Những người giữ bình yên cho du khách khi về với biển
Dũng cảm, nhanh nhẹn, chuyên nghiệp, không quản ngại nắng mưa, gian khổ, hiểm nguy rình rập, những “biệt đội” cứu hộ, cứu nạn trên các bãi biển luôn hàng ngày bám sóng, bám biển kịp thời ứng cứu người đuối nước, gặp nạn.
Không quản ngại khó khăn, vất vả, Đội cứu hộ - cứu nạn trên biển tại TP Sầm Sơn luôn hết mình vì công việc nhằm đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển.
Dọc bãi biển Sầm Sơn những ngày này không khó nhận ra hình ảnh những người đàn ông mặc trang phục áo đỏ, chân trần, quần cộc, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, đôi mắt luôn chăm chú hướng ra biển. Mỗi người một việc, chia thành từng tổ, nhóm, kiểm tra các khu vực dọc bãi biển. Người căng dây phao, cắm bảng hướng dẫn khách tắm nơi an toàn, người thổi còi, nhắc nhở du khách không được ra xa tắm... Họ là những thành viên của Đội cứu hộ - cứu nạn bãi biển (Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn).
Đã thành thói quen, dù ngày mưa hay nắng, cứ 5 giờ sáng ông Lương Bích Ngọc (phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn) đã chuẩn bị trang phục, đồ dùng cho ngày làm việc của mình. Sinh ra dưới chân sóng, từ nhỏ theo gia đình vươn khơi, bám biển khai thác, đánh bắt thủy sản nên dù đã bước sang độ tuổi 50 nhưng ông vẫn giữ được thân hình vạm vỡ, rắn rỏi, nước da rám nắng cùng với đó là những ngón tay sần sùi nổi chai, nổi ngấn do hàng ngày tiếp xúc với nước biển mặn chát. Chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, ông Ngọc cho biết: Gần 30 năm trong đội cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển này ông cũng không nhớ hết mình đã cứu bao nhiêu người bị đuối nước, gặp nạn trên biển. Chỉ biết rằng, cứ mỗi lần giúp người, giúp đời bản thân luôn cảm thấy tự hào, hạnh phúc. Ngày đầu bước chân vào nghề, ông cũng đắn đo, suy nghĩ về đặc thù công việc vất vả, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy rình rập, cộng thêm hàng ngày phơi sương, phơi nắng. Dẫu vậy, với sở trường bơi, lặn giỏi cùng niềm đam mê mãnh liệt với nghề nên ông rất tự tin, không rụt rè, e ngại.
Năm nay đã hơn 52 tuổi, ông Vũ Đình Mong (phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn) đã dành nửa đời mình gắn bó với công việc cứu hộ, cứu nạn trên biển Sầm Sơn. Ông chia sẻ: Nhiều người đùa rằng, nghề này sướng quá, cả ngày chỉ đi lại quanh bãi biển, giơ ống nhòm quan sát, rồi phất cờ, tuýt còi... cuối tháng lĩnh lương. Nhưng ít ai biết rằng công việc cứu hộ cũng vất vả, nguy hiểm, đòi hỏi cao về thể lực, sức chịu đựng, không phải cứ bơi, lặn giỏi là làm được. Để làm tốt, ngoài có sức khỏe còn cần tư duy xử lý tình huống nhanh nhẹn, nhạy bén, khéo léo. Vì, không phải du khách nào cũng biết bơi, số biết bơi thì do tâm lý chủ quan nên thường vượt qua phao cấm nên đội cứu hộ phải thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, yêu cầu họ chấp hành nghiêm quy định.
Công việc hằng ngày của các thành viên trong đội là quan sát dòng chảy, cắm cờ, cảnh báo chỗ nguy hiểm cho du khách.
“Phần lớn các thành viên trong đội cứu hộ, cứu nạn trên biển Sầm Sơn đều xuất thân từ nghề đi biển, có kinh nghiệm, kỹ năng bơi lặn giỏi. Làm việc với cái nắng, cái gió anh em trong đội ai cũng sở hữu làn da nâu sạm đặc trưng của dân biển. Khi tham gia vào công việc này, mọi người đều có chung một niềm đam mê, với mong muốn làm những điều tốt đẹp, có ích cho cộng đồng. Bởi vậy nếu đặt gánh nặng kinh tế chắc có lẽ khó ai có thể duy trì lâu dài. Với 55 thành viên (bao gồm nhân viên tình nguyện, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, nhân viên y tế...) đội được chia thành 4 tổ, mỗi tổ hơn 10 người. Hàng ngày, họ bắt đầu công việc từ lúc 6 giờ sáng và thường kết thúc khoảng hơn 18 giờ cùng ngày. Để đảm bảo an toàn cho du khách, các thành viên đều được trang bị bộ đàm, cờ báo hiệu, loa, còi, trang phục bảo hộ, ca nô... cùng nhau phân công bám giữ từng vị trí, giữ khoảng cách để đảm bảo du khách tắm biển đều trong tầm kiểm soát. Vào mùa du lịch, lượng du khách đến tắm đông, anh em trong đội phải làm việc hết công suất, căng mắt theo dõi nhất cử nhất động của từng người”..., anh Văn Đình Ngọc, quản lý Đội cứu hộ - cứu nạn bãi biển Sầm Sơn cho biết.
Huyện Hoằng Hóa có hơn 12km đường bờ biển, kết nối 5 xã vùng biển (Hoằng Trường, Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ). Nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và người dân khi đến tắm biển tại Khu Du lịch biển Hải Tiến, hằng năm UBND huyện tập trung xây dựng kế hoạch, quyết liệt lập lại kỷ cương, an ninh trật tự, an toàn, tăng cường lực lượng cứu hộ, cứu nạn, thường xuyên túc trực trên bãi biển để quan sát, kịp thời xử lý các tình huống; nhắc nhở du khách tắm trong vùng cho phép, bổ sung thêm các chòi quan sát, đầu tư thêm một số phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Theo thiếu tá Lê Thanh Tùng, Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Hoằng Trường (Bộ đội Biên phòng tỉnh), là lực lượng nòng cốt, vào mùa du lịch biển, đơn vị được huyện tin tưởng, giao nhiệm vụ thành lập đội trực cứu hộ, cứu nạn với 10 đồng chí, hàng ngày quan sát, cắm cọc giới hạn, biển báo nguy hiểm, trực 24/24 giờ dọc các bãi tắm tại Khu Du lịch Hải Tiến. Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng về ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn cho du khách cũng như ngư dân được biết để tiện liên lạc khi có tình huống xảy ra. Đặc biệt, năm 2023, Đồn Biên phòng Hoằng Trường phối hợp với lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, cứu vớt 3 phương tiện/22 lao động trên cửa Lạch Hới, Hoằng Hóa, góp phần đảm bảo bình yên trên các vùng biển...
Bài và ảnh: Trung Lê
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-05-04 08:46:00
Mua, thuê nhà ở xã hội: Vẫn là điều không dễ
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới
Hiệu quả từ mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản ở huyện Thường Xuân
Chuyện ở khu trọ công nhân
Khi bộ đội giữ rừng
Đánh thức những vùng đồi
Đẩy mạnh hoạt động đoàn, đội trong nhà trường
Nỗi lo đuối nước ở huyện vùng biên
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu
Xã vùng biên Mường Chanh nỗ lực xây dựng nông thôn mới