(vhds.baothanhhoa.vn) - Tình trạng sạt lở, bờ biển bị xâm thực ở thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của các hộ dân.

Nỗi lo “biển nuốt làng” ở Hoằng Phụ

Tình trạng sạt lở, bờ biển bị xâm thực ở thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của các hộ dân.

Nỗi lo “biển nuốt làng” ở Hoằng PhụCọc tre, kè cát được chính quyền địa phương gia cố để bảo vệ an toàn cho người dân.

Khoảng tháng 6, tháng 7-2022, do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn vỗ bờ với tần suất cao nên hiện tượng sạt lở đất tại vị trí bờ biển tiếp giáp với sông Mã (thôn Tân Xuân) diễn ra mạnh. Đoạn bờ biển bị sạt lở hơn 1,5 km, ăn sâu vào đất liền từ 15 đến 250m. Nhiều diện tích đất nông nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng, trong đó đất ở của người dân và Trạm kiểm soát biên phòng Lạch Hới đã bị mất khoảng 1.000m2.

Theo chia sẻ của trưởng thôn Phạm Bá Quân, Tân Xuân nằm trên một dải đất gần cửa Lạch Hới, nơi con sông Mã đổ ra biển. Toàn thôn hiện có 135 hộ với trên 646 nhân khẩu. Từ khi bờ biển ở đây bị xâm thực, người dân luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên vì sợ mất đất, mất nhà. Với tốc độ xâm thực diễn biến nhanh, khó lường, đặc biệt vào mùa mưa bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng lên cao, nỗi lo ấy của người dân càng trở nên thường trực hơn bao giờ hết. Gần đây, mỗi khi đài báo sắp có mưa bão, các hộ dân phải khăn gói, cất dọn đồ đạc để sơ tán vào nhà người thân ở để đảm bảo an toàn.

Nỗi lo “biển nuốt làng” ở Hoằng PhụGốc cây, rác thải trôi dạt về phía nhà dân do ảnh hưởng bởi biển xâm thực.

Tân Xuân hiện có 21 hộ dân bị ảnh hưởng do biển xâm thực, trong đó có 7 hộ dân bị ảnh hưởng nặng. Trước kia, người dân sinh sống chính nhờ nghề nuôi trồng thủy sản, nhưng vì tình trạng biển tấn công làng nên giờ không còn ai nuôi nữa. Những bức tường nhà được xây kiên cố, tất cả giờ đã bị sóng biển cuốn đi hết hay những dãy rừng sú, vẹt bị sóng quật trơ gốc rễ. Bờ biển ở thôn lúc này được “may vá” chằng chịt bằng hàng trăm chiếc cọc tre, bao tải cát để ngăn biển xâm thực.

Cuối làng, cạnh mé bờ biển là căn nhà cấp 4 xập xệ của ông Trần Văn Khải. Theo chia sẻ của người đàn ông nay đã bước sang cái tuổi lục tuần, đợt lũ năm ngoái, nước biển dâng lên cao, ập vào bậc thềm trước nhà. Gọi là làng chài nhưng cũng chỉ còn khoảng vài người là theo nghề biển. Một phần do biển lấn, cứ mỗi khi biển động là cả làng lại cùng nhau đi tránh trú nơi khác. Lại thêm việc chứng kiến cha ông bám biển vất vả nên lớp trẻ càng không ham theo nghề, muốn đi ở nơi khác. Đoạn bờ biển 1,5 km ở Tân Xuân (dọc từ Trạm kiểm soát biên phòng Lạch Hới cho đến cồn phía Đông của xã) là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dãy phi lao chắn cát nay đã bị biển nuốt chửng. Bờ biển ngổn ngang gốc cây, thân cây, rác thải bị sóng đánh dạt vào bờ.

Chỉ tay về phía ngôi nhà cũ kỹ của mình, chị Lường Thị Ưng cho biết: "Sau đợt biển xâm thực vừa qua, gốc cây, rác thải dạt vào trước sân nhà, một đoạn tường của gia đình bị sóng đánh đổ nát. Hiện mép biển vào gần, lấn sâu vào trong nhà. Tình trạng này kéo dài ngày nào, người dân trong thôn bất an ngày đó nên chỉ mong Nhà nước, chính quyền sớm tìm giải pháp cho dân yên tâm sinh sống, làm ăn.

Nỗi lo “biển nuốt làng” ở Hoằng PhụKhu vực nước biển xâm thực được gắn biển cảnh báo nguy hiểm.

Đại úy Nguyễn Đình Hoàn, Trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Lạch Hới, cho biết, hiện tượng biển xâm thực ảnh hưởng đến đất quản lý, công tác tuần tra, kiểm soát, sinh hoạt của anh em trong trạm. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân tại khu vực biển xâm thực, UBND xã Hoằng Phụ đã xây dựng kế hoạch, thông báo về việc di dời người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng do xâm thực biển ở thôn Tân Xuân.

Để ứng phó khẩn cấp với tình trạng biển “nuốt” làng, UBND huyện Hoằng Hóa đã thành lập ban chỉ huy trọng điểm phòng, chống sạt lở bờ biển khu vực cửa Lạch Hới, thôn Tân Xuân, tổ chức trực canh gác khu vực bờ biển bị xâm thực. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở ở khu vực cửa Lạch Hới. Yêu cầu chính quyền huyện, xã và cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm thực, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân không đến gần.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết: Gần đây tình hình xâm thực biển ở thôn Tân Xuân diễn ra rất nghiêm trọng, triều cường lên là bờ biển sạt lở. Nhằm hạn chế tình trạng trên, địa phương đã thành lập 1 tổ thường trực 24/24h ở khu vực xâm thực, thực hiện đóng cọc, kè cát, dựng biển cảnh báo tại khu vực nguy hiểm để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân. Trong năm 2023, UBND tỉnh cũng thống nhất triển khai dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực biển ở thôn Tân Xuân. Công trình có tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng từ ngân sách. Sau khi hoàn thành góp phần hạn chế một phần xâm thực. Mặc dù điều kiện thi công ngoài biển rất khó khăn, nhưng phía nhà thầu vẫn đang nỗ lực chạy đua với mùa mưa bão năm nay.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]