(vhds.baothanhhoa.vn) - Tập thơ “Níu bóng nhà sàn” của nhà thơ Trương Thị Mầu không đơn thuần “ghi chép” sự kiện. Trắc ẩn của một nhà thơ hơn nửa đời gắn bó với “nghiệp y”, chia sẻ những nỗi đau thật/giả, đúng/sai, sống/chết trong kiếp nhân sinh đã hóa thân vào ngôn từ để cảnh báo và mong góp phần hóa giải trạng thái “vô nhân tính”, trở về nhân bản của con người...

Nỗi niềm Trương Thị Mầu

Tập thơ “Níu bóng nhà sàn” của nhà thơ Trương Thị Mầu không đơn thuần “ghi chép” sự kiện. Trắc ẩn của một nhà thơ hơn nửa đời gắn bó với “nghiệp y”, chia sẻ những nỗi đau thật/giả, đúng/sai, sống/chết trong kiếp nhân sinh đã hóa thân vào ngôn từ để cảnh báo và mong góp phần hóa giải trạng thái “vô nhân tính”, trở về nhân bản của con người...

Nỗi niềm Trương Thị Mầu

Trước khi là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Trương Thị Mầu công tác trong ngành y, là bác sĩ, giám đốc một bệnh viện. Mấy năm trước, chị về hưu, mở phòng khám đa khoa tại quê nhà Bá Thước, quy tụ những thầy thuốc, nhân viên yêu nghề, giỏi chuyên môn và hết lòng vì người bệnh, trong đó có không ít bệnh nhân nghèo, bệnh nặng. Vì thế, cơ sở khám, chữa bệnh của chị bước đầu được bà con quanh vùng tin yêu, tín nhiệm. Trong tập thơ “Níu bóng nhà sàn”, tâm sự nghề y đã trở thành một mảng thơ khá đậm - cũng là dễ hiểu.

Cái đáng nói ở đây, khi thổ lộ tâm sự nghề y, nhà thơ đã cho người đọc thấy chiều sâu của một tấm lòng “Lương y như từ mẫu”. Những cảnh huống đau đớn, lo lắng, hoang mang của người bệnh... không làm cho các thầy thuốc chán nản, mà ngược lại, đã rèn đúc cho họ ngày càng thêm bản lĩnh, xứng đáng là những “thiên thần áo trắng”. Đây là cuộc “nghiệm sinh” vô giá về sự thiêng liêng của sinh mệnh con người, ở lằn ranh cuối cùng giữa bình thường và bất trắc, giữa sống và chết. Đọc tập thơ này của chị, càng thấm thía hơn một điều: Sự thành thật, chân tình trong cảm xúc luôn là cái gốc của thơ, trước khi bàn đến những yếu tố (cũng rất quan trọng) như phong cách, tu từ... Thiết nghĩ, với cả những bài thơ hay được cho là thuộc dòng hiện đại, dù yếu tố cảm xúc không thể hiện trực tiếp trên bề mặt, nhưng vẫn tồn tại ở mạch ngầm bên trong/bên dưới các tầng chữ.

Đọc vào tập thơ, ta được chứng kiến: Khi bất chợt nghe “Reng reng điện thoại trong đêm”, người thầy thuốc coi đó là tiếng “máu chảy ruột mềm gọi nhau” (Nghiệp y). Tác giả khéo sử dụng “liên văn bản” (câu tục ngữ “máu chảy ruột mềm”) để nói trúng cái bản chất của nghề y, là nghề nhân đạo “cứu người” - một cách ngắn gọn, sâu sắc và quen thuộc với mọi người nhất! Trương Thị Mầu là thầy thuốc, lại là nữ giới - người mẹ, chứng kiến hoàn cảnh thương tâm, thơ chị bật lên những nỗi đau: “...Gọi con mà chẳng thành lời/ Hàm răng cắn chặt máu rơi vào lòng/ Con là ảo ảnh hư không/ Là vành nôi khuyết trong lòng mẹ cha/ Chẳng cho con một mái nhà/ Chẳng ru con cả bài ca vuông tròn”...(Tiếng lặng).

Trong một hoàn cảnh khác, bài thơ “Người dưng”: Mở đầu cũng là nghe một cuộc điện thoại, nhưng là của một người mẹ trẻ “Vỡ kế hoạch, mẹ xin từ chối con” - tìm đến các thầy thuốc “nhờ” giải quyết! Thì cái xót xa, nhức nhối thêm cả điều trách giận với người mẹ vô tâm tràn vào thơ: “...Làm sao em nỡ bỏ con giữa chừng/ Làm sao nói “có” hay “đừng”/ Làm sao em lại chuyển “mừng” thành “đau”...

Không chỉ mạnh ở nắm bắt, đào sâu hiện thực, chất nghiệm sinh trong tập thơ “Níu bóng nhà sàn” còn biểu hiện thông qua năng lực tưởng tượng bay bổng, “trừu tượng hóa”, khái quát hóa sự vật, nâng tầm cho thơ.

...Đến bài thơ “Có một chiều như thế” - ngoài buổi chiều - thời gian, tác giả đã mở thêm chiều - tâm tư. Là tâm trạng nghi ngại, chênh vênh của người đang yêu. Vô cớ. Lo “Những mùa thui thủi”; lòng người bất an như khi “trời ẩm ương” chợt nắng chợt mưa... “Không ngày hò hẹn/ Ta như bị thôi miên đi về phía núi”... là đi trong vô thức. Tâm trạng “em” bỗng chốc rơi tõm vào một vùng u ám: “Chiều đen/ Ngắm trời mây qua lớp kính mờ”. Cho đến lúc em bật ra tâm sự: “Ai quên được ai trong bước chân lữ thứ”. “Ai quên được ai...” hiển lộ sự bất an chưa dứt. Song, cụm từ “ai quên được ai” chỉ vẻn vẹn 4 từ, trong đó “ai” là điệp từ đã tạo ra ngữ điệu luyến láy, như ôm cả một tình yêu sâu nặng không thể quên, hàm ý rằng: Sẽ chẳng ai quên được ai đâu! Bài thơ thể hiện tâm trạng phức tạp: Vì yêu mà đâm ra nghi ngờ yêu, rồi ngay trong lúc nghi ngờ ấy lại tìm được lòng tin, dù lòng tin ấy vẫn chênh vênh lắm(?!) Những nghịch lý liên tiếp chồng lên nhau, vừa khẳng định lại phủ định ngay... như những vòng sóng loang ra không dứt. Bài thơ dừng lại với hai câu kết: “Có một buổi chiều như vậy/ Chuyện buồn vui trong tâm lặng mỗi người” song thơ vẫn còn nhiều dư ba.

Nếu như ở bài thơ trên, nhà thơ lấy tâm trạng để chi phối cách nhìn sự vật, thì với bài thơ “Ngôi nhà cổ và cây bút lông”, tác giả lại thi triển một bút pháp khác: để “nhân vật chính” - một người anh (người đã từng rất thân thiết với “em” trong quá khứ) xuất hiện trong hoàn cảnh sống của mình trong một lần em về thăm anh: “Ngôi nhà cổ hai trăm năm/ Cột kèo mái rêu thâm thấp/ Tịch u như một ngôi chùa”. Người ấy đang sống với công việc bút nghiên, gần như cách biệt/ “cách ly” với mọi người sau một biến cố “bất như ý” nào đó xảy ra với anh; từ đó hiện lên, định hình tâm trạng của người ở ngôi nhà cổ và tâm trạng xa xót, bùi ngùi, thương cảm trào dâng... của nhà thơ đối với người ấy: “Chùa còn tiếng mõ tụng kinh/ Còn anh đã cùng tháng năm hóa đá.../ Như cung đàn lỗi nhịp/ Như sóng vỗ thềm xưa/ Ai đẽo gọt thành hình khối/ Anh đấy ư? Bạc phơ tóc rối/ Anh với nhà, ai cổ hơn ai?”

Trong “tòa kiến trúc” cảnh quan/ tâm trạng do nhà thơ dựng lên bằng ngôn ngữ rất giàu chất điêu khắc/ tạo hình. Nhịp thơ đi trầm, chắc, mạnh mẽ, dứt khoát... rất có ấn tượng với người đọc. Rồi một khoảnh khắc bất chợt: Anh mắt chạm nhau/ Rơi vào khoảng lặng/ Chiếc bút lông, bên hàng chữ cổ ngoằn ngoèo...

Thì cái “khoảng lặng” ấy... không nói - mà nói lên rất nhiều điều. Thiết tưởng, bài thơ có thể kết thúc ở đây thì dư vị sẽ sâu lắng hơn, gây ấn tượng tập trung hơn. Song, thơ còn “kéo” thêm một đoạn khoảng mươi, mười lăm câu thơ, chúng tôi nghĩ là không cần thiết, làm loãng ý thơ. Bù lại, đoạn thơ cuối này có hai câu thơ “sáng giá”: “Em hiểu anh như hiểu chiếc bút lông/ Nhưng không giải mã được hàng chữ cổ”. Đọc đến đây, nếu có người đọc phải ứa nước mắt “thương thiết/ thương mơi/ thương thầm” cho cả hai người... thì cũng không có gì lạ! Và đó là cái tình của nhà thơ đã thấm đến người đọc...

Trong số 88 bài thơ của tập “Níu bóng nhà sàn” vẫn còn những bài thơ, đoạn thơ “kể”, “tả” thật thà, dàn trải... song đây vẫn là một tập thơ khá, đáng đọc. Dù có tên “Níu bóng nhà sàn” nhưng tác giả không “níu bóng”; có chăng chỉ “níu” vào cái hồn quê, hồn người chất phác, chịu thương chịu khó... đã thành truyền thống ngàn năm của dân tộc mình, Nhân dân mình. Đương nhiên, trong thơ Trương Thị Mầu phản ánh con người, phong tục, lễ hội, cảnh sắc của người Mường - cội rễ nơi sinh ra chị. Song chị không nệ vào, không chỉ chăm chăm “vẽ lại” cái vẻ ngoài, mà chất dân tộc chủ yếu bộc lộ qua phẩm tính người, bằng thái độ sống với cộng đồng cùng “máu chảy ruột mềm” với mình... Lấy đó làm điểm tựa để trưng ra bản thể của chính mình/ tự mình, khiêm cung mà tự hào, thành tâm và dâng hiến...

Tập thơ không đơn thuần “ghi chép” sự kiện mà trắc ẩn của một nhà thơ hơn nửa cuộc đời gắn bó với “Nghiệp y”, từng chia sẻ những nỗi đau thật/giả, đúng/sai, sống/chết trong kiếp nhân sinh đã hóa thân vào ngôn từ để cảnh báo và góp phần hóa giải trạng thái “vô nhân tính”, trở về nhân bản của con người. Hẳn rằng, tác giả tập thơ đã sẵn sàng đón nhận mọi sự khen, chê, góp ý... nhiều chiều, để thơ mình hoàn thiện hơn trong những chặng đường thơ sau này.

Đinh Ngọc Diệp (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]