(vhds.baothanhhoa.vn) - Thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) có 94 hộ với trên 466 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Dao. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân, đời sống đồng bào nơi đây đã có nhiều đổi thay rõ rệt.

Nhịp sống mới của người Dao ở Bình Sơn

Thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) có 94 hộ với trên 466 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Dao. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân, đời sống đồng bào nơi đây đã có nhiều đổi thay rõ rệt.

Nhịp sống mới của người Dao ở Bình SơnĐường giao thông của thôn Bình Sơn được đầu tư xây dựng kiên cố.

Từ những đổi thay về đời sống...

Phải hơn mười năm tôi mới có dịp quay trở lại Bình Sơn. Lần này về, mảnh đất cho tôi cảm giác mới lạ, vui tươi. Những con đường nắng bụi, mưa lầy, nay được thay thế bằng con đường bê tông bằng phẳng, rộng rãi. Nhà văn hóa thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng khang trang, nay người dân lại hiến đất, góp công, góp của, mở rộng khuôn viên, làm nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng. Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Triệu Văn Sinh, Bí thư Chi bộ thôn Bình Sơn, cho biết: “Năm 1971, người Dao chúng tôi từ xã Cẩm Châu về Bình Sơn định cư. Do trình độ dân trí thấp nên bà con chỉ trồng ngô, trồng sắn và khai thác các sản vật từ rừng để sống qua ngày. Vì vậy, nghèo đói, túng thiếu cứ đeo bám người dân trong thôn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động bà con trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà theo hướng hàng hóa, đời sống Nhân dân đã đổi thay nhanh chóng. Từ nuôi lợn, gà theo hình thức truyền thống, nay bà con đã xây dựng chuồng trại kiên cố, đầu tư thức ăn chăn nuôi và nuôi với số lượng lớn”.

Đến nay, nhiều hộ dân ở Bình Sơn đã vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất của quê hương. Tiêu biểu như gia đình anh Triệu Kim Sơn, nhờ trồng rừng và chăn nuôi thủy sản đã có thu nhập 200 triệu đồng/năm. Anh Sơn cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn do quanh năm chỉ trồng sắn, trồng ngô, hiệu quả kinh tế thấp. Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cây keo, kết hợp chăn nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Sau 40 năm hình thành và phát triển, từ 16 hộ ban đầu, nay Bình Sơn đã có 94 hộ, 466 nhân khẩu. Sự thay đổi thể hiện không chỉ trong đời sống kinh tế mà trong cả nhận thức, tư duy. Từ chỉ biết đốt nương trồng ngô, trồng sắn, tự cung, tự cấp, nay bà con đã biết trồng rừng, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi, buôn bán tạp hóa, dịch vụ máy xay xát, đi làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, xuất khẩu lao động... Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Bình Sơn chỉ còn 2,12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm.

... đến sự học được chăm lo

Với người dân thôn Bình Sơn, học hành không chỉ làm cho con người ta biết nói lời hay, làm việc tốt mà còn biết tính toán làm ăn để thoát nghèo. Họ đã đầu tư thời gian, tiền bạc để cho con em mình đi học “cái chữ”. Tiêu biểu như gia đình anh Phùng Văn Tiến. Để có tiền nuôi các con ăn học, vợ chồng anh không nề hà bất cứ việc gì, từ cày bừa, trồng ngô, khoai, lúa cho đến chăn nuôi. Hai người con của anh chị đã đỗ vào các trường Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Kỹ thuật Quân sự. Hiện người con trai đầu đã ra trường, về công tác tại Công an huyện Bá Thước.

Hiện nay, 100% trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ở Bình Sơn được đến trường học tập và ở lại bán trú. Ở các bậc học khác, không còn tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng. Theo thống kê của thôn Bình Sơn, hiện có 30 người đã tốt nghiệp đại học. Trong đó, có 12 người tốt nghiệp Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân, các trường thuộc Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, còn nhiều người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, ra trường làm việc ở trong và ngoài tỉnh.

Ông Triệu Văn Nguyên, người có uy tín thôn Bình Sơn, cho biết: “Trách nhiệm của người cao tuổi chúng tôi là làm thế nào để tất cả con em trong thôn đều đi học và học thật giỏi. Thông qua việc phối hợp với các đoàn thể, dòng họ, hộ gia đình hiếu học tiêu biểu, chúng tôi nói về lợi ích của việc học để vận động các gia đình trong thôn, tạo điều kiện cho con em đến trường. Bên cạnh các hoạt động khuyến học, thôn, xã và huyện đã tạo điều kiện giúp đỡ những gia đình khó khăn có con đi học bằng nhiều hình thức như ưu tiên vay vốn sản xuất, hỗ trợ sinh viên vay vốn... Đây là động lực để các gia đình có thêm điều kiện để đầu tư cho con em ăn học. Tri thức là con đường duy nhất để thoát nghèo”.

“Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Cẩm Bình tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thôn Bình Sơn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo mọi điều kiện cho người dân tiếp tục tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế; quan tâm tới công tác khuyến học của thôn, kêu gọi, vận động mạnh thường quân giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”, ông Đỗ Viết Liên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình chia sẻ.

Xuân Cường


Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]