(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ 1 năm nay, huyện Triệu Sơn đã “nổi tiếng” với Nghị quyết số 12-NQ/HU. Sau 1 năm nhìn lại, nghị quyết càng có tiếng vang khi đạt được những kết quả rực rỡ. “Là một nghị quyết thành công nhất từ trước đến nay” như lời lãnh đạo huyện đã khẳng định.

Nông thôn mới và câu chuyện hiến đất, mở đường: Thành công từ một nghị quyết

Từ 1 năm nay, huyện Triệu Sơn đã “nổi tiếng” với Nghị quyết số 12-NQ/HU. Sau 1 năm nhìn lại, nghị quyết càng có tiếng vang khi đạt được những kết quả rực rỡ. “Là một nghị quyết thành công nhất từ trước đến nay” như lời lãnh đạo huyện đã khẳng định.

Nông thôn mới và câu chuyện hiến đất, mở đường: Thành công từ một nghị quyếtXã Thọ Ngọc đã hỗ trợ máy múc cho người dân để phá dỡ công trình.

Ngày 22-7-2022 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU và Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Đề án số 02-ĐA/HU về “Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Triệu Sơn giai đoạn 2022 - 2025” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết và Đề án). Nghị quyết ra đời, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về giao thông nông thôn trên địa bàn huyện; tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa “Khát vọng phát triển đi lên”; phấn đấu đến năm 2024 đạt huyện NTM nâng cao, năm 2025 là một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh, trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2030.

Nghị quyết đi vào lòng dân

“Tấc đất tấc vàng”. Trong câu chuyện hiến đất, mở đường của người nông dân, tấc vàng đấy không chỉ còn là tài sản riêng mà đã trở thành tài sản chung, là sự đồng thuận của người dân để đường làng rộng hơn.

Triệu Sơn những ngày cuối tháng 7 này, ở các xã đang như một công trường. “Hậu” hiến đất, người dân đang dọn dẹp và xây mới cổng, tường rào… 4h chiều, cũng như nhiều hộ khác trong thôn, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Chén ở thôn 8 (xã Thọ Ngọc) lại ra trước sân nhà để thu dọn. Hưởng ứng phong trào hiến đất, mở đường, gia đình ông Chén đã hiến 40m2 đất ở, 35m tường rào. “Mở đường là thiết thực cho đời sống con cháu sau này. Chúng tôi không tiếc gì. Rất sẵn sàng, đồng tình với chủ trương”, ông Chén nói.

Theo Nghị quyết 12, xã Thọ Ngọc có 21 km đường xã và thôn cần phải mở rộng. Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết, đến thời điểm này, xã đã làm được 6,5 km. Đây cũng là một đơn vị gặp nhiều khó khăn trong quá trình hiến đất, mở đường ở Triệu Sơn. Tuy nhiên, cách làm linh hoạt, sáng tạo và kịp thời đã giúp Thọ Ngọc đẩy lùi sự khó, nhận được sự đồng thuận lớn của người dân. Quan trọng, lãnh đạo địa phương đã nhạy bén phát hiện vấn đề để tháo gỡ điểm khó. Đơn cử như vấn đề hỗ trợ. Sau khi Nhân dân hiến đất, xã sẽ hỗ trợ tấm lam, xi măng, di dời cột điện. Tuy nhiên, nhận thấy một số người dân ban đầu đồng ý hiến đất nhưng sau đó thay đổi quyết định nên xã tiếp tục hỗ trợ máy múc để phá dỡ tường rào. Chủ tịch UBND xã Thọ Ngọc, ông Lê Hữu Hùng cho biết: “Hộ nào khó phải thuyết phục bằng được, không có chuyện nhà này không đồng ý hiến đất lại bỏ qua, sang nhà khác. Khi đã thuyết phục được thì máy múc sẽ thực hiện ngay nhiệm vụ. Quan điểm của chúng tôi, đi đến đâu, gọn đến đó. Người đi trước, máy đi sau. Đưa máy múc vào cũng đỡ một phần công sức cho người dân, thúc đẩy công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn. Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tôi cho rằng, Nghị quyết đã thực sự đi vào lòng dân, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân”.

Xã Thọ Dân thực hiện công tác hiến đất, mở đường cũng rất nhiều khó khăn. Tại thôn Hà Lũng Thượng, thôn khó nhất của xã Thọ Dân thì đến tháng 5, 6 và 7 năm nay mới có sự bứt phá. Trước đó, thôn không nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, đến nay, bà con trong thôn đã hiến được hơn 1.000m2 đất. 4/15 tuyến đường đã được mở rộng. Thôn có 32 hộ thì 7 hộ phải phá nhà. Hộ hiến nhiều nhất là gia đình ông Lê Hữu Hà (68 tuổi). Gia đình ông Hà đã phá nhà cấp 4 và hiến gần 150m2 đất.

Nhớ lại khoảng thời gian được cho là khó khăn nhất, ông Lê Trọng Bình, bí thư chi bộ thôn Hà Lũng Thượng vẫn chưa hết căng thẳng. Ông kể: “Nhiều hộ dân không có quan niệm đường rộng hay đường hẹp. Họ không hào hứng trong chuyện hiến đất, mở đường vì hiến đất thì không được đền bù. Chúng tôi chỉ bằng cách, nếu hộ này không vận động được thì sang hộ khác. Còn cứ phải dứt điểm gia đình này làm rồi mới đến vận động gia đình khác thì càng không thể thực hiện. 3 cụm trong thôn thì cố gắng mỗi cụm làm được 1 nhà và để hy vọng nhà này làm, nhà khác sẽ làm theo”.

Thực tế ở Thọ Dân, bắt tay thực hiện Nghị quyết vào tháng 9-2022 nhưng 6 tháng sau đó, gần như không làm được mét đường nào. Thậm chí có những cụm dân cư họp đến 7 lần, có bí thư, chủ tịch xã tham dự nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình của người dân. Tháng 3-2023, phong trào mới bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Giải pháp đề ra, đó là tổ chức họp Nhân dân, thành lập ban chỉ đạo xuống từng hộ, đo, kẻ vẽ diện tích phải hiến. Nếu người dân đồng thuận thì ký bản cam kết tự nguyện hiến đất, hiến công trình. Không đồng thuận, tiếp tục tổ chức họp. Nhờ sự kiên trì, tập trung cao của đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân, đến nay xã Thọ Dân đã huy động 7/7 thôn tham gia hiến đất, mở đường trong đó có 352 hộ hiến đất với diện tích 9.000m2, chiều dài đường giao thông đã làm là 5,16 km.

“Nếu không có sự đồng thuận của Nhân dân thì địa phương không thể làm nổi”. Bí thư Đảng ủy xã Thọ Dân, ông Lê Đình Giáp chia sẻ. “Đang có sự ủng hộ lớn này, trong tháng 7, đầu tháng 8, xã tiếp tục giải tỏa hành lang trên Quốc lộ 47. Phấn đấu hoàn thành công trình trước mùng 2-9. Lấy đà thúc đẩy phong trào vận động Nhân dân hiến đất, hiến công trình trên toàn xã…”.

Từ tình hình thực tế của địa phương, sự nỗ lực và cố gắng, bí thư Lê Đình Giáp nhìn nhận: Hiến đất, mở đường là cuộc “cách mạng” lớn, một chủ trương đúng, trúng. Trong cuộc cách mạng này, vận dụng tư tưởng “lấy dân làm gốc”, cán bộ, đảng viên phải làm trước để quần chúng làm theo.

Sự bứt phá ngoạn mục

Kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn, 34/34 xã, 238/250 thôn đã triển khai, thực hiện; có 10.500 hộ tham gia hiến đất với tổng chiều dài là 310 km, diện tích hơn 30 ha, đạt hơn 50% mục tiêu đặt ra.

Sau khi mở rộng đường, hầu hết các địa phương đã huy động nguồn lực từ Nhân dân, xây dựng mới cổng, tường rào, mương thoát nước, di dời cột điện, đổ bê tông, láng xi măng, tuyến đường được trồng hoa, cây xanh, điện chiếu sáng mang lại cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; diện mạo, bộ mặt nông thôn thay đổi cơ bản. Kết quả này khẳng định việc ban hành Nghị quyết 12 là chủ trương đúng đắn được cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện đồng tình ủng hộ. Sự ủng hộ này đã tạo sự bứt phá ngoạn mục, đáng tự hào.

“Huyện đã tổ chức khen thưởng cho tập thể, cá nhân làm tốt chỉ sau 7 tháng triển khai, thực hiện Nghị quyết. Thấy phong trào đang lên phải duy trì ngay”. Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Triệu Sơn, ông Lê Tiến Dũng phấn chấn cho biết. “Mặc dù đã có những khó khăn, tuyên truyền khó, vận động khó nhưng về sau lại trở thành phong trào tốt, kết quả tốt”.

Cũng theo ông Dũng, cái khó của người dân, bao giờ cũng đặt 2 câu hỏi. Thứ nhất, mở đường họ được cái gì. Thứ hai là Nhà nước hỗ trợ gì. Với hai câu hỏi này không được trả lời mập mờ. Người dân thích cụ thể. Nếu trả lời, cứ làm đi, Nhà nước sẽ xem xét thì chắc chắn dân sẽ ỷ lại và coi như địa phương đấy hoàn toàn thất bại. “Có một số địa phương bán được ít đất, hứa hẹn với người dân, vậy là dân chờ, không hiến đất nữa. Như vậy có tiền chưa chắc đã thuyết phục được dân. Nhưng có xã không có tiền vẫn làm được nhiều đường hơn xã có tiền. Tôi cho rằng, vấn đề là ở cách làm. Một là phải nói quan điểm Nghị quyết cho đúng, trúng. Hai là cơ chế hỗ trợ, có bao nhiêu tiền, có đất bán không, không có đất bán thì làm cơ chế ít thôi. Nếu không dân đòi, lấy đâu mà trả”, ông Lê Tiến Dũng chia sẻ thêm.

“Tôi cho rằng đây là Nghị quyết thành công nhất từ trước đến nay mang tính chuyên đề. Thành công ngoài sự mong đợi, minh chứng cho việc Nghị quyết đã thực sự đi vào lòng dân. Người dân rất có trách nhiệm và trong đó có cả sự hy sinh. Kỳ vọng trong xây dựng huyện không chỉ Nghị quyết 12 về hiến đất, mở đường giao thông nông thôn mà tới đây phải làm nhiều việc nữa. Nếu như cứ biết cách khơi dậy trách nhiệm, tự hào của người dân, tôi tin sẽ thực hiện được”.

(Đồng chí Lê Kim Chất, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy,

Chủ tịch HĐND huyện Triệu Sơn)

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]