(vhds.baothanhhoa.vn) - 73 tuổi, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt, thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn) vẫn miệt mài, say sưa gắn bó với nghề cói truyền thống. Bằng tình yêu nghề, không ngừng tìm tòi, đổi mới kiểu dáng, mẫu mã đã giúp nữ nghệ nhân xứ Thanh đưa các sản phẩm làm từ cói chinh phục nhiều thị trường thế giới.

Nữ nghệ nhân đưa cói Việt ra thế giới

73 tuổi, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt, thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn) vẫn miệt mài, say sưa gắn bó với nghề cói truyền thống. Bằng tình yêu nghề, không ngừng tìm tòi, đổi mới kiểu dáng, mẫu mã đã giúp nữ nghệ nhân xứ Thanh đưa các sản phẩm làm từ cói chinh phục nhiều thị trường thế giới.

Nữ nghệ nhân đưa cói Việt ra thế giới

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt (bên trái).

Chúng tôi tìm về thị trấn Nga Sơn những ngày đầu tháng 4 để mục sở thị xưởng sản xuất cói rộng hơn 5.000m2 của gia đình bà Trần Thị Việt. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm cói, từ nhỏ bà Việt đã theo chân bố mẹ ra đồng. Ban đầu, chỉ học những công việc đơn giản như chọn cói, đan quại, khi đã quen tay, bà được bố mẹ truyền lại cách dệt chiếu rồi dần trở thành thợ dệt có tiếng tại địa phương thời bấy giờ. Sau này, khi đã lập gia đình, bà Việt vẫn gắn bó với nghề truyền thống, tiếp tục học hỏi, thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất đồng thời ký hợp đồng với các công ty chuyên xuất khẩu. Nhờ vậy, không chỉ cơ sở sản xuất của bà “sống khỏe” mà nhiều lao động địa phương có thêm công ăn, việc làm ổn định.

Bà Việt chia sẻ: "Vùng đất Nga Sơn vốn nổi tiếng là vựa cói của xứ Thanh, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi cói nơi đây được xem là mặt hàng chủ lực, song do chủ yếu bán thô nên giá không cao, vì vậy người lao động vẫn không giàu. Với mong muốn gìn giữ, phát huy cũng như đưa nghề truyền thống địa phương phát triển, tăng giá trị cây cói, năm 2001, tôi mạnh dạn đầu tư vốn vào Cụm làng nghề truyền thống liên xã Nga Mỹ, Nga Hưng (nay là thị trấn Nga Sơn) đồng thời thành lập Xí nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang".

Những ngày mới thành lập, cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn, ngoài vốn còn bị thiệt hại nặng nề về hạ tầng do ảnh hưởng 2 trận bão năm 2003 và 2005. Sau đó, để duy trì sản xuất, bà đã vay vốn ngân hàng nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng. Năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới khiến các cơ sở sản xuất kinh doanh xuất khẩu cói ở Nga Sơn “chao đảo”. Khó khăn nối tiếp khó khăn, vào những năm sau đó, cơ sở sản xuất cói của gia đình bà Việt đứng trước nguy cơ đóng cửa do thị trường không ổn định. Dẫu vậy, nhờ tình yêu nghề cói đã giúp nữ nghệ nhân từng bước vượt qua giai đoạn “khủng hoảng” này.

Nữ nghệ nhân đưa cói Việt ra thế giới

Các sản phẩm làm từ cói khá đa dạng, với nhiều mẫu mã bắt mắt, đáp ứng thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2015, bà Việt thành lập Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang, tiền thân là Xí nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu Việt Trang. Hiện nay, tại công ty, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, nghệ nhân Trần Thị Việt không ngừng nỗ lực học hỏi, sáng tạo nhiều mẫu mã đa dạng, kết hợp cùng các nguyên liệu khác. Ngoài chiếu cói, công ty còn cho ra mắt hàng trăm mẫu mã khác nhau như: đĩa cói, đôn cói, thảm, túi xách,... mang vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, nhưng không kém phần tinh tế, phù hợp với xu hướng tiêu dùng.

Nữ nghệ nhân đưa cói Việt ra thế giới

Cơ sở sản xuất của bà Trần Thị Việt tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định.

Hiện, công ty đang tạo việc làm ổn định cho khoảng gần 30 lao động và hàng nghìn lao động thời vụ ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống... Sản phẩm làm ra không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn vươn xa ngoài lãnh thổ. Các mặt hàng xuất khẩu ổn định, bày bán trong hệ thống cửa hàng, siêu thị ở nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Hàn Quốc,... mỗi năm cho doanh thu từ 60 - 70 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty có 2 sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh là Đôn Việt Trang và Giỏ trái đất. Với tiềm năng sẵn có, 2 sản phẩm trên có thể nâng cấp lên thành OCOP 5 sao trong thời gian tới.

Với những cống hiến cho nghề cói truyền thống, bà Trần Thị Việt vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2020. Trước đó, bà cũng đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2002; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2005...

Bài và ảnh: Lê Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]