(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi xúc động khi nhìn thấy mặt sau của giấy mời 60 năm Trường Nông Cống 1 ghi là:  60 Năm, Ngày trở về . Hay quá. Cụm từ ấy có nghĩa là tất cả cùng về.

Nông Cống trường cũ ơi, 60 năm

Tôi xúc động khi nhìn thấy mặt sau của giấy mời 60 năm Trường Nông Cống 1 ghi là: 60 Năm, Ngày trở về. Hay quá. Cụm từ ấy có nghĩa là tất cả cùng về.

Nông Cống trường cũ ơi, 60 năm

Trường THPT Nông Cống 1. (Ảnh: Nguồn Internet)

Bất ngờ tháng 9 về trường

Tháng 9/2023, tôi đưa đoàn nhà văn Việt Nam về Nông Cống đi thực tế. Thời gian có 4 ngày. Tôi quyết định giành 1 tối qua thăm trường THPT Nông Cống 1 và tặng sách cho trường. Chúng tôi khóa 2 thế hệ cũ, biết nói cái gì.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Giáp và cô Nguyễn Thị Mai, hiệu phó tổ chức tiếp chúng tôi. Cập rập, nhưng đoàn tôi vào trường, đã thấy, trên hội trường, biển đề bảng điện tử: Chào mừng TS-Nhà thơ Lê Tuấn Lộc đến thăm trường. Bất ngờ. Nhưng rất vui. Hát, đọc thơ và nghe nói về trường, trong khi tôi nhìn xuống dưới toàn người lạ. Thầy hiệu trưởng trẻ, người Nghệ An. Thầy gọi tôi bằng bác Lộc. Cô hiệu phó, lúc gọi tôi bằng thầy, lúc gọi tôi bằng bác. Khóa 2, hôm ấy có mình tôi. (Sau mấy tuần, tôi đã gửi về trường 800 cuốn sách tặng trường như món quà nhỏ nhân 60 năm.)

***

Thầy Giáp, hiệu trưởng, dẫn tôi đi thăm quang cảnh nhà trường. Tôi choáng ngợp trước một cơ ngơi hai tầng hoành tráng, đẹp, thơ mộng, hiện đại. Trường mới, so với những năm đã qua thật là khác biệt, đã là vượt bậc.

Trường THPT Nông Cống 1, tiền thân là trường cấp 3 Nông Cống xưa. Sân trường có hoa phượng đỏ, có vườn cây xanh. Trường đẹp như công viên.

Cô Nguyễn Thị Mai hiệu phó gửi cho tôi cuốn Trường cấp 3 Nông Cống- THPT Nông cống I, 60 năm xây dựng và trưởng thành. Quyết định thành lập trường, 22/8/1963. Thế là đã 60 năm. Lục thập Hoa Giáp, trọn một vòng đời.

Ám ảnh chiến tranh

Bất ngờ, tôi mở kỷ yếu 60 năm. Danh sách các liệt sĩ là cựu học sinh... chưa đọc hết, những dòng đầu tiên tôi đã thấy tên bạn lớp mình: Nguyễn Văn Ái, Lê Văn Chiêm, Nguyễn Văn Thọ, Lê Khắc Vu. Tôi chia sẻ những dòng này lên nhóm Zalo khóa 2, lập tức các bình luận, tranh luận, tưởng nhớ người đã mất... xôn xao lên. Ám ảnh 2 cuộc chiến tranh qua hơn nửa thế kỷ

Trường cũ với chúng tôi, những mái lán tranh tre nứa lá, những bức tường đất thành dày đến 1m, trồng cỏ, cao hơn đầu người, để chống bom Mỹ, giống như những công sự trong các trận địa pháo. Chúng tôi, cái thuở học trò không có hoa gạo đỏ trời mỗi mùa thi, không có trống trường mỗi giờ tan lớp, chỉ có màu xanh lá nguỵ trang, tiếng kẻng báo yên sau một hồi còi báo động máy bay đã bay xa.

Làm sao quên được, tháng 4/1965, Mỹ đánh ga Yên Thái và nhà máy xay gạo Yên Thái. Báo động! Trong giờ toán của thầy Giáp, học trò nhốn nháo cả lên. Chúng tôi chạy tán loạn ra sân như vịt theo hào giao thông tản xuống các hấm trú ẩn. Máy bay gào rú, bom nổ xé trời. Những tên lửa ta đuổi theo máy bay Mỹ tạo thành những đường khói trắng xoá vạch chéo ngang trời. Nhà trường đã cảnh báo từ lâu nhưng chúng tôi vẫn hồi hộp, ngây thơ trong hơi thở ban đầu của chiến tranh. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe tiếng nổ bom. Nó rung lên, gằn lên như động đất. Mùi vị chiến tranh bắt đầu từ giờ phút ấy.

Báo yên. Thầy hiệu trưởng lệnh cho toàn trường nghỉ học đi cứu lúa ở nhà máy xay Yên Thái. Gạo cháy thành than, khói bốc nghi ngút từ các bao tải lúa.

Chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng nói về bạn Nguyễn Bá Ngọc hy sinh cứu bạn trong trận Mỹ đánh Hàm Rồng trước hàng nghìn học trò chúng tôi hôm ấy. Báo chí nước ngoài, đài BBC còn biết về gương anh hùng Nguyễn Bá Ngọc trước cả học trò chúng tôi.

Rồi những đoàn quân rầm rập ra tiền tuyến. Những năm ấy sao mà vui. Chúng tôi háo hức đón chờ những tin máy bay Mỹ cháy được in trên con tem thư, trên trang đầu của báo Nhân Dân. Chiếc máy bay rơi thứ 200, thứ 400, thứ 1.000 và đến 2.500... nhiều đến không nhớ nữa. Quân đi vợi cả sân trường. Lớp tôi, khóa 2 (1964-1967), đã vơi đi vì học trò nhập ngũ.

Năm 1967, tôi vào đại học Mỏ Địa Chất. Một lần năm 1971, tôi đọc báo Nhân Dân nói đến Lê Mã Lương với chiến công ở chiến trường Miền Nam và được phong anh hùng. Thì ra Lê Mã Lương là quê hương Cầu Quan, Nông Cống với tôi và học cùng trường Nông Cống mà tôi không biết.

Thế đấy, anh hùng ở quanh ta, ở ngay trong trường Nông Cống mà ta không biết. Tôi lại nhớ câu: Ra ngõ gặp anh hùng của thời chống Mỹ. Thời thế tạo ra anh hùng.

Thầy Giáo và kỷ niệm

Kỷ yếu 60 năm... tôi thấy danh sách những người thầy cô dạy chúng tôi 2 năm đầu tiên: Thầy Bùi Ngọc Giáp, thầy Phạm Đình Cầu, thầy Cao Hữu Di, thầy Nguyễn Bá Thảo, thầy Hồ Sỹ Đàn...

Thầy Cao Hữu Di dạy văn, ít nói nhưng thâm trầm, đạo mạo và triết lý. Thầy hay kéo đàn violong cho chúng tôi nghe những chiều đông trong làng Hữu Cốc sơ tán. Những bài thơ tình đầu đời của thầy về một cô thanh niên xung phong đi chiến trường lâu rồi không gặp lại.

Thầy Nguyễn Bá Thảo dạy hoá, có cá tính độc đáo. Thầy hay kể chuyện Khái Khỉ, như một thiên tiểu thuyết tràng giang đại hải, kể mãi hàng năm không hết. Nghe kể chuyện thì thích thật nhưng chúng tôi rất sợ thầy. Học trò thấy thầy vào lớp, có đứa run như cày sấy vì chỉ sợ thầy cho điểm 1. Thầy đang giảng, trò nói chuyện riêng, 1 điểm! Quên không chép bài: 1 điểm... Nhưng khi thầy kể chuyện Khái Khỉ thì không ai nhịn được cười. Chúng tôi xúc động nhất, hôm tổng kết năm, thầy nói trước lớp: "Tôi cho điểm 1 để các em cố mà học hóa thôi. Ai bị điểm 1, nay tôi xóa hết. Nhưng học môn hóa tốt chưa đủ. Học môn làm người tốt mới đủ". Cả lớp vỗ tay ran ran.

Thầy Giáp dạy toán, lần đầu tiên về trường dạy lớp 8C của tôi. Bạn Thuần ngồi sau tôi, xinh gái nhưng hay nói chuyện riêng. Thầy nhắc một lần, hai lần vẫn nói chuyện riêng. Bực quá, thầy ném một mẩu phấn trắng trúng đầu Thuần. Thuần sợ, ngồi im phăng phắc. Mười năm sau tôi về quê thì... thầy Giáp và Thuần đã là vợ chồng.

Thầy Hồ Sỹ Đàn dạy Sinh học, chủ nhiệm lớp tôi. Năm ngoái 2022, thầy còn điện mời tôi đến chơi. Thầy Phạm Đình Cầu, dạy Trung văn hay hát dân ca Trung Hoa bằng tiếng Trung. Giọng thầy Nguyên dạy Lịch sử oang oang... Thầy Nguyễn Thế Dục, người Hà Nội, dạy Sinh học hay hát cho chúng tôi nghe bài hát Người đi săn máy bay...

Nhất quỷ nhì ma, thứ 3 học trò! Đã 60 năm rồi, nghĩ đến thầy Lãng, dạy Địa lý, tôi lại giật mình nghe thầy gõ thước xuống bàn: Cạch! Thầy nghiêm sắc mặt hỏi cả lớp: "Ai vừa nói nghề cá gỗ, đứng dậy!". Giờ địa, thầy đang giảng bài Nghề chăn nuôi cá. Mấy anh con trai ngồi cuối lớp tán với nhau: "Nghề cá gỗ". Tưởng thầy không nghe nhưng thầy nghe và hỏi lại: "Ai vừa nói Nghề cá gỗ?". Cả lớp im phăng phắc. Chúng tôi ngồi cạnh anh Thắng Cao biết rõ anh nói nhưng không dám tố. Tố là anh bị kỷ luật. Năm ấy chúng tôi tốt nghiệp phổ thông. Nguy! Thà cả lớp bị phê bình nhưng không kỷ luật ai được.

Thầy Lãng báo cáo thầy Lộc hiệu trưởng. Thầy Lộc người Nghệ An nghe tiếng cá gỗ, giận sôi lên. Thầy quyết định cả lớp tôi bị kỷ luật nghỉ học một tuần. Bài học nhớ đời! Nhưng cuối năm học đó, đứa nào cũng được thầy Lãng nhận xét học bạ tốt. Hình như thầy Lãng đã quên chuyện cũ của bọn quỷ chúng tôi. Bây giờ thầy Lãng đang chu du lên tiên với thầy Giáp.

Bạn bè xưa quý nhau lắm. Tôi nhớ ngày máy bay Mỹ đánh cầu Lạc Nông Cống, Hảo không đến trường kịp giờ học. Các bạn Mông, Ái bỏ cả giờ học để đi tìm Hảo nhưng Hảo không chết. Sau này gặp, Hảo đã là phó giám đốc công ty than ở thành phố Hồ Chí Minh. Hảo kể chuyện xưa được bạn đi tìm mà nước mắt rưng rưng. Tôi có 2 câu thơ nói về sự kiện đi tìm bạn trong bài thơ Trường cũ:

Nghe bom rơi bỏ giờ đi tìm bạn

Tim rộn ràng náo nức những mùa thi

Bạn cũ, mỗi người mỗi vẻ. Loan tóc dài hay hát, nụ cười như nắng xuân. Vách tóc quăn vàng, có dáng cao xinh xắn. Trân thì có làn da trắng như trứng gà bóc. Thuần thì xinh, béo tròn như con ốc, chị Tâm thì hay nói chuyện đoàn thể. Quý xinh thế mà có 1 chân gỗ...

Tôi rất ấn tượng về Nguyễn Văn Tuân. Hôm ấy gặp nhau lần đầu ở Hà Nội kể từ khi chia tay 1967. Bạn bè gặp nhau vui quá. Tôi thao thao bất tuyệt kể về thuở học trò. Anh Kim, học trước tôi 2 lớp, làm đến vụ trưởng vụ cán bộ ở Ban Tổ chức Trung ương, điểm danh bạn bè Nông Cống. Hà Thị Phú bảo tôi kiểm xem lớp mình đủ chưa. Tôi bảo đủ rồi. Phú kiểm lại bảo tôi: “Còn thiếu Nguyễn Văn Tuân, ngồi sau này này”. Tôi quay lại thấy Tuân to béo đẫy đà. Tuân ngồi im lặng. Tôi cười xin lỗi, hai thằng bắt tay nhau vui vẻ. Mấy chục năm rồi, ai cũng đã trưởng thành... Trong lớp tôi, Tuân chức to nhất, Chủ tịch HĐQT Vinaconex.

Tình cảm sâu sắc thế, giờ họ đâu cả rồi. Mộng, Đa ngày ấy giỏi toán, giờ là tiến sỹ, Lành là bác sỹ, Minh xã Tế Thắng là quan sỹ (sỹ quan). Bạn Ái, Vu, Chiêm... đi đánh Mỹ đã làm đến... liệt sỹ! Có thằng học giỏi, tưởng rồi vào đại học và đến một chân trời khoa học xa hơn. Chiến tranh gọi họ đi. Nguyễn Xuân Oanh, học giỏi nhất trường tôi hồi cấp 2. Vào lớp 8, Oanh là học trò duy nhất được tặng Huy hiệu Cháu ngoan bác Hồ, thầy hiệu trưởng tuyên dương trước cả nghìn học sinh. Oanh xin đi bộ đội, làm sỹ quan tên lửa. Hết chiến tranh, Oanh về quê làm ruộng như một người nông dân thực thụ. Trong khi bạn bè cùng lớp thằng đi nước ngoài, giáo sư tiến sỹ, thằng làm đến tướng, tá. Hôm gặp nhau 50 năm, Oanh cầm chai rượu đến trước mặt tôi, cười oang oang: “Ta vẫn còn cái gáo là tốt rồi”. Gặp nhau, chúng tôi hay tếu táo. Bây giờ đã trọn một vòng đời, một lục thập hoa giáp.

***

Tôi xúc động khi nhìn thấy mặt sau của giấy mời 60 năm Trường Nông Cống 1 ghi là: 60 Năm, Ngày trở về. Hay quá. Cụm từ ấy có nghĩa là tất cả cùng về. Những người ra đi đã trở về! Cả những người đã mất. Một nhà văn lớn nói: Khi ta còn nhớ đến những người đã khuất thì họ vẫn còn sống trong ta. Trong ngày vui của sự kiện 60 năm, một lục thập hoa giáp, chẵn một vòng đời này, không chỉ 56 liệt sỹ mà còn nhiều hơn và hơn nữa những liệt sĩ họ cùng về dự ngày vui với chúng ta, những thế hệ thầy và trò U80 và U90 cho đến các thầy trò của thế kỷ 21 này.

Trên bầu trời Nông Cống 1 hôm nay, tôi đã thấy những thầy Khởi, thầy Lộc, thầy Giáp cùng các học sinh liệt sĩ trở về, ngực họ lấp lánh huân chương. Từ cấp 3 Nông Cống 60 năm trước, hôm nay đã có Nông Cống 1 (sinh 1963), Nông Cống 2 (sinh 1972, Cầu Quan), Nông Cống 3 (sinh 1977, ở xã Công Liêm), Nông Cống 4 (sinh 1989, ở xã Trường Sơn)... Những học trò của các trường THPT ấy đã và đang làm chủ xây dựng huyện Nông Cống của 23 năm đầu thế kỷ 21. Hy vọng đầu tư cho giáo dục Nông Cống cho huyện nhà giàu có hơn.

Hà Nội, tháng 11/2023

Tuỳ bút của Lê Tuấn Lộc


Tuỳ bút của Lê Tuấn Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]