(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, nhờ lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và bằng nội lực của địa phương, huyện miền núi biên giới Mường Lát đã và đang nỗ lực hoàn thiện, đưa vào sử dụng một số dự án giao thông, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mang lại cơm no, áo ấm cho bà con đồng bào các dân tộc.

Những con đường giảm nghèo ở huyện biên giới Mường Lát

Trong những năm qua, nhờ lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và bằng nội lực của địa phương, huyện miền núi biên giới Mường Lát đã và đang nỗ lực hoàn thiện, đưa vào sử dụng một số dự án giao thông, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mang lại cơm no, áo ấm cho bà con đồng bào các dân tộc.

Những con đường giảm nghèo ở huyện biên giới Mường LátTuyến đường từ bản Pùng đi bản Hạm có chiều dài 4,86 km hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2022, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các thôn, bản của xã Quang Chiểu.

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh, mặt bằng dân trí không đồng đều, tập quán canh tác còn manh mún, lạc hậu, một số hủ tục còn nặng nề. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn, việc đi lại, giao thương buôn bán hàng hóa của bà con bị hạn chế, là rào cản khiến cuộc sống của bà con quẩn quanh trong đói nghèo, thiếu thốn. Toàn huyện hiện có 382 km đường giao thông, trong đó đường huyện có tổng chiều dài 51,7 km; đường xã dài 218,9 km; đường thôn, bản 111,2 km.

Thực hiện quan điểm “giao thông đi trước mở đường”, đồng thời mở ra khát vọng đổi mới, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển, hướng đến giảm nghèo nhanh và bền vững, từ năm 2020 đến nay, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện, xã và từ nguồn huy động Nhân dân đóng góp, huyện đã phân bổ, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông. Một số tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng làm thay đổi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi tuyến đường đi qua. Đồng thời, góp phần kết nối vùng miền, tạo sự thông suốt để địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế.

Điển hình như dự án kiên cố hóa mặt đường từ bản Pùng đi bản Hạm, xã Quang Chiểu, có tổng mức đầu tư trên 41 tỷ đồng, nối từ bản Pùng vào các bản Hạm, Suối Tút, Con Dao (Quang Chiểu); đường giao thông từ trung tâm bản Suối Lóng (Tam Chung) đi bản Sài Khao (Mường Lý), đoạn nối tiếp với đường bản Ún đi bản Sài Khao, có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng; đường giao thông từ đường tỉnh 521E tại bản Pùng (Quang Chiểu) đi bản Pù Quăn (Pù Nhi); đường giao thông nông thôn từ bản Nàng 1 đi bản Nàng 2 vào khu sản xuất tái định canh bản Nàng 1 (Mường Lý); đường giao thông nội vùng kết hợp đường vào khu sản xuất bản Kéo Hượn (Nhi Sơn)… Hay dự án sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã Mường Chanh đang triển khai thi công, tạo thuận lợi cho người dân 9 bản trong huyện đi lại, buôn bán thuận tiện.

Những con đường giảm nghèo ở huyện biên giới Mường LátCầu Chiềng Nưa bắc qua sông Mã trên Quốc lộ 16 nối bản Chiềng Nưa (Mường Lý) với bản Nà Ón (Trung Lý) giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi.

Theo chia sẻ của Trưởng bản Phan Văn San: Pù Quăn là bản người Dao còn nhiều khó khăn của xã Pù Nhi, bà con chủ yếu cư trú ở khu vực núi cao, địa hình đồi dốc, hiểm trở, đường sá lại tự mở nên việc đi lại của người dân trong bản rất khó khăn, chủ yếu phải đi bộ. Trước đây, nhiều gia đình có vay tiền nuôi lợn, bò nhưng không biết bán cho ai vì không có đường đi, cuộc sống rất khổ. Từ ngày có tuyến đường bê tông đi từ bản Pùng (Quang Chiểu) đến bản Pù Quăn (Pù Nhi), bà con rất phấn khởi, bắt tay vào việc phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo bền vững. Toàn bản hiện có 57 hộ nhưng có đến 47 hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chăn nuôi, trồng trọt nên thu nhập cải thiện đáng kể.

“Quang Chiểu là xã biên giới của huyện Mường Lát, có 24 km đường biên giới giáp nước bạn Lào, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Kinh... cùng nhau sinh sống. Do xuất phát điểm thấp về kinh tế, giao thông tắc trở, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Những năm qua, nhờ chú trọng đầu tư phát triển giao thông, đời sống người dân đã khởi sắc. Toàn xã có 13 thôn, bản, cơ bản hệ thống đường giao thông liên bản được cứng hóa đến tận các hộ gia đình. Đặc biệt, tuyến đường từ bản Pùng đi bản Hạm có chiều dài 4,86 km hoàn thành, đi vào sử dụng giúp người dân các bản trong xã giao thương, đi lại buôn bán dễ dàng hơn. Sản phẩm nông - lâm nghiệp làm ra được thương lái đưa ô tô lên tận nơi thu mua, nhờ vậy kinh tế ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm đáng kể”, ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết.

Đồng chí Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, chia sẻ: “Toàn huyện hiện có 8 xã, thị trấn với 88 thôn, bản, phần lớn đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở. Khi mới thành lập, huyện chỉ có duy nhất tuyến đường từ Quan Hóa đi lên thị trấn và xã Mường Chanh, sau đó được mở thêm tuyến từ thị trấn dọc sông Mã xuống Co Lương (tỉnh Hòa Bình). Với Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Mường Lát đã được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên các thôn, bản. Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đạt trên 65%, phấn đấu từ nay đến năm 2025 đạt 75%. Trong quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ngoài việc hoàn thiện hạ tầng y tế, văn hóa, thể thao, phát triển công nghiệp, Mường Lát sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn, chương trình, dự án từng bước mở rộng, nâng cấp. Nhiều tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả của sự thông thương, kết nối, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững theo đúng tinh thần mà nghị quyết huyện đã đề ra".

Bài và ảnh: Trung Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]