(vhds.baothanhhoa.vn) - Quê gốc không phải ở Thanh Hóa, nhưng lại hết mình vì cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và được vua ban quốc tính. Đó là tướng quân Phạm Cuống (1367-1454).

Phạm Cuống, người đến vùng đất Thanh Hóa và lập nên dòng họ Lê Phạm

Quê gốc không phải ở Thanh Hóa, nhưng lại hết mình vì cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và được vua ban quốc tính. Đó là tướng quân Phạm Cuống (1367-1454).

Phạm Cuống, người đến vùng đất Thanh Hóa và lập nên dòng họ Lê PhạmÔng Lê Phạm Nhân, hậu duệ đời thứ 18 bên bàn thờ của cụ Phạm Cuống.

Sách “Các triều đại Việt Nam” có viết: Lê Lai, Nguyễn Thận, Đinh Lễ... ở vùng Lam Sơn cho đến Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống từ Thái Nguyên (Bắc Thái), Nguyễn Xí từ Nghệ An, Trần Nguyên Hãn từ Lập Thạch (Vĩnh Phú), Phạm Văn Xảo từ vùng kinh thành... và biết bao anh hùng không tên tuổi khác từ các nơi, đã tụ họp lại dưới lá cờ đại nghĩa của Lê Lợi.

Dưới ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn, tinh thần yêu nước và chính nghĩa đã tập hợp được những con người “cơm ăn thì sớm tối không được hai bữa, áo mặc thì đông hè chỉ có một manh, quân lính chỉ độ vài nghìn, khí giới thì thật tay không” (Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập). Trong số đó có Phạm Cuống, người có mặt từ buổi đầu Lam Sơn khởi nghĩa. Ông là em rể ông Lưu Nhân Chú (một đại thần của nhà Lê, tướng quốc - Chánh tể tướng) từ miền núi Đại Từ (Thái Nguyên) xuống cùng Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn. Gia phả dòng họ Phạm có ghi như sau: “Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa, Phạm Cuống cùng với một số người thân bên ngoại là Nguyễn Trãi đã đến vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Tây, Kinh Bắc, Thái Nguyên để ông kêu gọi Nhân dân tham gia ủng hộ cuộc khởi nghĩa đề cao “Lê Lợi vi vương” từ đó thiên hạ mới biết nhà Lê khởi vận và đi theo”. Như vậy, từ nguồn tư liệu gia phả cho thấy Phạm Cuống có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền kêu gọi Nhân dân khắp vùng tham gia và ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi. Chính từ đó mà nghĩa quân đi đến đâu cũng được sự bao bọc và ủng hộ về mọi mặt làm nên chiến thắng huy hoàng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Phạm Cuống, người đến vùng đất Thanh Hóa và lập nên dòng họ Lê Phạm

Không chỉ có mặt ở nhiều trận đánh ác liệt, xông pha nơi hòn tên mũi đạn, Phạm Cuống còn là người sẵn sàng bán ruộng đất, tài sản, tiền bạc đem vào mua lương thực ứng cứu cho nghĩa quân vào những thời điểm quân Minh tấn công bao vây.

Năm 1426, Lê Lợi phong cho ông chức Đồng Tổng quản Quy Hóa trấn trị quân sự (nghĩa là chỉ huy quân sự ở Quy Hóa, vùng đất dọc hữu ngạn Sông Hồng).

Không chỉ là một công thần có công lao với sự nghiệp khởi nghĩa Lam Sơn, ông còn phục vụ 3 triều vua Lê Thái tổ, Lê Thái tông, và Lê Nhân tông. Ở triều đại vua nào ông cũng được đánh giá cao và được ban thưởng chức tước bổng lộc.

Tháng 5 năm Kỷ Hợi (1429), vua Lê Thái tổ ban biểu ngạch công thần cho 93 người, Phạm Cuống được phong tước quan Phục hầu, tên ông được xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người được ban thưởng này và mang quốc tính.

Phạm Cuống mất vào năm 1454, thọ 87 tuổi. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) tưởng nhớ công lao của ông với tiên triều, Vua Lê Thánh tông truy tặng ông là Tuyên lực Công thần, Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, tước Hoàng nghĩa hầu trụ quốc, tên thụy là Vũ tương. Ông được sắc phong thần năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) và năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).

Về thôn 4, làng Ngọc Lĩnh, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) chúng tôi được ông Lê Phạm Thọ, Trưởng ban quản tộc, hậu duệ đời thứ 17 của cụ Phạm Cuống giới thiệu về lai lịch của ngôi đình: “Đến đời cháu thứ 3 của cụ Phạm Cuống, Định Quận công và con trai là Phạm Cảnh Phúc trong lần đem quân đánh Mạc Kính Điển đang lẩn trốn tại dãy núi Linh Trường trong cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc, thấy được thế đất, núi, sông sơn thủy hữu tình, Định Quận Công xin vua cho con trai là Phạm Cảnh Phúc về vùng đất này định cư. Cái tên vùng Ngọc Lâm, tổng Kim Chuế có từ đó.

Từ vùng đất này, con cháu họ Lê Phạm khai phá, lập làng và tạo dựng nhà thờ (sau này là đền) để tưởng nhớ đến các liệt tổ liệt tông. Theo lý lịch di tích thì khoảng năm 1804, nhà thờ được xây dựng. Sau nhiều lần được con cháu trong dòng họ bảo vệ, đóng góp trùng tu, tôn tạo, ngôi đền vẫn giữ lối kiến trúc chữ Đinh đặc trưng truyền thống của người Việt, gồm Tiền đường, Hậu cung, sân và ao. Tuy nhiên cũng do trùng tu nhiều mà diện mạo của đền đã thay đổi. Trong đó, năm 2000, dòng họ đã trùng tu nhà trung đường, mở rộng diện tích; năm 2008 trùng tu tiền đường; năm 2010 trùng tu, tôn tạo lại hậu cung và năm 2015 xây dựng cổng ngõ và mở rộng diện tích khuôn viên đền thờ.

Đền thờ có địa thế cảnh quan đẹp, nằm ở vị trí trung tâm của làng quay mặt về hướng Nam với không gian thoáng đãng, có thể nhìn thấy biển; phía sau tựa lưng vào núi Linh Trường. Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận Đền thờ Phạm Cuống - Phạm Vấn là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm để không chỉ con cháu mà chính quyền địa phương cùng Ban Quản lý di tích Đền thờ Phạm Cuống - Phạm Vấn tiếp tục bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị di tích cho thế hệ mai sau.

Phạm Cuống, người đến vùng đất Thanh Hóa và lập nên dòng họ Lê Phạm

Ở xã Hoằng Trường, dòng họ này có số lượng người lớn nhất trong các dòng họ đang sinh sống ở địa phương. Hiện tại đang có 320 hộ, với 750 đinh. Vào ngày 11 tháng 9 âm lịch hằng năm, ngoài con cháu dòng họ tại địa phương thì từ Hải Dương, Thái Nguyên, Vân Am (Ngọc Lặc) con cháu đều tập trung về tế tổ.

Ngoài đền thờ ở thôn 4, xã Hoằng Trường, Phạm Cuống còn được thờ ở xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, ở di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Rồng, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy có ban thờ Phạm Cuống. Riêng ngôi mộ đang được phỏng đoán là của Phạm Cuống lại nằm trong nhà của ông Hoàng Ngọc Sơn, thôn Chiềng Đông, xã Cẩm Thạch. Ở vị trí mộ táng có phiến đá cao chừng 3m, rộng gần 1m, liền khối, xung quanh là nhiều phiến đá thấp hơn, trên thân các phiến đá không có dấu vết chạm khắc. Phải chăng vùng hoạt động và chiến công của Phạm Cuống gắn với đất Mường Phấm xưa?. Cho đến giờ, đây vẫn là một dấu hỏi lớn.

Nói thêm về di tích lịch sử cấp tỉnh - đền thờ Phạm Cuống và Phạm Vấn, ông Lê Minh Lang, hậu duệ đời thứ 18 của cụ Phạm Cuống cho biết: Hiện bà con dòng họ vẫn phải đóng góp để bảo vệ di tích được khang trang, sạch đẹp. Bởi thế, chúng tôi mong muốn có sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]