(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến Cửa Hà, ta nhớ đến một vùng danh thắng “Sơn kỳ thủy tú” nức tiếng nơi miền thượng du xứ Thanh. Nơi đây, núi đá sừng sững “soi mình” xuống dòng Mã giang tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ mà rất đỗi bình yên, hoang sơ như đôi bờ “tiền sử”... khiến kẻ viễn khách mải mê quên cả lối về.

Non nước Cửa Hà

Nhắc đến Cửa Hà, ta nhớ đến một vùng danh thắng “Sơn kỳ thủy tú” nức tiếng nơi miền thượng du xứ Thanh. Nơi đây, núi đá sừng sững “soi mình” xuống dòng Mã giang tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ mà rất đỗi bình yên, hoang sơ như đôi bờ “tiền sử”... khiến kẻ viễn khách mải mê quên cả lối về.

Non nước Cửa HàDanh thắng Cửa Hà đẹp tựa bức tranh.

Từ TP Thanh Hóa theo hướng Bắc đến Hà Trung, rẽ vào Quốc lộ 217 qua Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, du khách “bắt gặp” cụm di tích, danh thắng Cửa Hà (thuộc thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy) ở đôi bờ sông Mã. Không chỉ mang vẻ đẹp non nước hữu tình quện hòa giữa hình sông - dáng núi được tạo tác bởi “bàn tay” tạo hóa, nơi đây còn chứa đựng những dấu tích lịch sử, văn hóa đậm nét.

Sông Mã hùng vĩ từ thượng nguồn đổ về đến khu vực Cửa Hà bỗng như hiền hòa, nước chảy êm đềm. Ngay tại đây, có ngọn núi đá vôi sừng sững cao trên 200m với vách đá dựng đứng như bức tường thiên tạo. Núi tuy cao mà khá bằng phẳng, tựa như chiếc bàn khổng lồ giữa trời đất bao la. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, thu vào tầm mắt là sông Mã uốn lượn tựa dải lụa màu ngọc lam, hai bên bờ sông cảnh vật làng quê yên bình. Trên dòng sông Mã những vạn chài vẫn cần mẫn buông lưới mưu sinh... Tất cả tạo nên “bức tranh” sống động đẹp đến nao lòng.

Với cảnh sắc ấy, dễ hiểu vì sao Cửa Hà từ xa xưa đã mê đắm bao bậc tao nhân mặc khách. Nguyễn Trãi và Lê Quý Đôn đều nhắc đến vẻ đẹp của danh thắng Cửa Hà trong các tác phẩm nổi tiếng. Đến thời nhà Nguyễn, một văn nhân du ngoạn qua nơi đây đã tức cảnh làm thơ, khắc lên vách núi đá với nội dung ngợi ca cảnh sắc núi sông, được dịch nghĩa, đại ý: “Núi cao vời vợi nước trong xanh/ Cảnh cũ người nay thật hữu tình/ Những tưởng mình chơi vườn ngọc bích/ Vung roi vó ngựa chốn mây xanh/ Vẳng vẳng nhạc thiều êm sáo trúc/ Rì rầm suối ngọc khúc liên thanh/ Du lãm chốn này bao du khách/ Bồng lai tiên giới cảnh đâu bằng”.

Và theo lời người dẫn đường, bao đời nay người dân nơi đây vẫn hằng tin vào truyền thuyết, rằng trên đỉnh núi Cửa Hà có cây thuốc quý nghìn năm, có thể giúp người ốm thập tử hồi sinh. Dẫu vậy, chỉ người may mắn mới có thể tìm được cây thuốc quý ấy?!

Căn cứ những hiện vật tìm thấy, người ta tin rằng hàng nghìn năm trước ở vùng đất Cửa Hà bên bờ sông Mã đã có người Việt cổ đến cư ngụ. Đến đầu thế kỷ XV, nơi đây trở thành một trong những căn cứ đồn trú của nghĩa quân Lam Sơn - căn cứ “thung Chẹ” bên bờ Lỗi giang (tức sông Mã).

Theo sử liệu và lưu truyền tại địa phương, thung Chẹ nằm trong không gian của Cửa Hà với địa thế bằng phẳng, được “bao bọc” bởi núi đá vôi, lại có suối nước chảy qua, thuận lợi cho việc tiếp tế lương thực. Vì vậy trong những năm tháng diễn ra khởi nghĩa Lam Sơn, thung Chẹ đã trở thành một trong những căn cứ vững chắc của nghĩa quân, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược.

Non nước Cửa HàĐền Cửa Hà dưới chân núi, “ngoảnh nhìn” xuống sông Mã.

Tương truyền, sau khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, người dân địa phương đã lập dựng đền thờ dưới chân núi để tưởng nhớ các nghĩa quân Lam Sơn tử trận năm xưa. Về sau, trong không gian thiêng dưới chân núi còn có đền thờ các vị thần có công phù trợ cho thuyền bè ngược xuôi, lên núi xuống ghềnh cập bến an toàn; rồi có cả chùa Bình Vôi - tức Sơn Hà tự... Đáng tiếc, năm 2002, bất ngờ xảy ra hiện tượng đá lở đã nhấn chìm toàn bộ di tích xuống lòng sông Mã. Về sau, cách vị trí đền cũ một quãng ngắn, với lòng kính ngưỡng phật, thánh và tri ân công đức tiền nhân, người dân đã lập dựng đền thờ mới.

Nếu bên tả sông Mã là danh thắng Cửa Hà với núi non hùng vĩ, lắm thác ghềnh thì bên hữu ngạn là bến Cửa Hà - một địa danh không kém phần nổi tiếng. Nơi đây, được tác giả Hoàng Bá Tường trong sách Về miền du lịch xứ Thanh miêu tả: “Phía dưới thác Ngốc Cùng, thuộc đất Phong Ý, dòng sông mở rộng lòng để trở về với biển, mặt nước trong xanh hiền hòa, soi bóng những xóm làng trù phú. Lóng lánh dưới làn nước trong xanh là vô vàn những hòn sỏi trắng, chiếu soi trong ánh nắng vàng như một bức thảm đẹp được bà mẹ Mã giang thêu dệt công phu... Bên hữu sông làng Phong Ý cách đây chưa lâu là bến đỗ, chợ lâm sản với các bè gỗ, luồng nứa, củ nâu... từ non cao tập trung về đây để rồi xuôi dòng, tỏa đi muôn nơi, đem nguồn nguyên vật liệu quý của núi rừng dựng nhà, làm cửa cho cuộc sống ấm êm và được dân gian hết lời ngợi ca “Trống Đồng Cổ, gỗ Phong Ý” và cảnh trên bến dưới thuyền thật đông vui nhộn nhịp”.

Sự nhộn nhịp của bến sông Cửa Hà một thuở cũng gắn liền với “ngọn nguồn” tên gọi Cửa Hà. Theo đó, Cửa Hà được hiểu là cửa quan Hà Trường do nhà Nguyễn đặt trên đất Phong Ý (nay thuộc thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy) để thu thuế thuyền bè qua lại chở hàng hóa trên sông. Năm xưa, khi giao thông đường thủy vẫn giữ vai trò trọng yếu thì cửa quan Hà Trường bên sông Mã đêm ngày tấp nập thuyền bè qua lại chuyên chở hàng hóa lâm thổ sản từ thượng du về và nông, thủy sản dưới xuôi lên... Để đến nay, trong dân gian còn lưu truyền câu ca: “Ai lên nhắn với bậu nguồn/ Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Và tại địa điểm giao thương sầm uất ấy, người dân vẫn thường gọi là bến Cửa Hà.

Thời nhà Nguyễn, Cửa Hà đã trở thành điểm giao thương buôn bán sầm uất thu hút nhiều thương nhân từ miền xuôi lên, Nam Định, Hà Nội vào, Vinh ra và cả các Hoa kiều tìm đến... Hàng quán, cửa hiệu mọc lên san sát cùng với những ngành nghề truyền thống phát triển. Như nghề dệt thổ cẩm; nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa; nghề rèn dao, cuốc... hàng hóa đưa đi mọi miền, sang tận nước bạn Lào... Và khi buôn bán phát triển, đời sống người dân được nâng lên đã tạo nên một “diện mạo” đô thị mới nơi bến Cửa Hà.

Đến thời Pháp thuộc, để thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, người Pháp đã mở bến phà để “nối” đôi bờ sông Mã, lên miền ngược xứ Thanh. “Như vậy, cửa quan Hà Trường ở địa phận xã Phong Ý (nay thuộc thị trấn Phong Sơn), huyện Cẩm Thủy không những kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa trên sông Mã, còn kiểm soát cả phương tiện vận chuyển hàng hóa trên trục quốc lộ đi qua đây. Cũng từ khi có cửa quan Hà Trường mà dân gian gọi trái núi cạnh đó là núi Cửa Hà”.

Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, “bến Cửa Hà là nơi đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217, sông Mã giao nhau. Đây là đầu mối giao thông quan trọng từ Bắc vào Nam, từ phía Đông lên miền Tây Bắc và Thượng Lào. Vì vậy, nơi đây còn có vị trí quan trọng về mặt quân sự, được Đảng, Nhà nước chọn làm căn cứ hậu phương cho các cuộc kháng chiến”. Từ đây, đã có hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm được tập kết và chuyển đi các chiến trường khói lửa.

Dẫn chúng tôi ra bến Cửa Hà, ông Mai Xuân Lợi, công chức văn hóa xã hội thị trấn Phong Sơn, cho biết: “Bên này hữu ngạn sông Mã là bến Cửa Hà, bên kia tả ngạn là thắng cảnh Cửa Hà, cả hai di tích với vẻ đẹp non nước hữu tình cùng giá trị văn hóa, lịch sử đậm nét hiện nay đều thuộc địa bàn thị trấn Phong Sơn. Nếu được quan tâm đầu tư xứng tầm và phát huy giá trị, nơi đây được kỳ vọng sẽ là điểm đến tham quan, khám phá hấp dẫn du khách”.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu lưu giữ tại địa phương).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]