(vhds.baothanhhoa.vn) - Chỉ cách trung tâm xã chừng 4km, nhưng cuộc sống của bà con ở Cơn - một trong ba bản đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Yên Thắng (Lang Chánh) gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế tự cung, tự cấp lại thêm thường xuyên thiếu nước sản xuất.

Nhọc nhằn bản Cơn

Chỉ cách trung tâm xã chừng 4km, nhưng cuộc sống của bà con ở Cơn - một trong ba bản đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Yên Thắng (Lang Chánh) gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế tự cung, tự cấp lại thêm thường xuyên thiếu nước sản xuất.

Nhọc nhằn bản CơnĐời sống bà con trong bản vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà được xây dựng khang trang, kiên cố, Bí thư kiêm trưởng bản Cơn, ông Lương Văn Huân chia sẻ: Trước đây, đường vào bản gập ghềnh, khó đi lắm, vào mùa mưa bão thì lại càng gian nan hơn. Mọi giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa gặp nhiều trở ngại, con em đi học vất vả, người dân không có điều kiện tiếp cận với những kiến thức kỹ thuật sản xuất mới. Những năm qua, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức và tập quán canh tác, đời sống dần được nâng cao. Đặc biệt, với hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư bài bản, đồng bộ, người dân được giao lưu, tiếp cận với những cách phát triển kinh tế hiệu quả trong xã, trong vùng. Trẻ em có điều kiện học tập trong môi trường tốt hơn... Bên cạnh việc canh tác trên đất ruộng, người dân mạnh dạn vay vốn với tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng, tập trung lựa chọn, trồng một số loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu như luồng, keo, mía cũng như phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đặc biệt, các mô hình hỗ trợ sinh kế thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã có những tín hiệu tốt, bước đầu tạo sự hứng khởi cho các hộ trong việc chủ động vay vốn ngân hàng, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Bà Ngân Thị Dang (SN 1975, dân tộc Thái) là một ví dụ điển hình tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo của bản. Vốn chỉ có 2 mẹ con, lại thiếu đất canh tác nên gia đình cũng phải tính toán, tiết kiệm dành dụm thì mới đủ ăn cho đến vụ mới. Năm 2023, bà Dang được Nhà nước hỗ trợ bò sinh sản cùng một số giống cây trồng để phát triển kinh tế. Vốn bản tính chịu thương, chịu khó bà chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn cán bộ thú y cơ sở nên bò phát triển, sinh sản tốt. Kết quả này tạo động lực cho gia đình tự tin, tiếp tục mạnh dạn đầu tư để thực hiện các mô hình sản xuất mới, nâng cao thu nhập.

Nhọc nhằn bản CơnThông qua các mô hình sinh kế, bà con bản Cơn được hỗ trợ cây, con giống phát triển sản xuất.

Có thể nói, trong những năm qua, nhờ thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất, cuộc sống bà con trong bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, giao thông thuận tiện, sản phẩm nông nghiệp làm ra không chỉ phục vụ sinh hoạt của gia đình mà còn dành một phần để bán, trang trải những nhu cầu thiết yếu khác. Tuy vậy, ở bản Cơn do trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế, sản xuất manh mún, lạc hậu, cây lúa thường xuyên thiếu nước vào mùa khô nên năng suất không cao, hiệu quả thấp khiến cuộc sống dân bản luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Cả bản hiện có 101 hộ, chủ yếu là đồng bào Thái thì có đến 43 hộ nghèo.

“Ở bản Cơn có 13ha trồng lúa nước, trong đó có 2ha thường xuyên thiếu nước, năng suất vì vậy không cao. Trong khi luồng được xem là cây giảm nghèo ở địa phương, nhưng do mấy năm qua giá cả chưa ổn định, thậm chí bị thương lái ép giá, các hộ trồng luồng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ, phát triển diện tích. Ngoài ra, điện lưới yếu, chập chờn giờ cao điểm cũng khiến sinh hoạt và sản xuất của các hộ dân cũng gặp không ít phiền toái. Về sinh kế cho người dân, lâu nay bà con cũng được hỗ trợ nông cụ, cây, con giống nhưng do nhiều nguyên nhân, đời sống bà con tuy không thiếu đói mùa giáp hạt nhưng còn nhiều thiếu thốn”, ông Lương Văn Huân, trưởng bản Cơn cho biết thêm.

Đồng chí Lê Hữu Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng cho biết: Với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa bản Cơn thoát nghèo, trong thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo lồng ghép, phối hợp các chương trình, dự án, chính sách, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối vùng sản xuất hàng hóa. Đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cho bà con nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông, lâm sản, tổ chức sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị gắn với thị trường.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]