(vhds.baothanhhoa.vn) - Những sự kiện lịch sử tiêu biểu qua các năm Dậu ở Thanh Hóa (từ năm 937 đến năm 2005)

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những sự kiện lịch sử tiêu biểu qua các năm Dậu ở Thanh Hóa (từ năm 937 đến năm 2005)

Tranh Lê Trí Dũng.

Năm Đinh Dậu (937): Tháng 3 âm lịch, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn phản bội giết chết.

Năm Kỷ Dậu (1009): Đào sông, đắp đường từ Nga Sơn đến sông Vũ Lung.

Năm Ất Dậu (1285): Tháng 5 âm lịch, từ căn cứ địa Thanh Hóa, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Nguyên.

Năm Đinh Dậu (1357): Tháng 4 âm lịch, các lộ ở Thanh Hóa, Nghệ An khơi lại các kênh, sông.

Năm Kỷ Dậu (1429): Tháng 12 âm lịch, tặng phong Thiếu úy Lê Lai vì đã quản lãnh quân và voi, xông pha về phía địch, bị giặc bắt và bị giết. Trước đã phong Lê Lai là Thiếu úy Lũng Nhai Công thần, nay phong tặng thêm chức Thái úy sai Lê Trãi (Nguyễn Trãi) chép lời thề nguyện của nhà Vua cất vào trong hòm bằng vàng để tỏ ý ghi nhớ không quên.

Năm Ất Dậu (1465): Tháng 10 âm lịch, Hữu tướng quốc Quận công Lê Xí mất, thọ 69 tuổi, truy tặng chức Thái Sư, đặt tên thụy là Nghĩa Võ sau được gia phong tước Cương quốc công.

Năm Quý Dậu (1513): Tháng Giêng âm lịch, Thừa tướng, Thượng tể Nguyễn Văn Lang mất, được phong tước Nghĩa luân vương

Năm Ất Dậu (1525): Tháng 10 âm lịch, Mạc Đăng Duy đánh bại Trịnh Tuy ở châu Lang Chánh, cướp lấy nhà Vua đem về phường Đông Hà, huyện Thọ Xương (Hà Nội).

Năm Quý Dậu (1573): Tháng giêng âm lịch, nhà vua chạy vào Nghệ An. Trịnh Tùng sai người đón Duy Đàm mới lên 7 tuổi lập làm vua, đổi niên hiệu là Gia Thái.

Năm Tân Dậu (1741): Tháng 9 âm lịch, Trịnh Doanh sai Đặng Đình Mộc đánh úp và phá được Lê Duy Mật ở Sơn Tây. Lê Duy Mật rút quân giữ vùng Thạch Thành.

Năm Quý Dậu (1753): Tháng 7 âm lịch, định phép đánh thuế vỏ quế ở Thanh Hóa.

Năm Đinh Dậu (1777): Tháng 5 âm lịch, miễn các thuế thổ sản còn bỏ thiếu từ năm Ất Mùi (1775) trở về trước cho Thanh Hóa.

Năm Quý Dậu (1813): Tháng 3 âm lịch, lấy đỗ Hương cống 21 người ở 2 trường thi Thanh Hóa, Nghệ An. Trường Thanh Hóa đỗ 9 người.

Năm Ất Dậu (1825): Triều đình ra sắc lệnh giảm bớt quan lại 4 huyện Hậu Lộc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Quảng Địa ( Hậu Lộc thuộc phủ Hà Trung, 3 huyện còn lại thuộc phủ Thiệu Hóa), các việc đều do phủ nha kiêm lý mà từ trước đến nay các huyện đều đặt lại dịch riêng, gây nên tình trạng “nhiều người nhiễu việc”.

Năm Đinh Dậu (1837): Tháng 3 âm lịch lập, châu Thường Xuân gồm đất 4 tổng: Trịnh Vạn, Quân Nhân (huyện Thọ Xuân), Như Lăng (huyện Lôi Dương) và Luận Khuê (huyện Nông Cống). Đặt đồn ở Trịnh Vạn làm châu lỵ.

- Tháng 9 âm lịch, Tổng đốc Thanh Hóa cho mở mang đường sá lên miền núi Thanh Hóa.

Năm Tân Dậu (1861): Tạm đình chỉ việc thi Hương ở trường Thanh Hóa. Học trò Thanh Hóa, Ninh Bình cho hợp thi vào trường Hà Nội.

Năm Quý Dậu (1873): Tháng 5 âm lịch, bắt đầu định ngạch thuế quế ở châu Quan Hóa. Định ngạch thuế 8 cân chia làm 4 hạng: Thượng hạng nộp 1 cân; Hạng nhất nộp 1 cân; Hạng nhì nộp 3 cân; Hạng 3 nộp 3 cân.

Năm Ất Dậu (1945): Tháng 3, hội nghị Tỉnh ủy tại thôn Phú Nhi (nay thuộc xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc) bàn chủ trương, biện pháp chống đói, xây dựng lực lượng vũ trang.

- Ngày 24/6, Hội nghị Đảng bộ tỉnh tại làng Vĩ Liệt (xã Hà Tân, huyện Hà Trung), bầu Ban chấp hành gồm 7 đồng chí. Đồng chí Tố Hữu làm Bí thư.

- Sáng 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền ở 9 huyện: Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc, Nga Sơn.

Năm Đinh Dậu (1957): Ngày 13/6, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa lần thứ 2.

Năm Kỷ Dậu (1969): Tháng 2, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm Thanh Hóa.

- Ngày 21/10 đến 4/11, tại Hội trường lớn của tỉnh ở xã Thiệu Viên, huyện Đông Sơn (nơi sơ tán) đã diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII, có 307 đại biểu chính thức và 50 đại biểu dự khuyết. Đại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị kiểm điểm việc thực hiện nhiệm kỳ qua, định phương hướng nhiệm kỳ tới và bầu Ban Chấp hành tỉnh gồm 35 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Tỉnh ủy đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí. Đồng chí Võ Nguyên Lượng được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Năm Tân Dậu (1981): Từ 5 đến 8/1/1981, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp mở rộng thảo luận chủ trương biện pháp lãnh đạo chỉ đạo thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1981. Phát động phong trào “Thi đua lao động Xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc học tập và làm theo điển hình tiên tiến, hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1981, lập thành tích chào mừng Hiến pháp mới và đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V”.

- Ngày 26/4, nhân dân khắp các địa phương trong tỉnh tham gia bầu cử Quốc hội khóa VII và Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X.

Năm Quý Dậu (1993): Ngày 19 đến ngày 21/5, Đại hội Công đoàn toàn tỉnh lần thứ 14 (tại hội trường tỉnh). Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lê Văn Tu đã biểu dương những cố gắng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn tỉnh, đã trao tặng cho Đại hội bức trướng mang dòng chữ “Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Thanh Hóa quyết tâm đi đầu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng”.

Năm Ất Dậu (2005): Từ ngày 19 đến 22/12/2005, tại Trung tâm Hội nghị 25B của tỉnh, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2005 - 2010. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI nhiệm kỳ 2005 - 2010 gồm 59 đồng chí. Đồng chí Phạm Văn Tích được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Trịnh Thị Hà (bs)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]