Tất bật làng nghề
Danh thơm của bánh gai Tứ Trụ đã tỏa ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước, chả bởi thế mà nghề làm bánh gai truyền thống ngày càng phát triển, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, là một trong những nghề truyền thống hiếm hoi có lực lượng lao động trẻ đông đảo tiếp nối nghề.
Sản lượng bánh gai của cơ sở Bảy Quyên thường gấp 2, 3 thậm chí 5 lần vào dịp tết.
Bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc từ làng Mía (xã Thọ Diên), theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì trước đây bánh gai là sản vật tiến vua, chỉ được làm vào ngày lễ, tết, dịp quan trọng. Về sau này, nhu cầu của người mua ngày càng cao, vì vậy làng nghề sản xuất quanh năm để đáp ứng cho những cơ sở bán đặc sản hoặc phục vụ khách du lịch mua về làm quà. Hiện nay, hơn nửa số hộ dân trong xã Thọ Diên làm nghề, thậm chí một số người con làng Mía dù đi nơi khác sinh sống vẫn mang theo nghề để dựng nghiệp. Từ Thọ Diên nghề phát triển ra các xã, thị trấn lân cận, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, giúp hàng trăm hộ dân có thu nhập ổn định. Bởi vậy, vào những ngày tết đến, xuân về này, chỉ cần bước chân vào đất Thọ Xuân là khướu giác đã được đánh thức bởi mùi ngọt thơm của bánh gai. Hàng trăm cơ sở sản xuất thuê thêm nhân công, máy móc chạy liên tục suốt ngày đêm để đẩy nhanh tốc độ sản xuất.
Cơ sở sản xuất bánh gai Bảy Quyên (khu phố 3, thị trấn Sao Vàng) cũng bước ra từ làng nghề Thọ Diên, theo nghề đã 23 năm, là một trong những thương hiệu bánh gai có tiếng tại đây, được người tiêu dùng tin tưởng. Anh Nguyễn Đình Bảy, chủ cơ sở cho biết: “Bánh gai được làm từ những nguyên liệu rất dân dã, có sẵn trong cuộc sống hàng ngày nên quy trình làm bánh gai cũng không khó nhưng khá công phu, trải qua nhiều công đoạn như chọn nguyên liệu, sơ chế, nặn bánh và hấp bánh. Theo đó, nguyên liệu không thể thiếu để làm nên chiếc bánh gai là lá gai, gạo nếp nghiền thành bột mịn, sau đó trộn với mật mía, lá gai rồi đem vào cối đá giã cho thành một khối nguyên liệu dẻo, mịn, có màu đen bóng của lá gai là được. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường, dừa khô nạo nhỏ. Sau đó, bánh được nắm thủ công thành hình tròn rồi cho nhân vào giữa nắm lại và gói vào lá chuối khô được làm sạch sẽ trước đó”. Làm nên thương hiệu riêng, anh Bảy chọn nguyên liệu là đặc sản vùng miền để làm bánh như gạo nếp Cay nọi.
Bình thường cơ sở có 4 lao động thường xuyên, dịp tết anh Bảy phải thuê thêm khoảng 6 lao động, đặc biệt vào những ngày giáp tết nhu cầu tăng đột biến thì cơ sở thường chia ca làm cả ngày lẫn đêm. “Trung bình mỗi ngày chúng tôi xuất bán khoảng 1.000 bánh, vào dịp tết thì số lượng tăng gấp 2, 3 có khi là 5 lần. Làm bánh ngày tết vất vả hơn nhiều, nhưng cơ sở luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất ra những chiếc bánh chất lượng để phục vụ người dân”, anh Bảy cho biết thêm. Được biết, doanh thu hàng năm của cơ sở đạt 1,8 tỷ đồng.
Ông Đoàn Văn Mậu chuẩn bị hương cho vụ tết.
Cùng chung không khí sôi nổi, rộn ràng vụ tết, làng hương Đông Khê (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa) đang “thơm” nhất trong năm, đây là thời điểm sản lượng hương của làng tăng gấp 2, gấp 3 bình thường. Tương truyền nghề làm hương truyền thống đã có khoảng 300 tuổi, nổi tiếng khắp vùng. Hương Đông Khê không đậm mùi mà thoang thoảng, lưu hương lâu. Nghề làm hương diễn ra quanh năm nhưng những tháng cuối năm là quãng thời gian tất bật, nhộn nhịp nhất. Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch hàng năm, các cơ sở sản xuất đã chuẩn bị nguyên vật liệu, tập trung nhân lực, tăng công suất. Hương Đông Khê có thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước, các đơn hàng đã đặt trước hàng tháng, bởi vậy thời gian này, nhà nhà trong làng hối hả vào vụ, hàng liên tục được xuất xưởng.
Hầu hết các hộ sản xuất ở đây đều là kế nghiệp cha ông, hộ ít thì 2 đời làm hương, hộ nhiều là 3, 4 đời. Làm hương truyền thống theo cách cha ông vất vả, công phu. Vì vậy, nhiều gia đình trong làng đã có sự điều chỉnh về quy trình sản xuất, đưa máy móc vào ứng dụng ở một số khâu trộn nguyên liệu, xe hương... nhằm giảm bớt nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm. Gia đình ông Đoàn Văn Mậu là một trong ít gia đình trong làng vẫn giữ phương pháp làm hương hoàn toàn thủ công. Đến thăm nhà ông cũng chính là cơ sở sản xuất, trong sân ngoài ngõ đều là hương. Hàng vạn que hương tết đều do một mình ông Mậu làm ra. Ngày thường, trung bình ông Mậu làm ra từ 100 - 150 que hương thì những ngày cận tết, công suất tăng gấp đôi lên 200 - 300 que hương/ngày. Thời gian làm việc cũng tăng lên gấp đôi ngày thường.
Không sản xuất thường xuyên như gia đình ông Mậu, gia đình ông Đoàn Văn Tài chủ yếu sản xuất theo thời vụ, tập trung cao điểm vào dịp tết. Theo truyền thống gia đình ông chủ yếu sản xuất 2 loại hương là hương sào và hương trăm, phương pháp sản xuất hoàn toàn thủ công. Bước vào vụ tết gia đình ông thuê thêm lao động thời vụ, bột bài lúc nào cũng tỏa hương thơm cả ngày lẫn đêm, khoảng sân rộng trước nhà và trên sân thượng luôn ăm ắp hương... Ông Tài tự hào chia sẻ: “Khác với các sản phẩm hương sào khác trên thị trường, hương sào truyền thống Đông Khê có mùi thơm nhẹ, phảng phất rất đặc trưng và đặc biệt tốt cho sức khỏe bởi nguyên liệu làm ra hoàn toàn tự nhiên. Mùi thơm ấy đã theo từ ngàn đời xưa đến nay, ngửi hương là thấy lòng xao xuyến, rạo rực như tết đã đến, xuân đã về rất gần”.
Chính sự tấp nập, rộn ràng của làng nghề cuối năm là biểu hiện mạnh mẽ về sự tiếp nối truyền thống, sự đầu tư phát triển mà các làng nghề đang hướng tới.
Bài và ảnh: Phong Vân
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2023-12-15 15:37:00
Tự hào 70 năm Đảng bộ xã Yên Trường
Mối lo ở các chợ truyền thống
Tết ở làng nghề: “Bắt tay” với công nghệ
Vườn Quốc gia Bến En: Bảo tồn, phát triển một số loài gặm nhấm quý hiếm
Cảnh báo lừa đảo tuyển dụng lái xe, phụ xe lương cao
Đẫm nước mắt hoàn cảnh của người phụ nữ hơn 30 năm trở về từ xứ người
Flamingo Ibiza tổ chức thắp sáng cây thông Noel, mở màn chuỗi hoạt động của Năm Du lịch Hải Tiến 2024
Thanh niên vùng cao nuôi ước mơ thoát nghèo từ học nghề
Nhọc nhằn Thượng Sơn
Người du nhập nghề mới cho phụ nữ nông thôn