(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghề, làng nghề truyền thống đã và đang giúp hàng nghìn hộ gia đình thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Cùng với sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền, các chủ thể nỗ lực đổi mới sáng tạo sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng vẫn luôn chứa đựng nét đẹp văn hóa, mang bản sắc, cội nguồn dân tộc.

Nỗ lực giữ và phát triển nghề

Nghề, làng nghề truyền thống đã và đang giúp hàng nghìn hộ gia đình thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Cùng với sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền, các chủ thể nỗ lực đổi mới sáng tạo sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng vẫn luôn chứa đựng nét đẹp văn hóa, mang bản sắc, cội nguồn dân tộc.

Nỗ lực giữ và phát triển nghềÔng Nguyễn Văn Tư làm giàu từ trồng bưởi đỏ Luận Văn.

Nhớ lại những ngày đầu tiên, đến nay ông Nguyễn Văn Tư (xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân) vui mừng vì quyết định trồng bưởi đỏ Luận Văn. Nhờ sự quả quyết này đã giúp gia đình ông không những thoát nghèo mà còn thực hiện được ước mơ “đổi đời” và có thu nhập cao.

Trước năm 2012, ông Tư là lao động tự do, cuộc sống bấp bênh. Năm 2012 nhận thấy địa phương có điều kiện, thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng cây bưởi, ông Tư đã tự tìm hiểu, đến những hộ gia đình khác để tham khảo và học tập cách thức trồng bưởi. Tình cờ trong một lần đến nhà người quen trồng loại bưởi đỏ Luận Văn, nhìn thấy tiềm năng và hiệu quả kinh tế của loại bưởi này cao, ông Tư đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển thực hiện mô hình. Theo đó, ông Tư cải tạo khu vườn rộng 1 ha để trồng 100 gốc bưởi, quá trình chọn giống, chăm sóc ông luôn cẩn thận, chăm chút.

Vượt qua khó khăn ban đầu, kiên trì hoàn thiện kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, đến nay, vườn bưởi của ông Tư đã mở rộng lên đến 3 ha với 250 gốc, mỗi năm cho thu hoạch từ 8.000 – 10.000 quả, lợi nhuận đạt 500 – 600 triệu đồng/năm. Nhờ cây bưởi, ông Tư đã trả hết số nợ ban đầu, xây dựng cơ ngơi khang trang, đồng thời ổn định nguồn thu nhập cao. Trong vụ tết năm 2022, vườn bưởi của gia đình ông đã xuất bán 3.000 quả sang Singapore, là hộ đầu tiên của xã đưa bưởi Luận Văn xuất ngoại. Nói về vụ trồng năm nay, ông Tư vừa cười vừa cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, sản lượng bưởi xuất bán có thể nhỉnh hơn năm ngoái. Vào vụ bưởi được thương lái đến tận vườn thu mua, giá bán từ 80 - 150 nghìn đồng/quả, tùy thuộc cân nặng, mẫu mã. Với những loại vip có cân nặng từ 1,5kg trở lên, quả tròn, dáng cao thành, màu đỏ nhung thì giá còn cao hơn”.

Hiện tại, các vườn bưởi Luận Văn đang độ chín dần, từ vàng cam chuyển sang đỏ, hầu hết các vườn đều đã có thương lái đặt mua từ trước. Vào tháng 12 âm lịch, khi bưởi chín đỏ là lúc xã tấp nập từng đoàn xe chở hàng tỏa đi khắp nơi. Đặc biệt, những năm qua quả bưởi đỏ Luận Văn được nâng tầm giá trị với việc trang trí, vẽ tranh dân gian, chữ thư pháp, trở thành một sản vật chơi tết độc đáo.

Hiện bưởi đỏ Luận Văn được trồng tập trung nhiều nhất tại xã Thọ Xương với khoảng gần 30 ha và 25 hộ dân tham gia. Trong đó hộ gia đình trồng diện tích ít nhất là 500m2, hộ nhiều nhất là 4 ha. Ông Lê Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Xương, cho biết: “Bưởi Luận Văn đang là cây trồng chủ lực, phát triển kinh tế tại địa phương, mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với các cây trồng khác, giúp các hộ dân làm giàu. Chính quyền khuyến khích mở rộng quy mô, diện tích vườn, quy hoạch đến năm 2025 diện tích toàn xã tăng lên 50 ha. Đồng thời, đề xuất phòng nông nghiệp nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng giống bưởi về cả chất lượng và thời vụ”.

Nghề trồng bưởi đỏ Luận Văn là một trong nhiều nghề truyền thống đã và đang thu hút lực lượng lao động tham gia. Tại địa phương có nhiều nghề, làng nghề tiêu biểu như Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa,... số lao động theo nghề truyền thống ngày càng tăng, đây được xem như nghề phát triển kinh tế chủ lực của địa phương, mang lại thu nhập ổn định và cao cho hộ gia đình. Tiêu biểu như làng nghề nước mắm Khúc Phụ (Hoằng Hóa) từ khi được công nhận làng nghề truyền thống năm 2017, thương hiệu nước mắm Khúc Phụ được xây dựng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, từ đó số lao động tham gia ngày một đông. Nhiều ông chủ, bà chủ trẻ là thế hệ thứ 2, 3 trong làng quyết tâm làm giàu từ nghề. Hiện đây đang là nghề mang lại nguồn thu nhập cao cho khoảng 450 hộ với khoảng 2.500 lao động trực tiếp tham gia. Ông Nguyễn Minh Quyết, Chủ nhiệm HTX Chế biến nước mắm Khúc Phụ, cho biết: “Hiện HTX có 100 thành viên. Tết được xem là vụ chính trong năm, trung bình mỗi hộ xuất bán khoảng 2.000 - 5.000 lít nước mắm/vụ, thu nhập 500 triệu - 1 tỷ đồng/năm”.

Nỗ lực giữ và phát triển nghềNghề truyền thống mây tre đan (Hoằng Thịnh) tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Số lao động làm việc trong làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống là 660 người, thu nhập bình quân đạt 84 triệu đồng/người/năm”. Với mục tiêu duy trì và bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống, huyện Thọ Xuân hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương của các làng nghề. Đồng thời, huyện cũng đã xây dựng đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong đó, có cơ chế hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng/năm để phát triển nghề truyền thống và 2 tỷ đồng cho 1 làng nghề.

Hiện nay, toàn tỉnh có 125 làng nghề đang hoạt động (85 làng nghề truyền thống và 40 làng nghề mới), có 69 làng nghề đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nhóm nghề: chiếu cói, mây tre đan, mộc, chế biến thủy, hải sản, đúc đồng, chế biến bánh nem giò chả... Tổng doanh thu của các làng nghề lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 58.000 lao động trong toàn tỉnh. Hỗ trợ phát triển bền vững các làng nghề, ngày 29/11/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4182/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và ban hành các chính sách khôi phục, bảo tồn đối với làng nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới.

Bên cạnh đó, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã giúp sản phẩm từ nghề, làng nghề truyền thống có cơ hội phát triển thành sản vật đặc trưng địa phương, từ đó nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, là cơ hội để sản phẩm mở rộng thị trường, chinh phục nhiều thị phần khách hàng ở trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]