(vhds.baothanhhoa.vn) - Cối xay lúa công cụ thiết yếu của nông dân, dù hình ảnh ông phó cối đã lùi vào quá khứ, nhưng vẫn để lại một ký ức đẹp. Tìm hiểu về nghề đóng cối xay để hiểu ông cha ta đã đi qua thời gian khó như thế nào, từ đó thêm trân trọng một nghề đã giúp ích rất nhiều cho đời sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ nghề đóng cối xay lúa xưa

Cối xay lúa công cụ thiết yếu của nông dân, dù hình ảnh ông phó cối đã lùi vào quá khứ, nhưng vẫn để lại một ký ức đẹp. Tìm hiểu về nghề đóng cối xay để hiểu ông cha ta đã đi qua thời gian khó như thế nào, từ đó thêm trân trọng một nghề đã giúp ích rất nhiều cho đời sống.

Nhớ nghề đóng cối xay lúa xưa

Tác giả (áo trắng) bên chiếc cối xay lúa xưa. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Để đóng được chiếc cối xay phải qua rất nhiều công đoạn, thường mất từ 3 đến 5 ngày. Công đoạn đầu tiên là lựa chọn nguyên vật liệu. Thợ đóng cối phải chọn được cây tre rắn rỏi, bánh tẻ, không bị cụt ngọn. Chặt tre thành từng khúc theo khuôn đan và tiến hành chẻ nan. Phải lựa cho được 4 đoạn tre gốc đã ngâm kỹ để làm chân đế cối xay. Đóng chân đế vững chãi theo hình chữ thập. Ở giữa là thân gỗ cứng để làm ngõng cối (trục xay), sau đó đan thành hình tròn quây lại. Đoạn giữa của thớt dưới phải khéo léo để nan chờ làm vành xay (bầu xay). Vành xay đan xung quanh vòng tròn ôm lấy thớt dưới và có độ cao vượt qua mặt xay thớt dưới đồng thời phải có miệng để hứng lấy gạo khi xay.

Thớt trên cũng đan thành hình tròn tương xứng với thớt dưới. Ở giữa thớt trên có cầu xay để tra càng mỗi khi xay. Trong hai vòng tròn nhồi chặt đất sét. Đất sét ở phần thân trên nhồi theo hình phễu, giữa có lỗ hổng hình vuông để làm đường dẫn lúa xuống.

Đất sét để làm cối là loại đất đặc biệt, thường là đất sét xốp do mối đùn lên, lấy đem về đập cho kỳ tơi mịn sau đó đem luyện với tro, mật mía và muối. Người thợ cối miệng ngậm nước muối phun dạng sương mù đều, vừa phải vào đất và luyện đến khi nào đất nắm lại thành cục và đem đập xuống đất cứng vỡ ra tự nhiên từng phần nhỏ là được. Khô quá và ướt quá đều không được. Sau đó cho vào bụng cối từng ít một theo từng lớp cho đến đâu thì dùng vồ nén chặt đến đó.

Gỗ làm dăm xay được cưa có độ dài chừng 7 đến 10 phân, chẻ ra thành từng miếng gỗ mỏng dọc thớ dày chừng 5 đến 7 mm, rồi đem đóng theo hàng lối vào khối đất sét cho thật chặt, gọi là nêm xay, để cho dăm xay thật vững, không bị lóc lên khi xay.

Trong đời sống người ta hay dùng thành ngữ “nêm như nêm cối” để chỉ sự chặt chội, chen chúc, áp nhau tựa như việc nêm răng của cối xay. Các miếng gỗ mỏng được đóng khéo léo theo trật tự nhất định tạo thành bề mặt của từng thớt xay. Ví như hai hàm răng phải cho khớp nhau. Khi xay cả hai thớt răng phải mòn đều.

Khi xưa các cụ hay vận câu thành ngữ: “Thớt trên mòn thớt dưới cũng mòn” để nói về sự chịu đựng, đều thiệt thòi hao tổn như nhau, ngang nhau, vận nghĩa ra từ cối xay.

Việc đóng dăm xay chính là bí quyết và kinh nghiệm của người thợ đóng cối xay. Dăm xay (răng xay) thường được làm bằng gỗ xoan mọc già, gỗ nhãn hoặc bằng gốc tre già (miền Nam dùng gỗ đước). Khi đóng dăm xay người thợ đóng theo chiều thẳng đứng (kiểu trồng răng) dùng một dụng cụ là một đoạn gỗ thật chắc để nén phần rãnh đất giữa hai dăm xay. Công việc này rất khó nhọc. Một tay phải giữ phần gỗ nêm, tay kia vung vồ đập mạnh liên tục theo sự dịch chuyển của tay cầm nêm. Toàn bộ vỏ ngoài của cối xay được trét đất thịt trộn với phân bò khô và lá bời lời để tạo sự gắn kết và không bị mối mọt tấn công. Khi đặt hai thớt vào nhau xoay quanh một cái ngõng xay, lúa chảy xuống bị hai thớt chà xát cho kỳ bung vỏ trấu trở thành hạt gạo thô. Tràng xay có hai đầu một đầu để tra vào lỗ tròn nơi cầu xay, một đầu là tay tràng xay chỗ để người xay nắm vào đó mà xay. Tràng xay được treo lên xà nhà bằng một sợi thừng để giữ thăng bằng.

Dụng cụ của người đóng cối (phó cối) rất đơn giản chỉ là một cái cưa, một con dao, hai cái vồ, cái to, cái nhỏ. Khi xưa với công cụ này người thợ cối đi khắp làng trên xóm dưới để đóng cối xay, nghề này thường là nghề gia truyền, cha truyền con nối và rất có giá.

Đóng cho được một cái cối xay không phải dễ, thợ vụng đóng cối xay thường bị sống vì thế sẽ không được ai thuê. Thợ giỏi thì không hết việc. Khi xưa ba bốn xã mới có một ông phó cối. Thợ đóng cối thường được gia chủ tiếp đãi hậu hĩnh trong suốt cả 5 ngày, theo lệ cũng có hai bữa thịnh soạn đón và đưa thợ.

Ở nông thôn Việt Nam gần như nhà nào làm nghề nông cũng phải có cối xay gạo. Tiếng cối xay gạo ù ù đã trở thành âm thanh quen thuộc ở nông thôn, mà giờ đây không ít người còn nhớ tiếc khôn khuây, nhất là khi máy xay xát ra đời, chiếc cối xay cùng ông phó cối đã là dĩ vãng.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]