhận sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, khi Khu Du lịch Pù Luông phát triển, nghề dệt thổ cẩm làng Lặn Ngoài cũng được du khách biết đến nhiều hơn, trở thành điểm đến cho du khách trải nghiệm, tìm hiểu nghề truyền thống... Hy vọng trong thời gian tới, nghề dệt thổ cẩm truyền thống làng Lặn Ngoài sẽ phát triển, từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân”.

Mỗi lần ngược ngàn lên với miền tây xứ Thanh, ghé thăm những ngôi làng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, tôi đều ngỏ ý với người dẫn đường về việc muốn ghé thăm những hộ gia đình còn giữ được nghề dệt thổ cẩm. Trong tâm thức, tôi luôn tin rằng những khung dệt thổ cẩm - là một phần “hồn cốt” của bản làng. Và những bà, những mẹ, những chị vẫn đang cần mẫn bên khung dệt - là những người góp phần “giữ hồn” văn hóa. Dẫu vậy, lại cũng là một thực tế, ở nhiều bản làng, khung dệt đang dần vắng bóng, những người biết dệt cũng ngày một ít đi. Vậy nên, những làng nghề truyền thống - những người dân làm nghề, giữ nghề truyền thống như đồng bào Thái làng Lặn Ngoài, thật đáng trân trọng.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]