(vhds.baothanhhoa.vn) - Phạm Thị Kim Khánh tốt nghiệp Khoa Văn ĐHSP Vinh, được phân công về dạy tại Trường Sư phạm 12+2 Thanh Hóa. Vừa dạy học vừa làm thơ “cho vui”, thế rồi chị đến với thơ ca như một định mệnh, một duyên phận. Người con gái Mường Cẩm Thủy trong chị luôn trăn trở và đau đáu dành một tình yêu da diết cho dân tộc mình.

Nữ nhà giáo Phạm Thị Kim Khánh và những câu thơ níu giữ hồn Mường

Phạm Thị Kim Khánh tốt nghiệp Khoa Văn ĐHSP Vinh, được phân công về dạy tại Trường Sư phạm 12+2 Thanh Hóa. Vừa dạy học vừa làm thơ “cho vui”, thế rồi chị đến với thơ ca như một định mệnh, một duyên phận. Người con gái Mường Cẩm Thủy trong chị luôn trăn trở và đau đáu dành một tình yêu da diết cho dân tộc mình.

Nữ nhà giáo Phạm Thị Kim Khánh và những câu thơ níu giữ hồn Mường

Tình yêu ấy, nghề nghiệp ấy, tâm hồn ấy, độ tuổi ấy và trải nghiệm ấy, chị đã đưa vào 4 tập thơ: Vườn tháng Giêng (NXB Hội Nhà văn, 2014), Hai ngọn gió (NXB Văn học, 2016), Cõi vọng (NXB Văn hóa Dân tộc, 2018) và Mùa lá (NXB Hội Nhà văn). Sắp tới, chị sẽ cho ra mắt tập thơ thứ 5 với tên là Thổ cẩm gồm 54 bài thơ về tình yêu văn hóa bản Mường, tình yêu cha mẹ, về lễ tục và những khát vọng bảo tồn và phát triển vẻ đẹp văn hóa của một vùng Mường xứ Thanh.

1. Hồn Mường trong thơ chị như được chắt ra từ mạch ngầm đời sống, như nước nguồn của rừng núi, suối khe. Nghi thức lễ hội và sắc màu thổ cẩm, bếp lửa nhà sàn, những bậc cầu thang hàng ngày luôn ấm hơi bàn chân của mế đến những tình yêu mộc mạc mà đầy chất thơ... Tất cả đã đi vào thơ chị một cách tự nhiên và thân thương đến thế!

Sung chát khế chua ta gặp thuở chào đời

Sữa thơm mẹ có ngô non đậm vị

Củ mài tháng Ba, sắn non tháng Bảy

Bột ngô, muối vừng nghẹn suốt tuổi thơ ta...

(Đường về)

Chuyện sơn nữ tắm tiên, khỏa trần dưới dòng suối giữa rừng núi đơn sơ và trong sáng không vương chút bụi trần. Một tuổi thơ còn nhiều vất vả hay ký ức tuổi dậy thì tập tắm tiên nơi núi rừng Cẩm Thủy để đến bây giờ, với Phạm Thị Kim Khánh. Bài thơ Tắm tiên của Kim Khánh có một cảm hứng mới, chị táo bạo hơn, tưởng tượng để cho đôi trai gái cùng tắm như một khát khao được giải phóng:

Anh ơi chỗ này bến kín

Chỗ này vắng người...

Suối tiên đón chào hai ta

Kìa hoa và cây hai bờ múa reo...

...Kìa tóc kìa gáy kìa tay trần

Quấn rít ta trong vòng xoáy nõn nường...

Những câu thơ hồn nhiên như tâm hồn trong trẻo của người con gái xứ Mường.

Kim Khánh được sinh ra, lớn lên, chứng kiến và tham gia biết bao phong tục trong đời sống sinh hoạt của dân tộc mình. Người Mường tin vào sức mạnh siêu nhiên, tin vào sức mạnh của thần linh. Kim Khánh có nhiều bài thơ về tục gọi vía: Gọi vía, Gọi vía rừng, Gọi về đủ vía...

Trong bài Gọi về đủ vía sau những lũ lụt, bão giông, sau những ngày vía đi xa làm ăn mỏi mệt: Về nhà ta/ Xin nhập đủ vía/ Có ái xa/ Có ún trông nhà... Cho đủ vía ấm/ Cho đủ vía ăn/ Bù ngày lạnh lẽo/ Vía bên nhau rồi không lạc/ Không khát đói mà thương/... Bài thơ ấm áp tình người, tình đời trong những lời gọi vía giản dị, chân tình.

Những năm gần đây, rừng bị con người tàn phá đến cạn kiệt, sông suối bị chặn dòng làm thủy điện để đến nỗi Ma rừng không có cây nấp/ Vía rừng không còn cây đậu/... Với một tư duy sắc sảo, sự tưởng tượng phong phú, Kim Khánh đã có bài thơ độc đáo Gọi vía rừng:

Ơi vía rừng! Ơi hồn núi!

...Nương náu đâu xin về lại đồi ta

...Xin về với ngày xưa trầm mặc

Làm lại núi thắm non thiêng

Cho núi sánh bên rừng

Cho hoa nở bên suối...

Có thể nói, qua hình thức gọi vía, một lễ tục bản sắc dân tộc Mường, trong lối kể của lời thơ tự sự, mang tính thời sự nóng hổi, Gọi vía rừng là lời kêu gọi khẩn thiết, thiêng liêng về bảo vệ rừng của quê hương, giữ gìn môi trường vì màu xanh yêu thương.

Mỗi bài thơ gọi vía là một cách tiếp cận của tác giả Kim Khánh về đối tượng, nội dung gọi vía. Nhưng có thể thấy âm hưởng chung của các bài gọi vía đều toát lên giọng điệu thiết tha, nhân ái. Thay cho lời thầy Mo, tiếng gọi vía trong thơ chị như tiếng gọi của lòng hiếu thảo, nhân từ, mong muốn vía trở về trong ấm áp tình rừng, tình người hồn hậu.

Cũng như các dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam, người Mường có lễ chúc Tết cầu may vào dịp đầu năm với rộn rã cồng chiêng và “rỡ ràng” váy áo, khăn của các nàng ả Mường Ai, Mường Rênh, Mường Phấm để cùng nhau “nhập phường sắc bùa năm mới”. Và sau tết là vào mùa con ong đi lấy mật Mùa hoa/ Ngày ong mùa màng/ Tháng ong lễ hội. Mùa lấy mật của ong cũng là mùa để bản Mường “chan chứa ngày vui”:

Rừng kiêu hãnh dâng mùa thơm tho

Giục trai bản khiêng bọng ong lên rừng

Lấy mật

Mùa gái làng vấn hương vào khăn áo

Thả xuống suối một dòng hương

...Mùa làng thắp hương khấn vái

Tạ ơn rừng lần hiến dâng thứ nhất...

(Mùa hoa rừng)

Chỉ việc đi lấy mật ong thôi cũng đủ cho ta thấy hoạt động, nghi lễ của cộng đồng, vừa như là quy ước vừa như là sự tri ân những gì mà thiên nhiên ban tặng. Để rồi người Mường càng yêu quý rừng, càng gắn bó với rừng, coi rừng là một phần quan trọng trong đời sống hằng ngày và cả trong đời sống tâm linh nữa!

2. Đề tài về tình yêu trong thơ Kim Khánh cũng chiếm phần nổi trội và hấp dẫn. Người đọc muốn được thưởng thức những hương vị, những sắc màu trong tình yêu lứa đôi của trai gái bản Mường. Trong bài thơ Trăng rừng, chị đã thể hiện sự tiến triển của tình cảm lứa đôi, không còn e dè, mà chuyển đổi thành trạng thái tâm lý của tương tư, nhớ nhung, không giấu được lòng mình. Tình yêu của họ nảy nở, gắn bó với những sinh hoạt hàng ngày, mộc mạc, hồn nhiên:

Em theo anh đuổi trâu ngoài gò

Cơm nắm bẻ chung một lẻn

Muối vừng chấm chung một mo

Đi ra mó ra khe Anh xỏ dây vác nước cho em hết dốc.

...Anh nói mai sau mình nên chồng nên vợ

Anh lấy lụa anh bọc, lấy vóc anh đùm...

(Em biết anh ở đâu)

Họ đã đến với nhau bằng tình yêu chân thật. Kim Khánh hóa thân vào người đang yêu:

Người đang yêu cây nào cũng có hoa

Ai cũng hiền hòa...

...Ai cũng cười

Giấu kỹ thì càng hở

Nét cười luôn gợi mở...

(Người đang yêu)

Từ hạnh phúc của những người đang yêu, Kim Khánh nghĩ đến mối tình đầy bi kịch của chàng Bông Hương và nàng Ờm trong truyền thuyết xưa, đã trở thành di sản văn hóa và tinh thần của dân tộc Mường:

Nàng Ờm lớn lên theo mùa bông páo...

...Thắt eo thon như con ong mùa mật

Tắm suối trần như củ sắn bóc

...Nhưng Bông Hương không lấy được nàng Ờm

Họ đã chết bên nhau... và thành hoa Bông Trăng...

Tác giả đứng về phía những đôi trai gái yêu nhau, chia sẻ với những trái ngang, lạc hậu đã làm cho bao người rơi vào bi kịch. Chị muốn cùng họ dỡ bỏ dần những trói buộc để tự do yêu đương, để họ được đi tìm hạnh phúc cho mình. Sau này, trong bài thơ Chỉ có hoa pôông trăng trên đồi (in trong tập Mùa lá), Kim Khánh vẫn lấy câu chuyện trong truyền thuyết về chàng Bông Hương và nàng Ờm làm cảm xúc chủ đạo để khẳng định sức mạnh của tình yêu đã chiến thắng tất cả.

3. Qua các tập thơ thì chưa thể có những kết luận về phong cách tác giả hay gọi là cá tính sáng tạo của nhà thơ. Nhưng với Kim Khánh, bước đầu đã định hình được những đặc điểm về cách sử dụng ngôn ngữ đậm chất Mường, là thơ giàu yếu tố tự sự kết hợp với trữ tình, là thơ lục bát đã có giọng điệu riêng.

Với Kim Khánh, ngoài việc sử dụng lớp từ quen thuộc của dân tộc Mường trong những trường hợp cần thiết, Kim Khánh đã vận dụng thành công vốn ngôn ngữ toàn dân trong việc thể hiện tâm hồn Mường, cốt cách Mường, văn hóa Mường...

Đây là lời ru của người mẹ:

Bộp bộp mẹ vỗ êm này

Bộp bộp mẹ ru con này

Con ve ly nó kêu lai ly

Con ve láng nó kêu lai láng

Nó kêu cho trời rạng...

(Mẹ ru)

Người mẹ Kinh ru con bằng những câu ca dao hay thơ lục bát. Người mế Mường ru con bằng những câu dân ca Mường. Cái cách dùng điệp từ, điệp ngữ của Kim Khánh là kế thừa của ca dao Mường, của Xường để tạo ra giọng điệu và âm hưởng riêng.

Thật bất ngờ khi Kim Khánh có hẳn bài thơ Bặt với nghĩa mất mát, cách xa để nuối tiếc, hoài niệm:

Con cá lội bặt tăm. Con chim bay bặt dáng

Bặt cười mỗi chiều bặt hôn nụ sáng

...Bặt quỳnh mỗi khuya, bặt hồng đón nắng...

Bặt những điều vàng đá trong nhau.

Kim Khánh viết nhiều bài thơ dài mà kết cấu như một câu chuyện, có nhân vật trữ tình đối đáp, có diễn biến và kết thúc... Trong những bài thơ đó, chị đã mở rộng biên độ của không gian, thời gian và cảm xúc (Về cội, Kịch bản, Gọi vía, Sông Mã khúc thượng nguồn, Đường về, Chỉ có hoa pôông trăng trên đồi, Hẹn, Đáp lời trai bản, Sông quê thác réo...). Ở đây có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, gợi mở cho người đọc những tưởng tượng phong phú về một vùng Mường nhiều trầm tích lịch sử và văn hóa. Cốt lõi từ trong mỗi bài thơ có thể sẽ là phát khởi cho tầm vóc những trường ca trong tương lai mà chúng ta hy vọng ở chị.

Có thể nói, Kim Khánh đã thành công khi khai thác kho tàng văn hóa Mường, sử dụng ngôn ngữ dân tộc một cách linh hoạt để chuyển hóa nhuần nhuyễn trong cách thể hiện tâm hồn và tính cách của đồng bào Mường (Hẹn, Mùa lá, Trăng rừng, Đi qua mùa hoa sậy...). Phải sống và am tường thành chất về văn hóa Mường, về ngôn ngữ Việt - Mường mới có cách diễn đạt uyển chuyển, sâu sắc mà dễ hiểu như Kim Khánh. Chúng ta vui mừng có thêm một nữ nhà giáo - nhà thơ xứ Mường Phạm Thị Kim Khánh luôn biết níu giữ hồn Mường trong những câu thơ giản dị, hồn nhiên, đậm chất Mường đến thế!

Lê Xuân Soan (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]