Những con đường mang theo sự no ấm
Là huyện vùng biên có địa hình, địa bàn chia cắt còn nhiều khó khăn, việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối giữa các xã, bản có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, giao thương mà còn là tiền đề để người dân huyện Mường Lát kỳ vọng về một tương lai no ấm!
Có đường mới, học sinh đi học cũng thuận lợi hơn.
Đường mới, niềm vui mới!
Tuyến đường gần 10km từ thị trấn Mường Lát đi các bản Cân, bản Tân Hương (xã Tam Chung) đang dần được hoàn thiện sau bao năm xuống cấp. Nhiều hộ dân thuộc các bản có tuyến đường đi qua không giấu được niềm vui, phấn khởi khi có con đường này sẽ là cơ hội giúp bà con kết nối giao thương phát triển, đời sống sẽ khởi sắc...
Ông Hà Văn Phích, Trưởng bản Cân cho biết, trước đây tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng. Tại nhiều vị trí, đường bị sạt lở, xuất hiện những “ổ trâu, ổ gà”. Vào mùa mưa lũ, con em phải nghỉ học ở nhà, bà con gần như bị cô lập. Nông, lâm sản (sắn, ngô, luồng,...) không thể vận chuyển ra bên ngoài.
Với mục tiêu nhằm cải thiện điều kiện đi lại của Nhân dân, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho Nhân dân địa phương, ngày 29/12/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4743/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ thị trấn đi bản Tân Hương, xã Tam Chung (Mường Lát).
Dự án được triển khai nâng cấp, cải tạo tuyến đường dài 8,021km (trong đó nâng cấp, cải tạo 5,735km; giữ nguyên 2,286km). Đây là dự án thuộc nhóm C, công trình giao thông, cấp IV, tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Mường Lát làm chủ đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ dự án đã đạt trên 80% khối lượng công trình, dự kiến sẽ hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2024.
Ông Lò Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung cho biết: “Tuyến đường từ thị trấn đi các bản Pom Khuông, Cân, Tân Hương lâu nay là điều trăn trở của chính quyền địa phương. Khó khăn về giao thông cũng là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hộ nghèo của hai bản này còn cao. Có đường mới, địa phương tin rằng việc giao lưu mua bán giữa các bản sẽ giúp đời sống của bà con nơi đây khởi sắc hơn. Các phong trào xây dựng bản văn hóa, bản NTM cũng sẽ trở nên sôi nổi”.
“Đòn bẩy” để phát triển kinh tế
Xác định hạ tầng giao thông chính là “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo tại các thôn, bản vùng khó. Những năm qua, bằng việc tận dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án, đặc biệt là nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhiều công trình giao thông tại huyện Mường Lát đã được khởi công, xây dựng, phát huy hiệu quả tích cực trong việc kết nối các bản, xã với nhau.
Tuyến đường từ thị trấn Mường Lát đi bản Tân Hương, xã Tam Chung được đầu tư với kỳ vọng mang no ấm đến cho bà con dân bản.
Một số dự án về nâng cấp hạ tầng giao thông có thể kể đến, như: Dự án đường giao thông từ bản Pá Quăn đi bản Tà Cóm, xã Trung Lý đang được triển khai. Đây là tuyến đường kết nối giữa trung tâm hành chính xã đi các bản người Mông, Cá Giáng, Cánh Cộng, Pa Búa, Tà Cóm. Hay như, dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông đi bản Ún - Sài Khao (xã Mường Lý); dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ trung tâm bản Suối Lóng, xã Tam Chung đi bản Sài Khao, xã Mường Lý; nâng cấp, cải tạo đường Xa Lao - bản Tung, xã Trung Lý...
Ngoài việc tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, thì nguồn vốn từ ngân sách tỉnh quản lý, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cũng đang được ưu tiên đầu tư hiệu quả trên địa bàn huyện Mường Lát. Có thể kể đến như là dự án nâng cấp tuyến đường giao thông từ bản Nà Ón đi bản Cò Cài, xã Trung Lý; nâng cấp tuyến đường thị trấn Mường Lát - Đồn Biên phòng Tam Chung - mốc G3, huyện Mường Lát (giai đoạn II) do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư...
Là một trong những địa phương được đầu tư nhiều công trình về hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường kết nối giữa các bản người Mông, ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, cho biết: Xã Trung Lý có 15 bản thì có tới 11 bản là đồng bào người Mông. Do địa hình, địa bàn chia cắt khiến cho một số bản chưa được đầu tư hạ tầng giao thông như các bản: Cò Cài, Pa Búa, Lìn, Cánh Cộng, Tà Cóm, Cá Giáng... đi lại rất khó khăn, thậm chí phải di chuyển sang xã khác để qua sông vào bản và bị cô lập vào mùa mưa bão.
Việc đầu tư các tuyến đường kết nối giữa bản với bản, xã với bản sẽ góp phần to lớn trong việc thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế. Cũng như việc triển khai, phổ biến các chính sách, chương trình an sinh xã hội...
Ông Phạm Quang Đại, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Lát khẳng định: Với quan điểm “giao thông đi trước mở đường”, đồng thời mang theo khát vọng đổi mới, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển, thời gian qua, huyện Mường Lát đã tranh thủ các nguồn vốn, chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh để từng bước mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là các tuyến đường dẫn vào các bản vùng biên đặc biệt khó khăn.
Với việc hạ tầng giao thông được đầu tư đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các thôn, bản trên địa bàn huyện Mường Lát.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-23 15:51:00
Người tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tiên phong, tích cực
-
2024-06-27 07:00:00
Bản tin Tài chính ngày 27/6: Giá vàng giảm mốc thấp nhất trong 2 tuần
Tập thể dục giữa đường: Sức khỏe hay phản cảm?
Ước mong cây cầu vượt sông Mã
Diện mạo mới ở Thạch An
Bản tin Tài chính ngày 26/6: Giá vàng liệu có vượt ra khỏi phạm vi gần đây?
Cảnh báo lừa đảo đầu tư chứng khoán trên không gian mạng
Gian nan cuộc chiến phòng, chống ma túy ở Mường Lát
Một người Mỹ sống sót 10 ngày trong rừng chỉ nhờ uống nước suối
Bản tin Tài chính ngày 25/6: Giá vàng tăng nhẹ, có nên mua vàng ở thời điểm này?
Từ ngày 1/7: Tăng lương hưu và trợ cấp BHXH cao nhất từ trước đến nay