(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những ngày tháng 4 lịch sử, lật giở từng trang viết về một thời đạn bom, lòng bỗng trào dâng niềm xúc động, trân trọng, tự hào trước sự anh dũng, hy sinh cho độc lập tự do dân tộc của các thế hệ cha anh. Những “gương mặt” chiến tranh được khắc họa dưới ngòi bút của những cây viết tài năng, tưởng như rất riêng mà cũng rất chung. Riêng bối cảnh, cuộc đời, số phận mà chung một ý chí, lòng quyết tâm đánh giặc, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Những “gương mặt” chiến tranh qua từng trang viết

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, lật giở từng trang viết về một thời đạn bom, lòng bỗng trào dâng niềm xúc động, trân trọng, tự hào trước sự anh dũng, hy sinh cho độc lập tự do dân tộc của các thế hệ cha anh. Những “gương mặt” chiến tranh được khắc họa dưới ngòi bút của những cây viết tài năng, tưởng như rất riêng mà cũng rất chung. Riêng bối cảnh, cuộc đời, số phận mà chung một ý chí, lòng quyết tâm đánh giặc, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Những “gương mặt” chiến tranh qua từng trang viếtCuốn sách "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán và tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh.

“Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán: Bản anh hùng ca về những “chiến binh” nhí

Với gần 800 trang sách, bằng tài năng, tâm huyết, tinh thần nhân văn, nhà văn Phùng Quán đã viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Tuổi thơ dữ dội” (Nxb Văn hóa - Thông tin, 2012) - bản anh hùng ca về Đội thiếu niên trinh sát của Trung đoàn Trần Cao Vân. Trên nền bối cảnh cuộc chiến đấu ác liệt chống thực dân Pháp ở Huế, Phùng Quán thành công khắc họa nên biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hiện diện trong cuộc chiến ấy không phải là những binh đoàn sức vóc, nhân vật chính trong tác phẩm của Phùng Quán là gương mặt, cuộc đời những đứa trẻ mới chừng 13, 14 tuổi. Qua lối viết như đang kể chuyện, từng đoạn hội thoại, cảnh huống với giọng văn khi thì dí dỏm, hồn nhiên, vui tươi lúc lại sâu lắng, những đứa “con nít” như: Lượm-sứt, Mừng, Quỳnh-sơn-ca, Hòa-đen, Bồng-da rắn, Vịnh-sưa, Tư-dát, Châu-xém... đã ghi dấu ấn đậm sâu trong trái tim nhiều thế hệ độc giả Việt.

Khoảnh khắc đội trưởng đọc to quyết định của Ban Chỉ huy Trung đoàn: “Do tình hình khẩn trương của mặt trận, đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn tạm dừng đợt huấn luyện... Toàn đội phải có mặt đầy đủ tại Chỉ huy sở Mặt trận khu C để nhận nhiệm vụ chiến đấu” và lòng vui sướng, háo hức, đón chờ ngày được chiến đấu với quân thù như bóp nghẹt trái tim độc giả. Những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu, căng tràn sức sống ấy bị chiến tranh tàn khốc đẩy vào vòng đạn lửa, sống giờ chết giờ. “Nếu cách mạng là một dòng sông, và cuộc đời của mỗi chiến sĩ là một con suối đổ vào dòng sông đó, thì các em lại là những tia nước nhỏ bé, bất ngờ vọt ra từ kẽ đá, một vết nứt trên thân cây, hoặc trút xuống từ một đài hoa gió thổi nghiêng... Nhưng cái điều kỳ thú là những tia nước mỏng manh nhỏ bé ấy đã tự len lỏi hòa vào dòng sông cách mạng hùng vĩ, lúc nào không ai hay”, những dòng văn khiến bất kỳ ai đọc lên cũng phải rơi lệ.

Những đứa trẻ còn mải mê chọi dế nhưng khi nhận nhiệm vụ thì anh dũng, kiên cường hơn bất kỳ ai, lập nhiều chiến công. Vịnh-sưa là người đầu tiên của Đội thiếu niên trinh sát của Trung đoàn Trần Cao Vân hy sinh. Em dũng cảm đeo bám, thám thính khi phát hiện hang ổ của quân địch, nhanh trí báo với quân ta kịp thời phá kho xăng, dầu của địch. Hình ảnh người chiến sĩ nhỏ tuổi kiên cường đứng cao lồng lộng giữa bầu trời thành phố, tay phất cờ trắng tín hiệu về phía ta khiến ai cũng cảm phục, thương xót. Một mật báo, một bức điện ngắn ngủi trong chiến tranh cũng đủ khiến cậu thiếu niên 14 tuổi phải đánh đổi bằng cả cuộc đời. Vịnh buộc mình vào cột thu lôi nguyện làm hoa tiêu dẫn đường và cũng chính như đang dõi theo từng hành động của các anh. Sự hy sinh, gan dạ, nhanh trí của Vịnh-sưa đã tiếp thêm ý chí, nghị lực, quyết tâm để quân ta bắn trúng mục tiêu: “Thân hình trần trụi, nhỏ bé mà lẫm liệt của người chiến sĩ thiếu niên đứng chon von trên đầu bọn giặc nước cùng với cây cột thép thu lôi mỗi lúc càng thêm lộ rực rỡ trên cái nền đỏ chói chang dữ dội ấy, tưởng như chính lửa đã tạc khắc nên...”.

“Tuổi thơ dữ dội” viết về sự khốc liệt, mất mát của chiến tranh: “Khắp thành phố, tiếng súng của bọn giặc bị vây hãm nổ ran ran... Chúng bắn lên tới tấp từ bốn phía, như những lằn roi bầm tím quất lên bầu trời thành phố u ám mây chì”. Những hy sinh, mất mát là quá lớn nhưng hơn tất thảy, những “chiến binh nhí” Đội Thiếu niên trinh sát của Trung đoàn Trần Cao Vân vụt lớn lên, tầm vóc và sáng ngời. Gấp trang sách lại, độc giả vẫn không thể quên điệu bộ lí lắt của Tư-dát, sự chững chạc của Vệ, bản lĩnh của Vịnh-sưa, khôn khéo của Lượm-sứt, tiếng hát của Quỳnh-sơn-ca... Và cũng không thôi gửi đến họ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc nhất: “Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

“Nỗi buồn chiến tranh” - một cách gọi khác từ cõi lòng những người đang sống

“Nỗi buồn chiến tranh” (Nxb Trẻ, 2011) được đánh giá là một trong những tác phẩm có số phận đặc biệt của văn học Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua. Cuốn sách đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 và giải thưởng Châu Á năm 2011. Cuốn sách cũng đã được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “The Sorrow of War” ra mắt năm 1994, đến nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, và là một trong số ít tác phẩm Việt Nam được đánh giá cao ở nhiều nước trên thế giới. Điều gì đã làm nên sức hút của một tác phẩm ấy khi trước đó đã có rất nhiều cây viết cày xới, thâm canh ở địa hạt này và không ít tác giả - tác phẩm thành danh?

Kiên - nhân vật chính của tác phẩm là người lính sống sót trở về từ trong những trận chiến khốc liệt, giữa làn mưa bom bão đạn, từ lằn ranh sinh - tử mong manh. Những tưởng rằng, đó là may mắn, ân huệ lớn nhất cuộc đời này ban tặng cho anh. Bao nhiêu năm tháng nhiệt huyết, sôi nổi, hừng hực khí thế chiến đấu, Kiên cùng đồng đội biết bao lần vào sinh ra tử, Kiên vẫn không nản chí. Thế nhưng, hồi ức chiến tranh quá đau thương, mất mát quá lớn đã trở thành nỗi ám ảnh, bóng tối đè nén lên cuộc đời người đang sống, vô hình trở thành gọng bàn tay siết chặt trái tim, phủ bóng đen mờ tối trong tâm hồn anh, giày vò thể xác và tâm hồn Kiên đến kiệt quệ: “Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi buồn chiến tranh”. Trong những cơn mê chập chờn, tâm trí anh chỉ thấy “chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn”.

“Nỗi buồn chiến tranh” không miêu tả chi tiết về những trận đánh, không tập trung vào các tình huống cao trào nhưng sao cái khốc liệt, sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh ám ảnh người đọc mãi không buông. Kiên trở lại truông Gọi Hồn, Kiên hồi tưởng về Ngọc Bơ Rẫy và những nơi anh cùng đồng đội vào sinh ra tử. Theo dòng hồi tưởng miên man của Kiên, thời kỳ bi hùng của dân tộc được tái hiện qua từng chi tiết, hình ảnh chân thực, sống động. Ở đó, tác giả không nỗ lực khắc họa người lính như một tượng đài, theo khuôn mẫu chung. Tác giả viết về chiến tranh ko phải bằng những cuộc chiến mà hơn hết, việc khai thác diễn biến, chiều sâu trong tâm lý, nhận thức, bộc lộ cảm xúc đã làm nên nét riêng biệt, sức hấp dẫn của tác phẩm.

Không chỉ có lý tưởng, hoài bão, sự kiên trung, anh dũng, hình tượng người lính trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh được khắc họa trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt, trong những suy tư, trăn trở về chiến tranh, về tình yêu,... và không bài xích dục vọng, cũng có khi chìm đắm trong làn khói hồng ma, những lúc tự vấn hay yếu lòng... Đôi khi, khao khát được bước ra khỏi chiến trường, được gặp lại mẹ và nhìn thấy làng quê mình cào xé tâm can người lính ghê gớm hơn bất kỳ điều gì. “Chẳng chóng thì chày cũng phải hết chiến tranh chứ?” - một khao khát, khao khát đến cháy bỏng.

“Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người. Dưới lòng sâu đất ấm của đại ngàn họ chung nhau một số phận. Không có người vinh kẻ nhục, không người hùng kẻ nhát, không có người đáng sống và kẻ đáng chết. Chỉ người tên tuổi còn đó, người thì thời gian đã xóa mất rồi, và người thì còn chút xương, người chỉ đọng chút bùn lỏng”... Nhưng thật phi lí, bởi lẽ: “Nghĩa vụ của một con người trước Trời Đất là sống chứ không phải là hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ”.

Chiến tranh man rợ, phi lý đến thế! Phi lý đến mức một con người sẵn sàng chết để cho một ngày được sống, sống theo đúng nghĩa. Thế nhưng, chính khi nguội tắt bom đạn, bước ra khỏi cuộc chiến, những con người đã chiến đấu điên cuồng vì lý tưởng, vì khao khát, ước mơ ấy lại không thể hòa nhập với cuộc sống đời thường, lại sống từng ngày trong đau đớn, dằn vặt, cô độc, lặng lẽ như không còn tồn tại.

Đã nhiều lần Kiên tự hỏi: Vì sao anh lại chọn đề tài chiến tranh và vì sao nhất thiết phải là đề tài ấy? Và cũng rất nhanh chóng, anh tự tìm kiếm câu trả lời cho chính mình: “Trong đêm lạnh, đối diện với trang giấy trắng, khi đầu óc còn mộng mị, trái tim đau đớn, Kiên quyết định kể lại, viết lại, làm sống lại những linh hồn đã mai một, những tình yêu đã phai tàn, bừng sáng lại những giấc mộng xưa”. Kiên chưa vội nghĩ về thiên chức, sứ mệnh nhưng đó là con đường cứu rỗi của anh. “Giá mà giờ phút hòa bình là giờ phút phục sinh tất cả những người đã chết trận nhỉ!” - nguyện ước của Kiên ám ảnh biết nhường nào...

Chiến tranh là gì? Là bom rơi đạn lạc, là nước mất nhà tan, là những người yêu nhau phải ngậm ngùi xa nhau, là nỗi đau “kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, là những tuổi thơ bị đánh cắp, những tuổi xuân bị chôn vùi... Nhưng trong thực tại khốc liệt ấy, độc giả nhận thấy tình yêu nước nồng nàn, sự ấm áp của tình đồng chí đồng đội, ý chí dũng cảm, tinh thần nhân văn sâu sắc. Hiện thực chiến tranh chỉ có một nhưng chân dung, phẩm chất, tinh thần Việt Nam được biểu hiện và minh chứng sinh động. Biết bao nhiêu cuộc đời đã ngã xuống, biết bao nhiêu cuộc đời vẫn đang viết tiếp câu chuyện giữa thời bình. Bởi vậy mà dẫu thời gian đã khép lại bức màn lịch sử của một thời đạn bom nhưng những trang viết về chiến tranh, về đời lính vẫn chói ngời ánh lửa, lay động trái tim độc giả.

Bài và ảnh: Linh Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]