(vhds.baothanhhoa.vn) - Đọc lại thơ Bùi Giáng, tự nhiên thấy thêm một điều thú vị, đó là vị thi sĩ họ Bùi này rất hay tả vẻ đẹp của người con gái. Đặc biệt là tả về ánh mắt và nụ cười của phái đẹp, biểu hiện bằng những câu thơ rất lạ về môi và răng. Trong các tập thơ Mưa Nguồn, Ngàn thu rớt hột hay trong các tập di cảo còn lại, chúng ta đều thấy được sự tài tình của thi sĩ họ Bùi... Kiểu tả nhan sắc của Bùi Giáng chắc chẳng giống ai, chẳng hạn:

Trời bên kia - Nhan sắc ở bên

Đọc lại thơ Bùi Giáng, tự nhiên thấy thêm một điều thú vị, đó là vị thi sĩ họ Bùi này rất hay tả vẻ đẹp của người con gái. Đặc biệt là tả về ánh mắt và nụ cười của phái đẹp, biểu hiện bằng những câu thơ rất lạ về môi và răng. Trong các tập thơ Mưa Nguồn, Ngàn thu rớt hột hay trong các tập di cảo còn lại, chúng ta đều thấy được sự tài tình của thi sĩ họ Bùi... Kiểu tả nhan sắc của Bùi Giáng chắc chẳng giống ai, chẳng hạn:

Trời bên kia - Nhan sắc ở bênBùi Giáng và “Mưa nguồn”. Minh họa của Huỳnh Dũng Nhân

Người phố thị mỉm cười đầu ngang ngửa

Tô son đỏ vào hai môi lượt nữa

Chợt thấy mình còn đầy đủ dung nhan

Thuở xưa kia suối ngọc ngó mây vàn

(Biểu tượng)

Hay:

Xin chào nhau giữa làn môi

Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam

(Chào nguyên xuân)

Hình như Bùi Giáng bị hình ảnh đôi môi ám ảnh:

Môi cười trong lệ mù sương

Níu trang hồng hạnh thu hường đã phai

(Ngủ dài)

Hình như là khiên cưỡng khi đi tìm hình ảnh đôi môi trong thơ Bùi Giáng, nhưng không thể khác được khi ta bắt gặp khá nhiều “đôi môi”:

Biển xô về bến cát mờ

Nửa đời trôi dạt em chờ đón tôi

Bình minh thơ dại hai môi

Lời chưa nói cũng như lời đã trao

(Nausicca)

Người ta tả khuôn mặt con người cũng chỉ là tả mắt, môi, răng và Bùi Giáng cũng thế, nhưng bởi Bùi Giáng là Bùi Giáng nên có khác hơn:

Trở lại giữa bàn chân phong cảnh

Mắt nhìn trời môi thờ thẫn thương răng

(Judith)

Nhiều người phá lên cười khi Bùi Giáng nhấn mạnh nghĩa tình của môi với răng, hai nét đẹp không thể thiếu nhau, xoắn xuýt bên nhau và trở thành của nhau, cần có nhau để thành một sự hoàn chỉnh của vẻ đẹp con người:

Phố hôm nay phủ xiêm người

Em về đầy đủ môi cười bên răng

(Thưa em Sài Gòn)

Người ta bảo Bùi Giáng làm thơ điên, nhưng điên sao lại có sự lý giải rất giản dị và trong lành đến mức này:

Em có thấy? Cùng nhau em mở mắt

Em mở mi em nhìn hé bên nhau

Em mở môi cho nụ hé hương màu

Hàm răng hở hãy hôn hồng hoa đỏ

Thơ đã thoát ra khuôn mẫu chứ không phải thơ tầm phào. Thơ đã đạt tới độ thượng thừa của ý tứ câu chữ...

Không biết nữa trời tròn hay đất méo

Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay

Ở bên nhau em có đủ mi mày

Môi và mắt mơ mòng môi bên miệng

Nồng như lửa lạnh như băng tê điếng

Anh ngó lên trời mây gió rủ nhau bay

Trời bên kia - nhan sắc ở bên này.

(Nhan sắc hôm nay)

Đi tìm một trật tự thơ hay một quy trình sáng tác thơ của Bùi Giáng sẽ dễ dàng thất bại, vì có lẽ thi sĩ cũng chẳng biết trước cái gì sẽ vụt đến làm đảo lộn mọi câu chữ:

Vì con mắt cũng buồn như mí mắt

Em đi về như vui gượng trên môi

(Không đề)

Nỗi buồn và niềm vui đều có thể bắt đầu từ đôi môi, thủ phạm làm người ta phạm tội nhớ nhung cũng là đôi môi:

Môi cười môi khóc thanh xuân

Bỏ rơi tàn lệ gieo tần ngần bay

(Tượng số hai)

Bùi Giáng thích nhìn khuôn mặt người đối thoại với mình, thi sĩ khoái trá và chăm chú lột tả từng biến động trên trạng thái vui buồn của gương mặt ấy. Và răng là ấn tượng trần trụi nhất:

Can tràng đứt nát mỗi một phen

Mà chết điếng đời đã mấy phen

Hớt hải chạy theo vòi vĩnh thử

Hồng nhan từ đó cứ nhe răng

(Nhe răng)

Hẳn là Bùi Giáng cũng có lúc gầm gừ với thơ, nhưng cũng có lúc mơn trớn với thơ:

Thưa em từ bữa lạc đàng

Đầu hai thứ tóc gió ngàn thổi tung

Nhớ em miệng đỏ vô cùng

Hai môi khép mở một vùng cỏ hoa

(Đổ quán)

Đôi môi con người biểu hiện tất cả và không thể giấu tất cả, trong con người rong chơi số một ấy hóa ra không phải vô tâm:

Chập chờn hình ảnh phiêu du

Ghì môi máu nhạt giữa mù mịt sương

(Kỉ niệm)

Hay một hoài niệm nào đó lúc ẩn lúc hiện:

Một lần em lại bên người

Giữa ngày tháng bỏ năm trôi bên giòng

Mở hai hàng cỏ long đong

Mở hai môi mở tấm lòng xa xôi

(Chiều hôm phố thị)

Chỉ có Bùi Giáng mới làm những câu thơ như vô tình nhưng rất sắc thế này:

Lời sai tiếng lệch vô cùng

Còn em đó mở lạnh lùng môi ra

(Bỏ hai chân)

Đi lượm lặt những hình ảnh đôi môi trong thơ Bùi Giáng không phải là khó, bởi nó xuất hiện khắp nơi, nhiều quá cũng có lúc thừa, nhưng ngẫm nghĩ vẫn thấy có chuyện để nói. Nói đến đôi môi là nói đến chuyện đời, chuyện người, những chuyện mà Bùi Giáng không có nhiều cho mình, bởi thi sĩ rong chơi nhiều hơn người khác:

Con mắt chiều kia đã cũ rồi

Bụi trên đầu gió tụ về môi

Hoặc:

... Xin lời nói ở trên môi

Là lời ở lại bên đời quên nhau

(Lời xuân)

HUỲNH DŨNG NHÂN (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]