(vhds.baothanhhoa.vn) - 73 tuổi, ông vẫn say mê với công tác khuyến học, vẫn nêu cao tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, như ông đã từng chia sẻ: “Bá Thước là một huyện miền núi vùng cao dân trí thấp, không đồng đều. Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng một xã hội học tập, cần chính sách cơ chế khuyến học, khuyến tài thì mới có hy vọng đưa kinh tế xã hội huyện Bá Thước phát triển đi lên theo kịp miền xuôi. Từ nhận thức như vậy, tôi đã quyết định tham gia làm công tác khuyến học”. Nói là làm, ông đã mở ra “bước ngoặt” quan trọng đối với công tác khuyến học huyện nhà. Ông là Lê Huy Hoàng, Ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bá Thước.

Ông Hoàng khuyến học

73 tuổi, ông vẫn say mê với công tác khuyến học, vẫn nêu cao tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, như ông đã từng chia sẻ: “Bá Thước là một huyện miền núi vùng cao dân trí thấp, không đồng đều. Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng một xã hội học tập, cần chính sách cơ chế khuyến học, khuyến tài thì mới có hy vọng đưa kinh tế xã hội huyện Bá Thước phát triển đi lên theo kịp miền xuôi. Từ nhận thức như vậy, tôi đã quyết định tham gia làm công tác khuyến học”. Nói là làm, ông đã mở ra “bước ngoặt” quan trọng đối với công tác khuyến học huyện nhà. Ông là Lê Huy Hoàng, Ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bá Thước.

Ông Hoàng khuyến họcÔng Lê Huy Hoàng.

Làm khuyến học phải xem việc thi đua, biểu dương, khuyến khích là giải pháp quan trọng

Cách đây 7 năm, tức vào năm 2016, tại Đại hội lần thứ IV Hội Khuyến học Bá Thước, ông Lê Huy Hoàng được bầu làm Chủ tịch Hội khuyến học. Với ông, đấy là trách nhiệm nhưng đồng thời là niềm vui, niềm tin. Ông tin, bản thân sẽ phát huy tốt vai trò của người đứng đầu. Vậy nên, trước đó, khi huyện đặt vấn đề, chọn và yêu cầu ông làm công tác khuyến học, ông nhận lời ngay.

Tất nhiên, sự tin tưởng này được dựa trên những hiệu quả công việc ông đã kinh qua. Xuất thân từ một nhà giáo có 19 năm dạy học và làm công tác quản lý giáo dục huyện Bá Thước nên ông Lê Huy Hoàng hiểu được nhiều về giáo dục, đặc biệt là giáo dục miền núi. Sau này, khi làm Bí thư Huyện ủy Bá Thước, ông đã trăn trở, tìm các giải pháp để cho huyện xóa đói giảm nghèo. Một trong những giải pháp là nguồn lực lao động địa phương phải được nâng cao. Quan điểm của ông lúc này: Yếu tố chủ quan vẫn là do Nhân dân địa phương. Chính vì vậy khi dân trí thấp, nguồn lực lao động yếu tức là nội lực bản thân của địa phương yếu, thì dù có tác động khách quan bao nhiêu cũng không thể thay thế được. Do đó, công tác khuyến học càng có ý nghĩa và vai trò hết sức to lớn.

Bản thân ông Lê Huy Hoàng, khi đang còn đương chức, lúc bấy giờ Tập đoàn Viettel là đơn vị đỡ đầu huyện nghèo Bá Thước, ông Hoàng đã nghĩ đến 1 dự án và đề xuất với Viettel hỗ trợ 2 tỷ đồng vào quỹ khuyến học Bá Thước. Gốc luôn được bảo toàn do Viettel quản lý, hàng năm lấy lãi gửi ngân hàng để làm quỹ khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ con em địa phương khó khăn trong học tập và làm phần thưởng động viên các em. Mừng, là đến nay, sự hỗ trợ này vẫn được duy trì và phát triển.

7 năm tham gia làm công tác hội huyện nhà, với Chủ tịch Hội Khuyến học Lê Huy Hoàng, thời gian chưa quá dài cũng không quá ngắn nhưng cuộc hành trình này, đã và đang để lại nhiều dấu ấn. 7 năm qua, ông đã bắt tay cùng ban chấp hành hội khuyến học và các đồng chí trong cơ quan thường trực hội, trăn trở, tìm tòi giải pháp để giữ vững và phát huy kết quả mà trước đây hội khuyến học huyện đã đạt được.

Theo ông Hoàng, để làm tốt công tác khuyến học, trước hết phải làm tốt công tác vận động quần chúng về khuyến học, khuyến tài. Không chỉ vận động các cháu nhà nghèo bỏ học mà vận động cả xã hội cùng học tập để trở thành một xã hội học tập. Theo đó, người làm công tác khuyến học phải biết làm công tác dân vận. Ông Hoàng nhớ lại thời điểm, khi ông còn làm công tác giáo dục huyện nhà đã phải thực hiện công tác dân vận vì con em dân tộc phải vừa dạy, vừa dỗ và còn phải biết vận động phụ huynh, vận động cả hệ thống chính trị cùng làm giáo dục. Ông nhấn mạnh:“Muốn công tác khuyến học huyện vững mạnh, không chỉ xây dựng mạnh ở huyện mà phải từ gia đình, dòng họ, dân cư, các đơn vị, cơ quan đều phải có phong trào khuyến học mạnh thì toàn huyện mới mạnh. Làm khuyến học phải xem việc thi đua, biểu dương, khuyến khích là giải pháp quan trọng, không có thi đua khen thưởng thì coi như chưa làm được gì về khuyến học”.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng thẳng thắn nhìn nhận, mình hội khuyến học không thể làm tốt công tác khuyến học khi mà hệ thống chính trị đứng ngoài cuộc, nhất là cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đến khuyến học. Sự chưa quan tâm này đồng nghĩa, việc tham mưu của khuyến học với cấp ủy đảng, chính quyền chưa đạt kết quả.

Còn sức khỏe tôi còn tiếp tục cuộc hành trình này

“Không có thi đua khen thưởng thì coi như chưa làm được gì về khuyến học”. Xin được nhắc lại câu nói này của ông Hoàng. Tuy nhiên, ngược lại, nếu không xây dựng được quỹ khuyến học thì cũng không thể thực hiện công tác thi đua khen thưởng. Theo đó, việc xây dựng quỹ khuyến học được xác định vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng nên từ trước đến nay, Hội Khuyến học Bá Thước rất chăm lo nội dung này. Hiện nay, quỹ khuyến học toàn huyện có số dư hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, quỹ khuyến học do huyện quản lý với số dư 4,3 tỷ đồng (1 trong 3 huyện có số dư lớn nhất tỉnh) còn lại là quỹ thuộc gia đình, dòng họ, dân cư, đơn vị quản lý.

Những con số nói thay niềm tự hào. Quỹ khuyến học huyện nhà đã góp phần chắp cánh cho nhiều ước mơ thành hiện thực. Nhiều thôn, xã nhờ quỹ khuyến học đã động viên kịp thời những học sinh nghèo vượt khó, vươn lên. Có thể kể đến dòng họ Hà làng Bít (xã Điền Thượng), một điển hình về dòng họ học tập. Hiện nay, quỹ khuyến học dòng họ Hà có số dư gần 100 triệu đồng. Dòng họ này có 25 em đã và đang học đại học. Dù ở vùng sâu nhưng dòng họ đã có người đỗ tiến sĩ. Hay thôn Cáo Đạo (xã Lương Ngoại), 1 điển hình ở cấp thôn, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được cắp sách đến trường nhờ quỹ khuyến học…

Với cá nhân Chủ tịch Hội Khuyến học Bá Thước Lê Huy Hoàng, 7 năm tham gia làm công tác hội, nhiều câu chuyện khuyến học đã trở thành kỷ niệm vui. Thời điểm năm 2020, khi các huyện thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND ngày 12-12-2019 của HĐND tỉnh về quy định chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chủ tịch hội đặc thù cấp xã. Theo đó, ở xã không còn đội ngũ về hưu ra làm cán bộ mà chủ yếu để các phó đoàn thể kiêm nhiệm nên bước đầu cán bộ các hội nói chung và hội khuyến học nói riêng bỡ ngỡ do thiếu kinh nghiệm. Lần đó, ông Hoàng đi công tác tại xã Điền Lư. Cuộc gặp gỡ với vị chủ tịch xã này là Nguyễn Quang Huy đã khiến ông Hoàng niềm vui nhân lên gấp bội. Ông nhớ lại: “Anh Huy lúc đấy, tay bắt mặt mừng khoe với tôi: Vừa rồi đưa đội ngũ phó các đoàn thể sang kiêm chủ tịch các hội cháu đã phải chọn một anh có năng lực nhất để làm khuyến học cho bác. Bác hãy tin và yên tâm bác nhé!”. Tôi cười, bảo: Đó là cho xã. Nói vậy, nhưng trong lòng tôi cảm thấy rất phấn khởi dù địa phương không cho thêm khuyến học được gì, nhưng qua đó cũng thấy họ hiểu và đánh giá đúng về công tác khuyến học, một công việc khó và tốn nhiều công sức”.

Hơn 20 năm thành lập, đến nay, Hội Khuyến học Bá Thước đã phát huy tốt chức năng, vai trò. Hội đã góp phần tích cực vào việc phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT luôn đạt từ 95% trở lên. Phong trào xây dựng xã hội học tập đã phát triển rộng khắp, được Nhân dân đồng thuận, tác động tích cực đến đời sống của từng gia đình, dòng họ, cộng đồng. Kết quả học tập thường xuyên và liên tục trong những năm qua đã có sự chuyển biến rõ rệt về nguồn nhân lực. Cụ thể, khoảng 10 năm về trước huyện Bá Thước chưa có người có bằng tiến sĩ, số người có bằng thạc sĩ cũng còn ít. Đến nay, toàn huyện đã có 10 người có bằng tiến sĩ, gần trăm người có bằng thạc sĩ, hàng năm thi đậu đại học khoảng 200 em. Do phong trào học tập phát triển, chất lượng nâng lên mà 5 - 6 năm qua huyện Bá Thước bỏ việc xin chỉ tiêu cử tuyển đại học. Gần đây nguồn lực đại học ra trường khá dồi dào, đáp ứng yêu cầu công việc.

Kết quả này, có phần đóng góp quan trọng của ông Lê Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Khuyến học. Bản thân ông đã nhiều lần được tặng Bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, ông Lò Văn Thắng khẳng định: “Cùng với huyện hội, đồng chí Hoàng đã vận động hội khuyến học các cấp tổ chức nhiều hoạt động để chung tay cùng ngành giáo dục hỗ trợ học sinh, sinh viên. Nhờ sự giúp đỡ của quỹ hội, việc học tập của các em không bị gián đoạn, trở thành con ngoan, trò giỏi, có ích cho xã hội”.

Cũng theo ông Vương Văn Việt, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, Bá Thước là huyện miền núi nhưng luôn được Hội Khuyến học tỉnh lựa chọn để xây dựng điểm các mô hình khuyến học, khuyến tài và xã hội học tập. Từ xây dựng điểm để có chỉ đạo xây dựng tốt mô hình và nhân rộng mô hình. Về vấn đề này, ông Hoàng là một trong những người nhiệt tình, tích cực đã cùng Hội Khuyến học tỉnh chỉ đạo và triển khai thực hiện, đạt kết quả tốt. Ông Vương Văn Việt nhấn mạnh: “Có thể nói đây là một con người vừa có tâm, vừa có tài. Là một nhà giáo, nguyên lãnh đạo huyện nhưng không có nhiệt tình, tâm huyết thì rất khó gặt hái được những thành quả như Hội Khuyến học Bá Thước và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập huyện Bá Thước đã đạt được như những năm vừa qua. Làm khuyến học bây giờ, rõ ràng cái cần lựa chọn là cán bộ. Nếu lựa chọn được cán bộ tích cực, có tâm huyết và thực sự có say mê với công việc thì mới làm được công tác hội nói chung và của khuyến học nói riêng”.

Với Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bá Thước Lê Huy Hoàng, ông vẫn muốn tiếp tục khởi sắc hơn nữa công tác khuyến học huyện nhà, như ông đã từng chia sẻ: “Còn sức khỏe tôi còn tiếp tục cuộc hành trình này, để những mong góp phần đưa một số mục tiêu về khuyến học được nâng lên. Hiện khuyến học Bá Thước đang đứng ở top đầu của 11 huyện miền núi. Thời gian tới cố gắng, nỗ lực để đứng trong top đầu của tỉnh”.

Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]