(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, những người có uy tín (NCUT) trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực vận động bà con Nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Họ thực sự là “chỗ dựa” vững chắc, “cầu nối” quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền với bà con bản làng.

Những người có uy tín của bản làng

Thời gian qua, những người có uy tín (NCUT) trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực vận động bà con Nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Họ thực sự là “chỗ dựa” vững chắc, “cầu nối” quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền với bà con bản làng.

Những người có uy tín của bản làngCác cá nhân NCUT được tôn vinh tại hội nghị biểu dương NCUT tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Ảnh: Phong Sắc

Những “bông hoa” của bản

Con đường lên bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn đã dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Trong căn nhà của tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chúng tôi gặp gỡ ông Thao Văn Sinh (sinh năm 1954), NCUT bản Ché Lầu. Trong cuộc trò chuyện, những người lính biên phòng nơi đây gọi “bố Sinh” bằng sự kính trọng xen lẫn thân thiết. Họ giải thích rằng bộ đội biên phòng có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không, bà con có đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay không cũng nhờ một phần đóng góp của những NCUT như bố Sinh.

Gia đình ông Thao Văn Sinh là những hộ đầu tiên di cư từ xã Pù Nhi (Mường Lát) đến bản Ché Lầu sinh sống hơn 30 năm nay. Hiện nay, bản Ché Lầu có 100% đồng bào dân tộc Mông với 66 hộ, hơn 300 nhân khẩu. Là NCUT của bản, thời gian qua, ông Thao Văn Sinh đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chi bộ, ban quản lý bản thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ và bà con bản Ché Lầu chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương; tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Vận động bà con xóa bỏ các tập quán lạc hậu, gắn với thực hiện các phong trào ở địa phương như xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các quy ước, hương ước của bản. Vận động bà con không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, ma túy, không vượt biên trái phép, cùng bộ đội biên phòng giữ gìn đường biên, cột mốc. Ông Sinh cũng đã tuyên truyền, vận động bà con trong bản khi có người ốm đau, bệnh tật thì đưa xuống trạm y tế, bệnh viện, không thực hiện cúng bái, mê tín dị đoan. Hiện nay, bản Ché Lầu đã thực hiện đưa người mất vào quan tài, không tổ chức tang lễ linh đình, gây tốn kém trong gia đình. Đây là cuộc vận động lớn góp phần xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông. Các cháu trong độ tuổi đến trường, không còn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà con trong bản đã chăm chỉ làm ăn, trồng cây lúa 2 vụ, nuôi nhiều gia súc, gia cầm. Để làm tốt được công tác tuyên truyền, muốn bà con nghe theo, làm theo, ông Sinh luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của bản, gia đình ông Sinh cũng tích cực làm kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm giỏi và con cái học hành thành đạt.

Ngược ngàn lên huyện vùng cao Mường Lát, chúng tôi đến thăm ông Lương Văn Ơn, là NCUT bản Táo, xã Trung Lý. Ở tuổi 71, ông Ơn vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Không chỉ là NCUT của bản, ông còn là người tham gia bảo vệ cột mốc 313 - 314 thuộc quản lý Đồn Biên phòng Trung Lý. Bản Táo có đồng bào dân tộc Thái, Mông, Mường, Kinh cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm đa số. Đời sống bà con chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ, hiện nay bản Táo đang nỗ lực xây dựng bản đạt nông thôn mới (NTM). Với vai trò là NCUT, ông Lương Văn Ơn đã tích cực tuyên truyền cho bà con hiểu về ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, chi ủy, chi bộ, ban quản lý bản chung tay xây dựng bản sớm về đích, cuộc sống của bà con ngày một ấm no, hạnh phúc. Hiện nay, bản Táo đã đạt 12/14 tiêu chí xây dựng NTM, phấn đấu về đích năm 2023. Vừa là NCUT của bản, vừa tham gia bảo vệ cột mốc đường biên, ông Ơn càng hiểu hơn về sự thiêng liêng của cột mốc, về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, vì vậy, khi được giao trọng trách bảo vệ cột mốc, ông Ơn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, ông tích cực tuyên truyền, vận động bà con cùng bộ đội biên phòng giữ gìn cột mốc. Giữ cột mốc chính là giữ đất nước, giữ gìn bản làng bình yên.

Tôn vinh, nhân rộng những điển hình tiên tiến

Huyện miền núi Như Xuân có 16 xã, thị trấn, 4 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Thổ, Mường, Kinh, với dân số hơn 71.000 người. Toàn huyện có 97 NCUT trong vùng đồng bào DTTS. Những năm qua, NCUT được đánh giá có vị trí, vai trò quan trọng, là cầu nối giúp cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân với Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực. Tiêu biểu trong số những NCUT của Như Xuân có thể nhắc đến ông Lương Quang Hợi, sinh năm 1959, thôn Làng Mài, xã Bình Lương. Không chỉ tích cực vận động tuyên truyền bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, bản thân ông là người sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi giỏi. Hiện nay, gia đình ông có 2 ha keo, 1 ha rau màu, gần 20 con trâu, hàng trăm con gia cầm các loại, thu nhập bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Ông đã có hơn 11 năm là NCUT của thôn Làng Mài. Ông vận động Nhân dân xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, xóa bỏ nhà tạm bợ, dột nát; vận động các hộ tham gia mô hình nuôi ong lấy mật tại HTX Hợp Thành; vận động bà con xóa bỏ các hủ tục. Trước đây khi có người ốm đau, người dân chỉ mời thầy cúng, thầy mo về cúng bái, sinh đẻ cũng sinh tại nhà… tuy nhiên, hiện nay bà con đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Làng Mài trước đây có tỷ lệ lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc cao, ông Hợi tham gia vận động thanh niên trong độ tuổi tham gia xuất khẩu lao động hợp pháp. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, bà con nhận thức được mối nguy hiểm khi vượt biên trái phép nên đã đăng ký tham gia xuất khẩu lao động hợp pháp.

Ở khu phố 4, thị trấn Yên Cát (Như Xuân), bà con rất quý mến ông Lê Văn Tình, người dân tộc Thổ. Ông là điển hình tiêu biểu phát huy vai trò của NCUT trong hoạt động tuyên truyền pháp luật cho đồng bào DTTS. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hàng năm thị trấn Yên Cát đã giảm số vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, tệ nạn xã hội; tỷ lệ đồng bào tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện tăng cao; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đạt 100%; các cháu trong độ tuổi đều đi học, không có trường hợp bỏ học giữa chừng. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, ông Lê Văn Tình đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, là tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở cơ sở.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.281 NCUT thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện miền xuôi có xã miền núi. Vừa qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương NCUT tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Hội nghị là dịp để tôn vinh, nhân rộng những điển hình tiên tiến; cổ vũ, động viên NCUT trong đồng bào DTTS tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, gương mẫu trong lao động sản xuất, phấn đấu đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, tạo động lực mới, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]