(vhds.baothanhhoa.vn) - Đổi mới để mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút nhiều khách hàng hơn nữa, làng nghề và nghề truyền thống đã thay đổi, mặc lên mình “chiếc áo mới” từ việc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

Tết ở làng nghề: “Bắt tay” với công nghệ

Đổi mới để mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút nhiều khách hàng hơn nữa, làng nghề và nghề truyền thống đã thay đổi, mặc lên mình “chiếc áo mới” từ việc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

Tết ở làng nghề: “Bắt tay” với công nghệHàng trăm chum mắm nguyên liệu của Công ty TNHH Phương Cường Phúc.

Nhờ trang facebook cá nhân, anh Nguyễn Văn Cường, hộ kinh doanh buôn bán tại huyện Nga Sơn đã trở thành đại lý tiêu thụ của cơ sở sản xuất hoa giấy Dương Hương, một trong các hộ của làng nghề truyền thống hoa giấy Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa). Mang sản phẩm đến gần hơn với mọi người, tìm kiếm thêm khách hàng, mở rộng thị trường bằng công nghệ là điều mà làng nghề hoa giấy Mật Sơn đã và đang thực hiện.

Là người trẻ tiếp nối nghề truyền thống làm hoa giấy của gia đình, chị Hoàng Thị Hương vẫn giữ gìn bản sắc của nghề nhưng luôn tìm kiếm, áp dụng công nghệ mới nhằm gia tăng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chị Hương cho biết: “Nghề hoa giấy, với công thức truyền thống hoàn toàn như trước thì cơ sở sản xuất được khoảng 1 - 2 nghìn sản phẩm/ngày. Tuy nhiên, hiện nay nhờ hiện đại hóa một số khâu sản xuất cơ sở đã nâng công suất lên khoảng 3 - 4 nghìn sản phẩm/ngày, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đồng thời, việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên nhiều trang mạng xã hội giúp khách hàng thuận tiện trong việc tiếp cận, đến giao dịch trực tiếp với cơ sở mà không phải qua các khâu trung gian”. Chị Hương đã thành lập trang web riêng như một cửa hàng trên mạng, thường xuyên quay video, giới thiệu chi tiết sản phẩm trên web và trang cá nhân nhằm quảng bá đến khách hàng. Đây cũng là kênh chị Hương tham khảo ý kiến người tiêu dùng, từ đó có những thay đổi về mẫu mã cho phù hợp.

Tết ở làng nghề: “Bắt tay” với công nghệSản phẩm nước mắm Bông Sen thiết kế với mẫu mã đẹp mắt, làm quà tặng dịp tết.

Hiện làng nghề hoa giấy Mật Sơn có 44 hộ sản xuất thường xuyên, gần 70 hộ sản xuất thời vụ. Bắt đầu từ thời gian này, các hộ thuê thêm nhân công, tăng cường sản xuất, kịp trả đơn hàng vào dịp cuối năm. Các hộ sản xuất cũng đã ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số vào sản xuất. Ông Phạm Ngọc Oánh, trưởng phố Mật Sơn 2, cho biết: “Thời gian qua, đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, nhiều hộ trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất, mẫu mã sản phẩm... được các hộ dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên facebook, zalo, tiktok thu hút đông đảo khách hàng. Đặc biệt, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao. Hiện, sản lượng bán hàng thông qua mạng xã hội và thương mại điện tử bắt đầu tăng, chiếm khoảng 10 - 20% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề”.

Không nằm ngoài cuộc chơi công nghệ, anh Nguyễn Tiến Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Phương Cường Phúc (TP Sầm Sơn) cũng nhanh chóng đưa sản phẩm truyền thống nước mắm Bông Sen tiếp cận với nhiều tệp khách hàng thông qua công nghệ số.

Theo anh Nguyễn Tiến Phúc thì “Nước mắm là một trong những mặt hàng có thị trường cạnh tranh khốc liệt không chỉ với ngành nước mắm công nghiệp, mà cả với thương hiệu nước mắm truyền thống trong và ngoài tỉnh. Bởi vậy, nếu không “bắt tay” với công nghệ, đa dạng cách tiếp cận người tiêu dùng, không ngừng xây dựng và quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng trên các nền tảng số thì rất khó để tồn tại và phát triển”. Bản thân anh Phúc khi xác định khởi nghiệp bằng nghề truyền thống cũng không ngừng tìm tòi cái mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản phẩm, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu và thị yếu người tiêu dùng hiện đại. Nước mắm Bông Sen được làm từ nguyên liệu chính là cá trích, bởi “cá trích là loài cá được đánh giá cao về mặt dinh dưỡng và vị thơm ngon. Thành phần đạm, vi chất và khoáng chất có trong cá trích dồi dào không thua kém bất kỳ loài cá nào. Ngoài ra những khoáng chất của cá trích như canxi, vitamin B6, kali,... đều có lợi cho sức khỏe xương khớp và tim mạch. Mặt khác, đây là loại cá có sản lượng lớn ở vùng biển Sầm Sơn”, anh Phúc lý giải. Nước mắm Bông Sen có hương vị thơm nhẹ, vị mặn vừa phải, độ đạm cao >50%.

Tết ở làng nghề: “Bắt tay” với công nghệChị Hoàng Thị Hương, chủ cơ sở ở làng nghề truyền thống hoa giấy Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) .

Từ năm 2021, anh Phúc đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như postmart, vicosap. Đồng thời, anh sử dụng trang facebook cá nhân như một cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Anh thường xuyên quay, dựng clip ngắn hoặc thông tin bằng hình ảnh của quá trình làm nước mắm từ việc thu mua nguyên liệu tươi của các tàu cá, đặt mua chum từ lò gốm, quy trình trộn cá với muối, đến khi thành phẩm. Với nội dung phong phú, độc đáo, gần gũi và thiết thực, các video của anh thu hút lượng lớn khách hàng theo dõi và đặt mua. Được biết, kênh bán hàng điện tử, mạng xã hội tiêu thụ 50% tổng sản lượng sản phẩm.

Cũng theo anh Phúc, tết là dịp tiêu thụ nước mắm lớn nhất trong năm, hầu hết cơ sở sản xuất nước mắm ngay từ đầu năm đã có sự chuẩn bị cho vụ tết, sản lượng dịp tết thường gấp đôi, thậm chí gấp 3. Mặt khác, những năm gần đây nhu cầu mua nước mắm làm quà biếu, tặng tăng cao vì vậy, cơ sở sản xuất loại nước mắm đặc biệt, chú trọng thiết kế bao bì, mẫu mã ấn tượng, bắt mắt nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh việc quảng bá trên các nền tảng xã hội. Trung bình mỗi tháng công ty xuất bán khoảng 500 – 600 lít nước mắm. Năm nay, công ty dự kiến sản lượng từ 2.000 – 3.000 lít phục vụ Tết Giáp Thìn.

Không chỉ nước mắm Bông Sen, hầu hết nước mắm truyền thống trong tỉnh đã “lên sàn” thương mại điện tử, kết nối cung cầu tốt hơn với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Cái “bắt tay” giữa làng nghề truyền thống và công nghệ là xu thế tất yếu trong phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhằm chủ động ứng dụng, chuyển đổi dữ liệu và quy trình làm việc từ thủ công sang số hóa, tự động hóa. Sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử... là cách để các làng nghề mở rộng thị trường, kết nối cung cầu, phù hợp với nhu cầu mới trong thời đại hiện nay.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]