Nữ giám đốc trẻ đưa hương bài Yên Cát vươn xa
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống sản xuất hương bài, lớn lên chị Lê Thị Hằng ở phố Cát Tiến, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) mong muốn nghề của ông cha ngày càng phát triển và sản phẩm hương bài Yên Cát có mặt ở mọi miền của Tổ quốc.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp hương bài Như Xuân Lê Thị Hằng kiểm tra sản phẩm hương bài Yên Cát trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Minh Hiếu
Gặp chị Lê Thị Hằng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp hương bài Như Xuân do chị làm giám đốc, được chị cho biết: Nghề làm hương đã gắn bó với người dân quê chị khoảng 70 năm nay. Từ xa xưa các cụ cao niên trong thôn Cát Tiến đã gìn giữ nghề làm hương để lưu truyền cho con cháu sau này. Với chị, nghề làm hương đã trở thành hơi thở cuộc sống, từ lúc còn thơ chị đã được làm quen với mùi thơm, các công đoạn để sản xuất ra cây hương bài.
Theo chị, để làm ra sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn và rất kỳ công ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Từ nhựa cây trám, bụi than hoa, thân cây bài, chân hương được làm bằng thân nứa khô, muốn hương có mùi thơm hơn nữa thì sử dụng thêm một chút mật mía. Sau khi chuẩn bị xong, nhựa trám sẽ được cho vào máy xay lọc lấy nước nguyên chất, sau đó trộn với hỗn hợp cây than hoa. Sau khi thành hỗn hợp trộn nhuyễn, sẽ được người thợ xe vào chân hương rồi lăn qua lại vào bột cây hương bài. Công đoạn cuối là đem ra phơi nắng từ 2 đến 3 ngày là có thể dùng được.
Để làm được mẻ hương, người thợ phải nhanh tay trong công đoạn xử lý hỗn hợp, bởi nếu để lâu nhựa trám sẽ cứng lại, không còn độ dẻo khi ấy lăn bột sẽ không có sự kết dính. Do vậy, người thợ làm hương phải là những người cần mẫn, chịu khó. Ngày nay, dù có nhiều loại máy móc thay thế, nhưng những người thợ ở làng hương bài huyện Như Xuân vẫn giữ cho mình cách làm truyền thống.
Để phát triển nhãn hiệu hương bài Yên Cát như ngày hôm nay, chị Hằng đã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp hương bài Như Xuân với 15 thành viên. Được thị trấn Yên Cát hỗ trợ tạo điều kiện thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chị Hằng đã cùng với các xã viên nỗ lực cố gắng lao động sản xuất xây dựng thương hiệu. Năm 2021, sản phẩm hương bài của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm được mở rộng thị trường ra trong và ngoài tỉnh. Hàng năm HTX sản xuất được khoảng 4 triệu que hương, thu về 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 40 lao động ở địa phương với mức lương trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, chị Hằng đã sử dụng fecebook, zalo, website để quảng bá sản phẩm hương bài Yên Cát rộng rãi. Đến nay, sản phẩm không chỉ được bán trong tỉnh mà còn được bán ở nhiều tỉnh, thành phố lớn.
Để gìn giữ nghề truyền thống của địa phương, HTX Dịch vụ nông nghiệp hương bài Như Xuân đã và đang mở rộng phát triển vùng nguyên liệu. Năm 2022 HTX đã liên kết với các hộ dân ở xã Tân Bình trong huyện đưa vào trồng 3,5ha cây hương bài làm mô hình để nhân rộng, đến nay đã phát triển được hơn 20ha ở 2 xã Bình Lương và Tân Bình.
Cùng với việc quan tâm chất lượng sản phẩm, chị Hằng và các thành viên trong HTX phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện mở các lớp dạy nghề cho thế hệ trẻ; đồng thời nghiên cứu đổi mới mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm để tiếp tục mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị sản phẩm.
Với hơn 30 năm tuổi đời, chị Lê Thị Hằng đã và đang đem niềm đam mê, khát khao cống hiến của tuổi trẻ để lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của ông cha, góp phần vào xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Minh Hiếu
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-10-11 08:33:00
Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm