(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò là cầu nối trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến Nhân dân. Tại các bản làng biên giới, bằng uy tín, tận tâm, trách nhiệm, họ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong giữ gìn đường biên, cột mốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Những người tham gia bảo vệ an ninh biên giới

Trong những năm qua, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò là cầu nối trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến Nhân dân. Tại các bản làng biên giới, bằng uy tín, tận tâm, trách nhiệm, họ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong giữ gìn đường biên, cột mốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Những người tham gia bảo vệ an ninh biên giớiÔng Ngân Văn Thuân, người có uy tín ở bản Xắng Hằng, xã Yên Khương (Lang Chánh) bảo vệ mốc giới quốc gia.

Đồn Biên phòng Yên Khương (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 7km đường biên giới, 3 mốc quốc giới tiếp giáp nước bạn Lào; 13 thôn, bản thuộc xã Yên Khương, một trong những địa bàn khó khăn, xa xôi của huyện Lang Chánh. Đối với cán bộ, chiến sĩ của đồn, trong mỗi chuyến tuần tra biên giới, phổ biến pháp luật, khi có sự tham gia, đồng hành của già làng, NCUT, công việc thuận lợi hơn rất nhiều. Bởi lẽ, đội ngũ này là người địa phương, am hiểu địa hình, thông thạo ngôn ngữ, phong tục bản địa nên việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ giúp bà con nắm bắt nhanh hơn, hiệu quả hơn. Điển hình như ông Ngân Văn Thuân (58 tuổi) NCUT ở bản Xắng Hằng, xã Yên Khương luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Mặc dù không ai giao nhiệm vụ, không được hưởng chế độ, nhưng ông Thuân tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Với ông, được tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, đó còn là niềm tự hào. Bất kể thời tiết nắng nóng hay mưa rét, những dấu chân của ông vẫn hằng ngày in hằn trên cung đường rừng, cùng với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng tuần tra, kiểm tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Bản thân ông, trong năm qua đã tham gia 60 lần kiểm tra đường biên, cột mốc, phát quang và quét dọn sạch sẽ khu vực cột mốc, kịp thời phát hiện và báo cáo cho đồn nhiều tin có liên quan đến quản lý biên giới. Từ đó, góp sức cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đường biên, cột mốc được tuyệt đối an toàn, nguyên trạng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới. Không chỉ vậy, bằng sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, ông Thuân còn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ dần những hủ tục, tệ nạn mê tín dị đoan, gương mẫu thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của bản, tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội...

Những người tham gia bảo vệ an ninh biên giớiCán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương bảo vệ mốc giới quốc gia

Với vai trò là NCUT, ông Lương Văn Ơn (SN 1952, dân tộc Thái) ở bản Táo, xã Trung Lý (Mường Lát) thường xuyên tham gia các lớp phổ biến về các hiệp định, quy chế biên giới, lịch sử đường biên, mốc quốc giới... Đồng thời, vận động bà con trong bản ký cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật, không buôn bán, tàng trữ ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Nhiều năm qua, ông cùng với các đoàn thể, chính quyền tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện tố giác tội phạm, bảo vệ đường biên, cột mốc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống các loại tội phạm, không xâm canh, xâm cư, không qua lại biên giới trái phép. Xác định bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới là nhiệm vụ hết sức quan trọng, ông Ơn tự nguyện tham gia bảo vệ 2 cột mốc. Trong 5 năm qua, ông đã cùng với Đồn Biên phòng Trung Lý, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức 30 cuộc tuyên truyền cho quần chúng Nhân dân chấp hành tốt hiệp định, nghị định, quy chế khu vực biên giới Việt - Lào với trên 1.000 lượt người tham gia. Tham mưu, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa Nhân dân khu vực biên giới Việt - Lào, tạo điều kiện qua lại, hợp tác kinh doanh, trao đổi, buôn bán hàng hóa...

Đánh giá về vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, NCUT tham gia bảo vệ an ninh biên giới, đồng chí Trịnh Vinh Lực, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Quan Sơn, cho biết: Quan Sơn có 84km đường biên với 28 vị trí/31 cột mốc biên giới quốc gia, tiếp giáp với 2 huyện Viêng Xay, Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Toàn huyện có trên 9.900 hộ, trong đó người DTTS chiếm 90,75%, trình độ dân trí còn thấp, đời sống bà con còn nhiều thiếu thốn. Tại các bản biên giới, đội ngũ già làng, trưởng bản, NCUT đi đầu trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, XDNTM, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vận động đồng bào dân tộc xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan... Họ còn là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quốc phòng - an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đã tích cực phối hợp và tranh thủ sự tín nhiệm của NCUT, già làng, trưởng dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết một lòng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực của xã hội. Bảo vệ an ninh biên giới, chống lại các luận điệu chống phá của thế lực thù địch, không để các phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền, kích động, gây rối làm mất an ninh trật tự ở cơ sở NCUT còn kịp thời cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng công an, bộ đội biên phòng để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, góp phần làm ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng bản, khu dân cư... Nhờ đó đồng bào các dân tộc tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, phát huy những giá trị tốt đẹp trong ứng xử, tổ chức lễ hội, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, XDNTM.

Bài và ảnh: Khắc Công - Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]