Nỗ lực kiên cố hóa trường, lớp
Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp trên địa bàn toàn tỉnh đến nay đạt 92,06%. Kết quả này góp phần tích cực trong nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra.
Sau khi đưa vào sử dụng dãy nhà 2 tầng, học sinh Trường Tiểu học Cẩm Tân (Cẩm Thủy) đã có các phòng học bộ môn.
Từ những công trình mới...
Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học (TH) và THCS Triêu Dương (thị xã Nghi Sơn) có 19 lớp với 786 học sinh, trung bình 41 học sinh/lớp. Trong đó, lớp đông nhất trên 50 học sinh.
Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, cứ mỗi năm học mới, số lượng học sinh lại tăng, theo đó phát sinh thêm 1 đến 2 phòng học. Hiện Trường TH và THCS Triêu Dương có 19 phòng học văn hóa nhưng thực tế chỉ có 13 phòng, 6 phòng còn lại nhà trường phải lấy từ các phòng học bộ môn. “Giải quyết trước mắt để tạm thời đủ phòng học, phải ưu tiên phòng học văn hóa cho học sinh”, hiệu trưởng Mai Viết Luân cho biết.
Ngày 24/7/2024, Trường TH và THCS Triêu Dương đã khởi công xây dựng dãy nhà 3 tầng 15 phòng với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng. Công trình do UBND thị xã Nghi Sơn là chủ đầu tư. Dự kiến tháng 4/2025, công trình sẽ hoàn thành. Theo chia sẻ của hiệu trưởng Mai Viết Luân, sau khi xây xong, sẽ chuyển toàn bộ học sinh TH sang dãy nhà mới. Tại đây có 12 phòng học văn hóa và 3 phòng học bộ môn. “Mỗi phòng học mới có diện tích 51m2, trong khi phòng học cũ chỉ 48m2. Từ năm ngoái, nhà trường đã xin chủ trương đầu tư xây dựng nhưng thời điểm đó, thị xã chưa có nguồn”, hiệu trưởng Mai Viết Luân nói.
Trong nhiều năm, Trường TH Cẩm Tân (Cẩm Thủy) cũng phải lấy phòng học bộ môn làm phòng học văn hóa, thậm chí nhà hiệu bộ cũng được nhường lại để làm phòng học. Năm 2021, nhà trường được đầu tư xây dựng dãy nhà 2 tầng 10 phòng gồm 2 phòng học văn hóa, 4 phòng học bộ môn và 4 phòng hành chính. Chia sẻ của hiệu trưởng Phạm Thị Huyền: “Từ trước năm 2021, tình trạng thiếu phòng học đã xảy ra, nhưng thực tế, nguồn của xã chưa có nên cũng khó thực hiện. Sau khi được đầu tư, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu phòng học văn hóa, bảo đảm các phòng học bộ môn cho học sinh...”.
Thực tế, một trong những yêu cầu đặt ra trong xây dựng trường chuẩn quốc gia là phải bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất. Khi quy định về đạt chuẩn chưa đáp ứng thì khó công nhận. Do vậy, cần thiết phải kiên cố hóa trường, lớp, nâng cao chất lượng dạy và học. Câu chuyện ở Trường Mầm non Trường Trung (Nông Cống). Năm 2023, đến thời gian công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm cho việc công nhận lại trong khi kinh phí xã hạn hẹp nên đành “khất” sang năm 2024. Cho đến tháng 8/2024, công trình dãy nhà 2 tầng 8 phòng học mới chính thức khởi công. “Công tác quy hoạch chi tiết 1/500 triển khai chậm do xã thiếu kinh phí làm công tác quy hoạch do đó ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để công nhận lại chuẩn và nâng chuẩn”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Trung, cô giáo Nguyễn Thị Đào cho biết.
Thi công xây dựng công trình dãy nhà 2 tầng 8 phòng học tại Trường Mầm non Trường Trung (Nông Cống).
Kiên cố hóa trường, lớp luôn được đảng bộ, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao... Thông qua các chương trình, đề án và các nguồn xã hội hóa, toàn tỉnh đã huy động hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Tuy nhiên, nhìn nhận một thực tế, để làm tốt công tác kiên cố hóa trường, lớp, với mỗi địa phương, thuận ít, khó nhiều.
Nguồn lực còn hạn chế
Nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, của các địa phương đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học còn hạn chế so với nhu cầu thực tế và hiện trạng về cơ sở vật chất các trường học hiện nay, nhất là so với tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, TH, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Tại Nghi Sơn, trong những năm qua, thị xã đã dành 35 - 40% nguồn đầu tư xây dựng cho giáo dục nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính đến nay, thị xã mới xây dựng được 79/105 trường đạt chuẩn quốc gia. “Còn rất xa so với chỉ tiêu kế hoạch đảng bộ thị xã đề ra”. Ông Nguyễn Kim Ưng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn nói: “Phần lớn, cơ sở vật chất trường học còn thiếu và yếu, phần lớn các công trình đã cũ, cần phải xây mới. Hiện tỷ lệ phòng học kiên cố/tổng số lớp học còn thấp”.
- Đến nay, tỷ lệ kiên cố tại các cấp học trong toàn tỉnh: Mầm non đạt 86%; TH đạt 90,08%; THCS đạt 95,87%; THPT đạt 96,29%. - Toàn tỉnh có 1.691 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm hơn 85% tổng số trường học. |
Đối với huyện Nông Cống, hiện có 1.104/1.155 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 95,58%. Theo đó, số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia tại huyện này khá cao với 95/103 trường, đạt tỷ lệ 92,23%. Nhưng, thực tế không tránh khỏi những khó khăn mà theo như chia sẻ của ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT: “Vẫn còn một số trường hết hạn chuẩn quốc gia nhưng các xã không có kinh phí thực hiện đầu tư cơ sở vật chất để công nhận lại chuẩn và nâng chuẩn”.
“Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách tài chính, huy động nguồn lực của Nhà nước và của xã hội để đầu tư kiên cố hóa trường, lớp. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của nước ngoài đối với các dự án phát triển giáo dục. Nhưng nguồn lực vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế”. Đây là nhận định của ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh. Theo đó, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn ngân sách, nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ODA... để tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục. Đồng thời tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục từ các tổ chức, cá nhân để tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất các trường học.
Bài và ảnh: NINH NGHI
{name} - {time}
-
2024-12-09 12:06:00
Đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo
-
2024-12-07 11:07:00
Cần có sự phân loại đạo đức theo từng bậc học
-
2024-10-02 09:58:00
Hướng đi được nhiều bạn trẻ lựa chọn
Trăn trở chuyện dạy thêm, học thêm
Sổ liên lạc điện tử có cần thiết?
Định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên
Khắc phục khó khăn, nỗ lực đưa học sinh ra lớp
Phát triển kỹ năng “mềm” cho học sinh thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích
Khó đảm bảo quy định sĩ số học sinh tiểu học
Tín hiệu tích cực từ triển khai thí điểm học bạ số
Phát động cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường 2024
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật trong trường học