(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cái nắng hè gay gắt như đổ lửa, có mặt tại Khoa cấp cứu thận - lọc máu (Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân) chứng kiến những gương mặt hốc hác, dáng người tiều tụy, khuôn mặt nặng trĩu tâm tư khiến chúng tôi không khỏi xót xa, thương cảm.

Nỗi niềm của những bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Trong cái nắng hè gay gắt như đổ lửa, có mặt tại Khoa cấp cứu thận - lọc máu (Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân) chứng kiến những gương mặt hốc hác, dáng người tiều tụy, khuôn mặt nặng trĩu tâm tư khiến chúng tôi không khỏi xót xa, thương cảm.

Nỗi niềm của những bệnh nhân chạy thận nhân tạoBệnh nhân điều trị tại Trung tâm Thận - Lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Tiếp chúng tôi, bác sĩ CKI, trưởng khoa Ngô Văn Hợi chia sẻ: Mắc bệnh này thì người giàu cũng trở thành người nghèo bởi chi phí điều trị tốn kém, thời gian điều trị kéo dài đến hết đời, phải luôn phụ thuộc vào bệnh viện. Hiện khoa có 21 máy chạy thận nhân tạo, điều trị cho trên 100 bệnh nhân, trung bình mỗi máy chạy 3 ca/lần. Phần lớn bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở đây đều ở giai đoạn cuối, họ phải tự lo cho bản thân từ ăn, uống, đi lại, chưa kể phải điều trị thêm một số bệnh biến chứng từ thận. Vì thế, có những người bệnh nản lòng, tuyệt vọng, muốn buông xuôi để đỡ gánh nặng cho gia đình.

Năm nay 23 tuổi, Nguyễn Như Đạt người dân tộc Mường ở xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) đã có gia đình và một đứa con chưa đầy 20 tháng tuổi. Năm 2021, trong một lần bị đau đầu rồi thăm khám mới phát hiện bị suy thận giai đoạn 3. Ở cái tuổi tràn đầy sức sống cùng bao hoài bão chưa kịp thực hiện, Đạt bắt đầu chuỗi ngày gắn cuộc đời mình với chiếc máy chạy thận. Đạt kể: Từ ngày chạy thận đến nay, do sức khỏe yếu tôi không làm được gì, mọi gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” một mình vợ gánh vác hết. Cứ định kỳ 3 lần/tuần chạy thận, tôi tự đi xe xuống Bệnh viện huyện Thọ Xuân để thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.

Chị Trần Thị Bình (46 tuổi, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung bị suy thận đã 10 năm nay, do không lập gia đình nên chị ở cùng với mẹ năm nay 75 tuổi. Trước kia, nguồn thu nhập chính của hai mẹ con là quán tạp hóa nhỏ ở quê. Từ ngày bị bệnh, cơ thể chị suy yếu, không còn khả năng lao động, kinh tế trong nhà ngày một kiệt quệ. Ngoài hỗ trợ từ bảo hiểm y tế (BHYT), chị phải tự trang trải tiền chữa bệnh và mua thêm thuốc điều trị, vì thế mà vốn liếng tích cóp được chừng ấy năm ngày càng cạn. Khó khăn càng thêm chồng chất lên đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ.

Nỗi niềm của những bệnh nhân chạy thận nhân tạoBác sĩ CKI Ngô Văn Hợi, Trưởng Khoa cấp cứu thận - lọc máu (Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân) thăm khám cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Ở một góc phòng tại Trung tâm Thận - Lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh Lê Văn Thành (33 tuổi, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn) đang thực hiện ca chạy thận của mình. Dáng người gày gò, làn da xanh nhợt, tĩnh mạch trên tay sưng lên gân guốc được cắm đầy ống truyền đỏ thẫm. Thành tâm sự: “Từ ngày bị bệnh, không đêm nào chợp mắt nổi. Do ở xa, đi lại bất tiện, tôi đành thuê trọ ở gần bệnh viện tiện thăm khám, một năm cũng chỉ về nhà có 2 lần. Ở được hơn một năm, nhưng nơi đây từ lâu đã là ngôi nhà thứ hai".

Theo bác sĩ CKII Đặng Thế Đạt, Giám đốc Trung tâm Thận - Lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đơn vị hiện đang điều trị thường xuyên cho 480 bệnh nhân, đa phần ở giai đoạn cuối. Y bác sĩ không chỉ hướng dẫn tỉ mỉ phương pháp điều trị chạy thận nhân tạo, mà còn nắm bắt tâm lý của người bệnh, tìm hiểu hoàn cảnh của họ để động viên, thuyết phục, chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Với bệnh nhân suy thận mãn, việc lọc máu theo chu kỳ (chạy thận nhân tạo) được thực hiện 3 lần/tuần.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]