Những ký ức không quên về Bác
Hàng năm, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác (19/5), mọi thế hệ người dân Việt Nam đều thành kính nhớ về Người, trong đó có các cựu thanh niên xung phong (TNXP) - lực lượng do Đảng và Bác Hồ sáng lập.
Ông Lê Viết Khích (bên phải), xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) ôn lại kỷ niệm với đồng đội.
Ông Lê Viết Khích, cựu TNXP kháng chiến chống Pháp, thôn Khang Thọ Hưng, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) năm nay tròn 90 tuổi nhưng ông vẫn kể rành rọt câu chuyện tham gia TNXP chống Pháp và được gặp Bác Hồ. Ông được biên chế vào C410 - Đội 40 rồi đơn vị điều chuyển đến C404 và C408 - Đội 40 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, lương thực từ ngã ba Cò Nòi lên Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên làm đường, đào hào giao thông phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời điểm này khó khăn, gian khổ không thể kể hết nhưng có một điều đặc biệt là tinh thần của các chiến sĩ TNXP và bộ đội thì hăng hái vô cùng.
Thời gian công tác tại chiến khu cách mạng, ông Khích đã vinh dự được gặp Bác Hồ, nhưng ông chỉ được nhìn Bác từ xa vì tình hình lúc đó tất cả đều phải tuyệt đối giữ bí mật. "Có vài lần, Bác Hồ đến đơn vị tôi, nhưng chỉ trong vài phút rồi Bác đi. Những lần đó, Bác luôn động viên, dặn dò thanh niên chúng tôi. Lời Bác động viên được cô đọng, đúc kết trong những câu thơ mà chính Bác tặng cho TNXP: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Những câu thơ này luôn là kim chỉ nam cho lý tưởng và lẽ sống đến tận bây giờ của tôi cũng như các thế hệ thanh niên", ông Khích bồi hồi nhớ lại.
Còn với ông Lê Trung Dĩnh, thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) năm nay đã bước sang tuổi 98, trí nhớ không còn minh mẫn, nhưng theo từng mạch nhớ lắp ghép lại, ông kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Đó là những kỷ niệm khó quên mà ông Dĩnh luôn tự hào. Ông kể: “Thời kỳ tiền khởi nghĩa, tôi tham gia phong trào cách mạng tại địa phương và sớm được kết nạp Đảng. Tôi từng tham gia trận đánh Liêu Đông, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và cùng đồng đội tiêu diệt, bắt sống 120 tên địch và tướng chỉ huy, ngăn không cho chúng tiếp tế lương thực vào trung tâm sở chỉ huy của địch ở Điện Biên Phủ. Chiến công đặc biệt này, tôi và một số đồng đội được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người”.
Ông Nguyễn Viết Dua, nguyên xã đội trưởng xã Hoằng Anh (nay là phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa) vẫn giữ được sức khỏe, sự lạc quan khi về già.
Huy hiệu mà ông Dĩnh được Bác Hồ tặng luôn được ông cất giữ bên mình trong suốt những năm kháng chiến và coi đó như “báu vật”. Mỗi lần nhìn thấy Huy hiệu là tiếp thêm động lực để ông thêm vững tay súng, kiên định đi theo con đường của Đảng, của Bác Hồ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, ông Dĩnh được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân tại Hà Nội. Trong thời gian học tập tại trường, ông vinh dự 3 lần được gặp Bác trong các hội nghị biểu dương. Những lần đó, ông Dĩnh thực sự ấn tượng sâu sắc về Bác. Nhất là tình cảm, sự ân cần và những lời thăm hỏi, động viên của Người dành cho học viên - những người lính trở về từ chiến trường chống thực dân Pháp đầy gian khổ, cam go và anh dũng. Ông Dĩnh xúc động cho biết: “Trước ngày duyệt binh 2/9/1957, Bác đến thăm trường và động viên: “Các chú chiến thắng rồi thì giờ về đây các chú phải học giỏi”. Lời Bác nói thật giản dị và tình cảm lắm, như người cha dặn dò các con vậy".
Với ông Nguyễn Viết Dua, nguyên xã đội trưởng xã Hoằng Anh, nay là phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa), tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn giữ thói quen đọc sách, báo hằng ngày. Vừa cầm trên tay cuốn sách viết về làng Phượng Đình gắn với cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng đang đọc giở, ông vừa phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về những chiến công của mình và lần được gặp Bác Hồ, được Bác tặng đôi dép cao su. Ông Dua làm xã đội trưởng đúng thời điểm Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân và hải quân. Ông đã chỉ huy dân quân toàn xã trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của Mỹ rất kiên cường. Một lần, ông bị thương nhưng vẫn kiên cường bám trận địa, bảo vệ bằng được cầu Hàm Rồng. Với những đóng góp của mình trong suốt những năm chống Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, ông Dua được công nhận chiến sĩ quyết thắng cấp quân khu; được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và vinh dự đại diện cho lực lượng dân quân ra Hà Nội gặp Bác Hồ, dự lễ mừng công quyết thắng toàn quân năm 1967. Trong dịp này, ông Dua đã được Bác Hồ tặng cho đôi dép cao su. Kỷ vật quý giá này đã theo ông suốt nhiều năm và được ông giữ gìn cẩn thận. Sau này, nghĩ rằng tuổi cao sức yếu, sẽ không mãi giữ được kỷ vật của Bác tặng, ông đã trao tặng lại đôi dép cao su ấy cho Bảo tàng tỉnh trưng bày, để kỷ vật của Bác sống mãi với thời gian, nhắc nhở các thế hệ con cháu mai sau hiểu về lịch sử và tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Ký ức về những lần được gặp Bác Hồ, những lời dạy của Người hay là những kỷ vật được Bác trao tặng đã trở thành động lực tinh thần to lớn để các ông Dĩnh, ông Khích, ông Dua và nhiều người lính khác không ngừng phấn đấu, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Và, hình ảnh, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác sẽ sống mãi trong trái tim những người lính, mỗi người dân Thanh Hóa, Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Bà và ảnh: Lê Hà
{name} - {time}
-
2025-05-18 14:30:00
Về thăm quê Bác làng Sen
-
2025-05-18 08:52:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn trên thế giới
-
2025-05-18 08:41:00
“Nước non vạn dặm”: Bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ
Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới
Lỗi chính tả thường mắc khi sử dụng một số thành ngữ, tục ngữ
Team building: Xu hướng du lịch lên ngôi trong dịp hè
4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được công bố đặc biệt thế nào?
Chương trình nghệ thuật đặc biệt tôn vinh Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình
Khán giả rơi lệ trước hình ảnh Bác Hồ trong “Quà tháng 5 dâng Người”
Chùa Quán Sứ mở cửa xuyên đêm để người dân, Phật tử vào chiêm bái xá lợi Phật
Khai mạc Tuần lễ phim Việt Nam 2025 tại Hy Lạp