(vhds.baothanhhoa.vn) - Là bản tái định cư (TĐC) của Thủy điện Hồi Xuân, do kinh tế chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, diện tích đất canh tác ít, giao thông đi lại bất tiện... cuộc sống của bà con bản Sa Lắng, xã Phú Xuân (Quan Hóa) đến nay cũng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Nỗi buồn Sa Lắng

Là bản tái định cư (TĐC) của Thủy điện Hồi Xuân, do kinh tế chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, diện tích đất canh tác ít, giao thông đi lại bất tiện... cuộc sống của bà con bản Sa Lắng, xã Phú Xuân (Quan Hóa) đến nay cũng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Nỗi buồn Sa LắngĐể đến trường học, trẻ em ở Sa Lắng hằng ngày phải di chuyển bằng “đò”, những hôm mưa bão phải nghỉ học do nước sông Mã dâng cao, chảy xiết.

Giao thông ảnh hưởng chất lượng cuộc sống

Dù chỉ cách trung tâm xã Phú Xuân chừng hơn 1km, thế nhưng phải mất nửa giờ đồng hồ chúng tôi mới có mặt ở bản TĐC Sa Lắng. Do cách trở bởi dòng sông Mã nên cuộc sống nơi đây còn gặp nhiều khốn khó. Dân bản muốn lên trung tâm xã xin giấy tờ, buôn bán hàng hóa với bên ngoài, con trẻ đi học... chỉ có con đường duy nhất là đi “đò”. Tuy vậy, việc đi đò không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chiếc đò được Nhà nước trang cấp tối đa chỉ chở từ 10 – 12 người/lần thỉnh thoảng lại trục trặc, hư hỏng khiến việc qua sông của người dân, đặc biệt là khi ốm đau, sinh đẻ cần ra viện điều trị, chăm sóc trở nên vất vả hơn bao giờ hết.

Ông Phạm Bá Nương (80 tuổi, dân tộc Thái) cho biết: Năm 2019, sau khi Khu TĐC Sa Lắng phục vụ cho các hộ dân vùng ngập lòng hồ Thủy điện Hồi Xuân được hoàn thiện, người dân ở bản Sa Lắng cũ được chuyển về khu mới cách nơi ở trước đó không xa, cuộc sống đã dần ổn định. Được hưởng nhiều tiện ích về hệ thống hạ tầng đầu tư đồng bộ, song do giao thông bất tiện nên nhiều năm qua bà con vẫn phải chịu cảnh qua sông, lụy đò và luôn thường trực hiểm nguy khi con thuyền chòng chành giữa dòng nước xiết.

Trưởng bản kiêm bí thư chi bộ bản Sa Lắng, ông Cao Thanh Bình cho biết: Không thuộc thôn, bản đặc biệt khó khăn của xã, nhưng Sa Lắng như một “ốc đảo” thu nhỏ do bị chia cắt hoàn toàn bởi dòng sông Mã. Khu TĐC mới Sa Lắng hiện có 54 hộ với 275 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái, kinh tế dựa vào nông, lâm nghiệp, sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp. Việc khó khăn giao thương với bên ngoài khiến người dân ở đây gặp vô vàn khó khăn. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, nếu mang ra trung tâm xã, số tiền bán được chẳng bù lại tiền công sức vận chuyển. Nhiều gia đình có nhu cầu làm nhà mới, trong quá trình xây dựng phải mang từng viên gạch, bao xi măng, sắt, thép... bốc lên thuyền chở thành nhiều chuyến, rồi phải thuê người, phương tiện đưa về bản, chi phí đội lên nhiều lần... Những bất cập đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục... ở nơi đây.

Gian nan chặng đường đến trường

Ở Sa Lắng có hơn 60 cháu từ bậc mầm non cho đến THPT, song lại không có điểm trường lẻ. Tất cả học sinh phải đi đò để đến trường. Vào mùa mưa bão, thủy điện vận hành hoặc xả lũ, mực nước sông Mã dâng cao, chảy xiết khiến công cuộc tìm kiếm “cái chữ” của con em lại khó khăn.

Cô Hà Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Xuân, xã Phú Xuân cho biết: Hiện có 14 cháu ở Sa Lắng đang theo học tại trường. Để các cháu đến trường đúng giờ, sáng sớm khi mặt trời còn chưa ló rạng, nhiều phụ huynh đã phải dậy sớm chuẩn bị quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho con em mình. Sau đó di chuyển bằng đò đưa con đến trường, chiều lại sang đón về. Việc đưa đón các em là cả một vấn đề nan giải, tốn nhiều thời gian. Hằng năm, cứ vào đợt mưa bão, nhà trường cũng động viên cho các cháu nghỉ ở nhà để đảm bảo an toàn, và bố trí những ngày cuối tuần học bù. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền đối với bậc phụ huynh học sinh tranh thủ thời gian kèm cặp, phụ đạo thêm kiến thức cho con em mình...

“Do điều kiện đi lại vất vả, nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch nhằm đảm bảo cho các em học tập. Cụ thể, đối với những hôm học cả ngày, sẽ hỗ trợ suất ăn, bố trí chỗ nghỉ ngơi giúp học sinh không phải đi lại nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vị trí địa lý riêng biệt, học sinh ở Sa Lắng chịu nhiều thiệt thòi. Vào mùa mưa lũ, cả bản gần như bị cô lập hoàn toàn. Dù vậy, hiện tại 100% trẻ em đều được đến trường đúng độ tuổi ở nhiều cấp học và không có cháu nào bỏ học giữa chừng.”- Thầy giáo Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân, chia sẻ.

Ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: Ở Sa Lắng còn nhiều khó khăn đó là do ảnh hưởng của Thủy điện Hồi Xuân, một số công trình phúc lợi xã hội tại đây chưa được hoàn trả hoặc chưa được đầu tư xây dựng như: Nhà văn hóa, hệ thống nước sạch. Trong khi, kinh tế phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp, diện tích đất canh tác ít, không đảm bảo sản xuất dẫn đến thu nhập của bà con còn thấp. Về lâu dài, người dân Sa Lắng cũng như chính quyền địa phương rất mong muốn được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng một cây cầu cứng bắc qua sông để tiện đi lại, giao thương, buôn bán thuận lợi hơn, tạo điều kiện để hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo bền vững trong thời gian tới...

Bài và ảnh: Lê Viết



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]