(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Họ là những phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn, đói nghèo, lạc hậu để làm chủ cuộc sống. Không những vậy họ còn giúp đỡ cho những chị em phụ nữ khác vươn lên thay đổi cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ‘bông hoa’ nở trên vùng đất khó

(VH&ĐS) Họ là những phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn, đói nghèo, lạc hậu để làm chủ cuộc sống. Không những vậy họ còn giúp đỡ cho những chị em phụ nữ khác vươn lên thay đổi cuộc sống.

Đó là chị Quách Thị Oanh, dân tộc Mường, thôn Đồng Phú, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành. Ở tuổi 34, gia đình chị đã có cơ ngơi khang trang, ngôi nhà sàn mái ngói đỏ tươi giữa vườn cây xum xuê các loại cây ăn quả, ao cá. Khi trò chuyện với tôi chị cứ nhắc đi nhắc lại: “Có nằm mơ chị cũng chưa bao giờ nghĩ cuộc sống của mình lại đổi thay như ngày hôm nay theo hướng tích cực như thế”.

Suy nghĩ của chị cũng là điều dễ hiểu, bởi Thành Tân là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thạch Thành, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông, đời sống còn khó khăn. Và người phụ nữ nhiều đời nay luôn phải chịu thiệt thòi cùng với những suy nghĩ lạc hậu về cách lao động, sản xuất nên cảnh nghèo khó cứ đeo bám họ. Chị Oanh là số ít những người phụ nữ dám thay đổi nếp nghĩ, cách làm việc để thay đổi cuộc sống. Từ số vốn ít ỏi của gia đình rồi vay vốn ngân hàng chính sách, chị đầu tư vào 2 ha đất trồng mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Đường Việt - Đài, mua máy cày phục vụ gia đình và nhân dân trong xã. Nhận thấy diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả, chị bàn với gia đình chuyển đổi thành đất trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như thanh long ruột đỏ, nhãn trái vụ, ổi đông dư, bưởi da xanh, chanh đào... Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, vụ đầu năng suất kém, giá cả bấp bênh nhưng không nản, chị học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả ở những gia đình có kinh nghiệm ở các xã lân cận. Để rồi có thời điểm thanh long, ổi, bưởi thương lái đến tận vườn thu mua nhưng vẫn “cháy hàng”.

Không những trồng cây ăn quả, gia đình chị kết hợp nuôi ong dưới tán cây, nuôi gà thả vườn, chăn nuôi trâu, đào ao thả cá, nuôi lợn thương phẩm, vịt trời, ngan, ngỗng... Việc gì chị cũng không nề hà và việc gì chị cũng “dám thử” và việc gì chị cũng thành công. Bên cạnh đó, gia đình chị còn trồng 5 ha cây keo, sao đen đã cho thu hoạch. Tổng thu nhập bình quân hằng năm của gia đình sau khi trừ chi phí sản xuất khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, chị Oanh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế cho các chị em phụ nữ khác trong vùng, đồng thời là người cán bộ hội phụ nữ xuất sắc được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đánh giá cao.

Chị Quách Thị Oanh (ngoài cùng bên phải), thôn Đồng Phú, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành giới thiệu mô hình trồng cây ăn quả của gia đình.

Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Tân Bùi Thị Cẩm Lệ cho biết: Chị Quách Thị Oanh là một trong những điển hình của phụ nữ dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, vừa làm kinh tế giỏi, vừa tham gia công tác xã hội tốt. Noi gương chị Oanh, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn xã cũng tích cực lao động sản xuất, đẩy lùi đói nghèo. Hiện nay toàn xã có 39 mô hình kinh tế của chị em phụ nữ đang phát huy hiệu quả như mô hình chăn nuôi dê, bò, thả cá, trồng cây ăn quả; mô hình nuôi ong lấy mật; mô hình nuôi tằm thương phẩm; mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm...

Không chỉ riêng chị Oanh, trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, nhiều chị em phụ nữ đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi tư tưởng lạc hậu, cổ hủ trong lao động, sản xuất để làm chủ bản thân, cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần đem lại bộ mặt nông thôn mới ngày một khởi sắc. Điển hình như ở thôn Trung Thành, xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, ai cũng biết đến chị Lê Thị Hà, dân tộc Thổ, là một người phụ nữ “ba đảm đang”. Từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng lại có đầu óc nhanh nhạy, biết áp dụng tiến bộ KH-KT trong sản xuất, kinh doanh nên gia đình chị đã đầu tư mua sắm trang thiết bị như máy múc, xe ô tô tải để làm kinh tế, phục vụ nhân dân trên địa bàn xã. Gia đình chị cũng đứng ra làm chủ hợp đồng sắn, mía, cung ứng phân, giống cho các hộ gia đình và đến mùa thu hoạch thì đến tận hộ gia đình tiến hành thu mua. Nhờ đó, giúp bà con nhân dân bớt công vận chuyển, giá thu mua ổn định. Gia đình chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 đến 5 lao động với mức lương duy trì từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, ở thôn Đắm, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước còn có chị Hà Thị Lưu, dân tộc Mường là điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từng là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nghề chính của gia đình là làm bánh đa nhưng gặp không ít khó khăn bởi ít vốn, làm bánh hoàn toàn bằng thủ công, bánh làm ra không có nơi tiêu thụ. Được Ngân hàng CSXH huyện Bá Thước cho vay vốn, chị tiếp tục giữ nghề và mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc và mở rộng địa bàn tiêu thụ bánh. Đến nay, không những thoát cảnh nghèo khó từ nghề làm bánh đa, chị còn tạo việc làm cho 10 - 15 chị em phụ nữ khác trong xã với tiền công từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài làm bánh đa, gia đình chị còn kết hợp nuôi gà, ngan, vịt, ngỗng, thỏ, nuôi lợi thịt tăng thêm thu nhập. Có được cuộc sống như ngày hôm nay, một phần từ sự vượt khó của gia đình, nhưng công lớn ấy chị luôn nhắc “nhờ ơn Đảng, Nhà nước cùng các cấp lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội vươn lên thoát nghèo hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Có thể thấy, họ chính là những điển hình tiên tiến, những bông hoa đẹp ngát hương trong phong trào phát triển kinh tế của phụ nữ vùng đồng bào DTTS.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]