(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong mỗi câu chuyện thời chiến của các cựu chiến binh và người thân luôn gắn với những kỷ vật. Những trang nhật ký thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu, thể hiện ý chí, lý tưởng sống, chiến đấu của những người lính, là nhịp cầu thông tin nối liền tiền tuyến với hậu phương. Và những kỷ vật, nếu thoạt nhìn qua, sẽ chẳng ai biết được, đằng sau đó là những câu chuyện rất dài, chứa nụ cười, nước mắt và cả máu xương của không chỉ một người mà cả một thế hệ.

Những kỷ vật ghi lại câu chuyện đời lính

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong mỗi câu chuyện thời chiến của các cựu chiến binh và người thân luôn gắn với những kỷ vật. Những trang nhật ký thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu, thể hiện ý chí, lý tưởng sống, chiến đấu của những người lính, là nhịp cầu thông tin nối liền tiền tuyến với hậu phương. Và những kỷ vật, nếu thoạt nhìn qua, sẽ chẳng ai biết được, đằng sau đó là những câu chuyện rất dài, chứa nụ cười, nước mắt và cả máu xương của không chỉ một người mà cả một thế hệ.

Những kỷ vật ghi lại câu chuyện đời línhMột trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam.

Năm 2015, trước sự chứng kiến của Nhân dân và chính quyền xã Minh Nghĩa (Nông Cống), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã trao trả kỷ vật cho gia đình. Đó là cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1952, là trai thứ trong gia đình có 6 người con. Chưa tròn 18 tuổi, vào ngày 8-8-1969, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Nam đăng ký nhập ngũ vào Sư đoàn 338. Sau thời gian huấn luyện ở Ngọc Lặc, anh về thăm nhà một lần duy nhất rồi hành quân vào chiến trường miền Nam, chiến đấu ở khu vực Tây Nam bộ. Những năm chiến tranh, gia đình hầu như không nhận được thư từ chiến trận gửi về. Đến đầu năm 1976, gia đình nhận được giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Văn Nam hy sinh ngày 13-4-1972, an táng tại Kinh Dương, Kiến Bình (Long An).

Vì thế khi được nhận cuốn nhật ký lưu lạc hơn 43 năm, gia đình liệt sĩ Nam đã vô cùng xúc động. Qua những dòng chữ, họ hiểu anh đã sống và chiến đấu như thế nào trong những năm tháng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những trang nhật ký không một dòng than vãn, run sợ mà chỉ có một sự quyết tâm và niềm tin chiến thắng. Anh ghi chép một cách cẩn thận những câu nói của Bác Hồ để tự răn bản thân: “Dù chiến tranh 10, 20 năm hoặc lâu hơn nữa thì ta tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi chứ nhất định không chịu làm nô lệ”, rồi vẽ những hình ảnh hoa sen, hoa hồng, hay cành đào, cây dừa để minh họa kèm với những dòng chữ thể hiện sự quyết tâm chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm: “Dũng mãnh xông lên san bằng đồn bốt địch”, “Bao năm nay tôi vẫn sống trên tuyến lửa”; những dòng thơ tâm sự ngọt ngào với người con gái được gọi với cái tên trìu mến “người tôi yêu”: “Khóm hoa nào đằm thắm bằng đôi ta. Tình nào bằng tình của đôi ta... Đường nào ngọt bằng lời nói người yêu tôi”; “Hương sen bay thơm ngát tới lòng anh/ Chiến trường lửa đạn để dành gửi em...”?

“Người tôi yêu” ấy là bà Hà Thị Rốt hiện sinh sống ở Hoằng Hóa. Trong 3 năm, bà nhận được 3 lá thư, một lá năm 1969, hai lá cuối năm 1971, sau đó biệt tăm. Không ngờ 40 năm sau, bà mới được nhìn lại những dòng chữ thân quen.

Và cũng như nhiều cuốn nhật ký khác, nhật ký của liệt sĩ Nam nằm gọn trong lòng bàn tay, có nhiều vệt máu loang lổ thấm lên những dòng thơ. Ông Nguyễn Văn Chinh, em trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam ở thôn Thanh Minh, xã Minh Nghĩa, hiện đang giữ cuốn nhật ký, cho biết: “Cuốn nhật ký dù lênh đênh theo hành trang của một cựu binh Mỹ, sau hơn 40 năm đã trở về. Chỉ thương nhất là hài cốt anh trai tôi đến nay vẫn chưa tìm thấy”.

Cũng bởi đồng đội người còn người mất, những kỷ vật theo năm tháng bị hư hỏng, thậm chí lãng quên, Đại tá Hà Hồng Kỳ (thị trấn Quán Lào, Yên Định), đã cất công sưu tầm, lưu giữ hơn 12 năm nay được trên 150 kỷ vật. Nhập ngũ năm 1971, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Hà Hồng Kỳ đã cùng đồng đội trong Tiểu đoàn Tăng 1, Trung đoàn 574 Quân khu 5, tham gia nhiều trận đánh sinh tử với quân thù, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến tranh biên giới năm 1979 kết thúc, ông cùng đồng đội tình nguyện sang Campuchia giải cứu Phnom Penh khỏi bàn tay cai trị bạo tàn của Khmer đỏ, trở thành “đội quân nhà Phật” bất hủ. Sau đó ông đi học và công tác tại Quân khu 4, rồi chuyển về Thanh Hóa làm Phó tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và nghỉ hưu năm 2009.

Những kỷ vật ghi lại câu chuyện đời línhÔng Hà Hồng Kỳ chăm sóc những kỷ vật của đồng đội và người thân trao tặng.

Vốn là người thích lưu giữ, từng tờ giấy nhỏ, từ số hiệu quân nhân, các quyết định, 3 cuốn nhật ký cá nhân, ông đều cẩn thận cất kỹ tới nay. Nhưng hơn hết, ông muốn giữ lại những câu chuyện, tình cảm của đồng chí, đồng đội. Vì thế kể từ ngày nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, với chiếc xe máy ông đi khắp huyện Yên Định tìm các kỷ vật, hiện vật chiến tranh, rồi lần theo các manh mối đi sang các huyện trong tỉnh và đi cả ngoài tỉnh. Nhiều người vì cảm mến tình đồng đội của ông mà gửi từ xa về, thậm chí cả các tỉnh phía Nam. “Kỷ vật không chỉ là hiện vật, nó còn mang ý nghĩa về tinh thần, về cảm xúc, tình cảm… Phía sau hiện vật là những câu chuyện về cá nhân người chiến sĩ, là đời sống của họ...”, ông nói với chúng tôi. Rất xúc động, ông khoe trang báo có bài viết về người chiến sĩ chiến đấu dũng cảm ở Quảng Trị năm 1966, được gia đình giữ gìn như “bảo vật” vì đó là kỷ vật duy nhất về con trai họ và cách đây không lâu họ đã đến trao gửi để nhờ ông Kỳ gìn giữ, trưng bày. Rồi chiếc hộp bơm tiêm, kỷ vật của liệt sĩ Lương Văn Pứng, quê ở xã Điền Trung (Bá Thước). “Tôi và anh Pứng thân nhau, dành tình cảm cho nhau vì chúng tôi cùng là quê Thanh Hóa và cùng một kíp xe. Khi chúng tôi đánh vào sân bay Đức Cơ (Gia Lai), trên Đường 19… anh đã hy sinh. Kỷ vật ấy được tôi giữ từ trong chiến trường đến nay", ông Kỳ nói.

Ngoài ra, ông còn giới thiệu với chúng tôi rất nhiều kỷ vật khác. Gần đây nhất, ông Lê Đình Minh (khu phố Thiết Đinh, thị trấn Quán Lào) đã gửi tặng chiếc bật lửa bằng vỏ đạn do chính tay ông Minh làm; ông Cao Thanh Bình (xã Yên Lạc, huyện Yên Định) gửi bộ dao kéo cắt tóc.

Sau mỗi trận chiến đấu, những người chiến sĩ có khoảng thời gian ít ỏi nghỉ ngơi trên cánh võng nhưng họ vẫn cầu kỳ làm ra những chiếc bật lửa từ vỏ đạn, những cây lược làm từ mảnh vỏ pháo sáng để tặng người yêu hay làm vật dụng cho chính mình. Nhiều người còn khắc cả đôi chim bồ câu lên vật dụng như biểu tượng của tình yêu, niềm tin về ngày thống nhất ở phía trước. Nhìn ngắm những kỷ vật ấy, thế hệ trẻ như chúng tôi hiểu được phần nào trong cái gian khổ, ác liệt, những người lính vẫn giữ cho riêng mình những khoảnh khắc rất riêng tư, rất lãng mạn.

Hơn 150 kỷ vật ấy ông cất kín, chỉ số ít được ông bày ra 3 cái tủ kính. Mong muốn của ông là từ nay đến đúng dịp 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (2024), ông sẽ tổng hợp, ghi rõ họ tên, cấp bậc, chức vụ, quê quán, đã mất hay còn, để minh chứng cho kỷ vật, đồng thời trưng bày ngăn nắp. "Những người sưu tầm các vật dụng quân sự như tôi ngoài lòng ham thích, còn phải có điều kiện về thời gian và không gian. Tôi đang xây dựng không gian Quán Lào xưa và nay, với mong muốn giáo dục các thế hệ con cháu mình. Riêng về mặt thời gian, tôi “nghỉ hưu” rồi thì là triệu phú thời gian để tiếp đón, chia sẻ với các đồng chí, đồng đội. Tấm lòng rộng mở, phích nước luôn luôn là dở… ngồi vui kể chuyện tâm tình bình tông”, ông vui vẻ nói.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc 48 năm trước, nhưng được nhìn thấy những cuốn nhật ký bé nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay, những bức hình còn ngây ngô; nhìn thấy từng vật dụng thô sơ được các cựu chiến binh gìn giữ, chúng tôi như được xem thước phim tư liệu về đời người - đời lính. Đôi khi tôi tự hỏi, mình đã làm gì cho đất nước hôm nay. Có lẽ cuốn nhật ký thời chúng tôi thiếu sâu sắc hơn nhiều bởi đầy ứ những lo âu về cuộc sống. Thế hệ chúng tôi phải nói gì với những người đã ngã xuống hôm qua và sẽ kể câu chuyện gì về truyền thống dân tộc với những đứa bé sẽ lớn lên ngày mai?. Nhưng chắc chắn tôi sẽ kể cho con cháu mình nghe về những câu chuyện đẹp trong chiến tranh mà tôi đã có dịp tiếp xúc với các kỷ vật, dù chủ nhân của nó còn sống hay đã hy sinh.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]