Nuôi gà đen bản địa ở Mường Lát
Vốn chỉ quen tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nay bà con đồng bào dân tộc H’Mông (hay thường gọi dân tộc Mông) ở Mường Lát đã biết lựa chọn sản phẩm đặc sản phát triển thành sản phẩm hàng hóa, trong đó có việc nuôi gà đen bản địa, định hướng trở thành sản phẩm OCOP.
Đồn Biên phòng Trung Lý phối hợp với nhà tài trợ trao giống gà đen cho hộ gia đình anh Sùng A Chai, bản Tà Cóm.
Bảo tồn giống gà quý của đồng bào Mông
Giàng A Vành, sinh năm 1985, Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận bản Khằm 2, xã Trung Lý, huyện Mường Lát là hộ đầu tiên ở Trung Lý mạnh dạn nuôi gà đen bản địa quy mô lớn. Theo anh Giàng A Vành thì giống gà đen bản địa gắn liền với cuộc sống của đồng bào Mông từ bao đời nay. Gà được nuôi, chăm sóc cẩn thận; được chọn lọc và nhân giống trong nhiều thế hệ, thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, tạo nên những đặc điểm độc đáo và ưu việt của giống gà này. Đặc điểm gà Mông bản địa có màu lông trắng, đen hoặc vàng; da, chân và xương màu đen, chân dài, khả năng sinh sản tốt, sức đề kháng cao.
Trong suy nghĩ của Giàng A Vành thì ở Trung Lý, bà con đồng bào Mông nuôi gà đen bản địa nhỏ lẻ, nếu không bảo tồn thì dẫn đến mai một, mất đi giống gà quý. Hơn nữa, nếu chăn nuôi theo quy mô lớn thì sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng, khác biệt so với các giống gà khác. Vì vậy, Giàng A Vành đã nghiên cứu, lựa chọn gà bản địa trong bản để nhân giống, nuôi với quy mô tập trung. Từ năm 2021 đến nay, đàn gà đen bản địa của Giàng A Vành duy trì từ 200 - 300 con/lứa. Vừa bán gà thương phẩm anh Vành vừa cung cấp gà giống cho bà con. Một năm, gà thịt được nuôi 2 lứa, thức ăn chủ yếu là ngô, sắn và được nuôi chăn thả, trọng lượng gà trống, mái xuất chuồng đạt từ 2 - 2,5kg, với giá bán gà thịt hiện nay là 250.000 đồng/kg, cao hơn so với các giống gà thông thường. Mong muốn đưa sản phẩm gà đen bản địa đến với người tiêu dùng, gia đình anh Giàng A Vành, chị Thao Thị Chá được cấp ủy, chính quyền địa phương định hướng xây dựng sản phẩm OCOP mang thương hiệu “Gà đen Khằm 2”. Gia đình anh xây dựng khu giết mổ vệ sinh, gà thương phẩm được làm thịt, hút chân không, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn đến khách hàng. Anh đầu tư mua lò ấp trứng mini để thuận lợi cho việc nhân giống gà, duy trì đàn gà và cung cấp giống cho bà con trong vùng.
Nhận thấy hiệu quả từ nuôi gà đen bản địa quy mô của gia đình anh Giàng A Vành, nhiều hộ dân ở Trung Lý cũng đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà đen bản địa tập trung. Trong đó tiêu biểu như gia đình ông Giàng Seo Vảng, Giàng A Sì A (bản Khằm 2), Hạng A Chừ (bản Khằm 1)...
Anh Giàng A Vành kiểm tra, chăm sóc gà giống.
Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý Trương Văn Sự cho biết: Hiện nay, tại bản Khằm 2, hộ anh Giàng A Vành là hộ đi đầu trong nuôi gà đen bản địa quy mô lớn và liên kết với 21 hộ dân trên địa bàn để nuôi và cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho đầu ra sản phẩm. UBND xã Trung Lý đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án chăn nuôi gà H’Mông thương phẩm trên địa bàn xã với số lượng gần 1.000 con mỗi lứa nuôi, nhằm hỗ trợ xúc tiến, thúc đẩy nguồn cung cấp nguyên liệu cho các cửa hàng kinh doanh sản phẩm thịt gà (H’Mông) trong và ngoài huyện. Đồng thời hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận sản phẩm “Gà đen Khằm 2” trở thành sản phẩm OCOP, thúc đẩy sản phẩm đặc sản địa phương phát triển, vươn xa ra thị trường.
Thúc đẩy đồng bào nghèo vươn lên thoát nghèo
Nhằm giúp đồng bào Mông ở bản Tà Cóm phát triển kinh tế hộ gia đình, mới đây, Đồn Biên phòng Trung Lý phối hợp với nhóm thiện nguyện huyện Quảng Xương và nhà tài trợ trao tặng 300 con gà đen cho hộ gia đình anh Sùng A Chai. Bản Tà Cóm là bản xa xôi, khó khăn nhất của xã Trung Lý đang được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Trung Lý, huyện Mường Lát lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”. Việc lựa chọn hộ gia đình định hướng phát triển kinh tế, phát triển sản phẩm lợi thế, đặc trưng của đồng bào là một trong những giải pháp để mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” phát huy hiệu quả. Việc thí điểm nuôi gà đen bản địa quy mô của hộ gia đình anh Sùng A Chai nếu phát huy hiệu quả sẽ được nhân rộng cho bà con trong bản.
Gia đình anh Giàng A Vành, chị Thao Thị Chá, bản Khằm 2, xã Trung Lý nuôi gà đen bản địa quy mô lớn.
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát cho biết: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình 1719), huyện Mường Lát thực hiện 2 dự án là: Hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi gà đen H’Mông thương phẩm, thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3 Chương trình 1719 cho tổ cộng đồng bản Hua Pù, xã Pù Nhi. Tổng số lượng con giống hỗ trợ là 2.112 con, dự án được triển khai trong 6 tháng. Dự kiến, sau chu kỳ sản xuất các hộ tham gia dự án sẽ tăng thu nhập từ 8.000.000 đồng/năm trở lên; các đối tượng tham gia dự án là 16 hộ nghèo; 13 hộ cận nghèo ở bản Hua Pù, mục tiêu có 16 hộ thoát nghèo và 13 hộ ổn định kinh tế ở mức thu nhập khá từ nuôi gà đen H’Mông. Ngoài ra, Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình 1719 được triển khai thực hiện tại thị trấn Mường Lát, hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi gà đen H’Mông thương phẩm cho tổ cộng đồng khu phố Buốn, khu phố Tén Tằn và khu phố Piềng Mòn, thị trấn Mường Lát. Tổng số lượng con giống hỗ trợ cho bà con là 1.888 con. Dự án nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật chăn nuôi gà đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, giống gà đen bản địa của đồng bào Mông Mường Lát được nuôi nhỏ lẻ chủ yếu ở các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, Tam Chung, Mường Lý, trong đó được nuôi quy mô tập trung ở Trung Lý, Pù Nhi. Với nỗ lực bảo tồn và chọn lọc trong nhiều thế hệ, gà H’Mông bản địa đã trở thành một giống gà đặc trưng, gắn liền với văn hóa và đời sống của đồng bào. Với việc chăm sóc đúng cách, gà H’Mông có thể đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi, đồng thời bảo tồn và phát triển giống gà đặc biệt, góp phần duy trì sự đa dạng di truyền của loài gia cầm. Tính đến tháng 7/2024, tổng đàn gia cầm toàn huyện Mường Lát là 94.515 con (trong đó, gà 71.670 con, vịt 14.870 con, ngan 6.784 con, ngỗng 1.191 con).
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-11-01 13:53:00
Dấu ấn xây dựng nông thôn mới 2024
Bình yên cho những bản làng: Góp phần xây dựng bản, làng ấm no
Bản tin Tài chính ngày 1/11: Đầu tháng, giá vàng thế giới quay xe lao dốc
Dự báo thời tiết 1/11: Miền Bắc sắp đón đợt rét nhất từ đầu mùa
Đừng xem công việc là áp lực
Cảnh báo chiêu trò tin tặc tấn công người dùng gmail
Mạng xã hội và sự phát triển của trẻ
[REVIEW OCOP] Đậm đà vị quê với bánh lá răng bừa Tiến Hưng
Bản tin Tài chính 31/10: Liên tiếp lập “đỉnh” lịch sử, liệu có cú đảo chiều, giá vàng lao dốc?
Dự báo thời tiết 31/10: Sau đợt mưa kéo dài, miền Bắc đón đợt rét đầu tiên trong năm