Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám xây dựng quê hương đổi mới
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực thi đua xây dựng quê hương ngày một đổi mới, phát triển gắn với việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, lòng yêu nước, cách mạng của Nhân dân. Phóng viên Báo Thanh Hóa trao đổi với các ông, bà: Nguyễn Thị Hà, Phó trưởng Ban Tuyên giáo phụ trách Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thiệu Hóa; Bùi Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Trạo (Thạch Thành); Nguyễn Thị Huyền Trang, Bí thư đoàn thanh niên xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) về chủ đề trên.
Xây dựng huyện Thiệu Hóa trở thành huyện NTM nâng cao vào năm 2025 PV: Xin bà cho biết những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống nổi bật của quê hương Thiệu Hóa? Bà Nguyễn Thị Hà: Thiệu Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng lâu đời, có nhiều di sản văn hóa vật thể được gìn giữ và phát huy giá trị. Nơi đây mỗi dáng núi, hình sông, mỗi tên đất, tên làng đều lưu giữ những chứng tích về những giai đoạn hào hùng, đều ẩn chứa những tình cảm, khát vọng, ý chí vươn lên của người dân. Hiện nay, huyện Thiệu Hóa có 44 di tích được xếp hạng, trong đó, có 6 di tích cấp quốc gia, 38 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích có giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạng lớn như: di chỉ khảo cổ học Núi Đọ - nơi phát hiện ra sự sống của người Việt cổ; di tích đền thờ Lê Văn Hưu; đền thờ Đinh Lễ, Nguyễn Quán Nho, Nguyễn Quang Minh, Dương Tam Kha, Trần Lựu; cụm di tích cách mạng Thiệu Toán; đình làng Ngô Xá... Con người Thiệu Hóa cũng cần cù trong lao động, sáng tạo, với các nghề thủ công như: đồ đồng Trà Đông, đồ gốm làng Chành, nhiễu Hồng Đô... Tại quê hương Thiệu Hóa vinh dự thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên vào ngày 10/7/1930, 1 trong 3 chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa góp phần thúc đẩy sự ra đời của Ban Chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29/7/1930. Năm 1945, cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở Thiệu Hóa kết thúc vào ngày 19/8 là thành quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chặng đường đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng hết sức kiên cường của Đảng bộ Thiệu Hóa. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Thiệu Hóa là minh chứng kết quả tổng hợp năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, sức mạnh đấu tranh quật cường của quần chúng giành lấy quyền độc lập, tự do. Từ bài học của cuộc đấu tranh giành chính quyền năm 1945, Nhân dân Thiệu Hóa đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc, vững bước xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương anh hùng, xây dựng quê hương ngày một đổi mới trong thời đại mới. PV: Xin bà cho biết sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN) của huyện Thiệu Hóa những năm gần đây? Bà Nguyễn Thị Hà: Những năm qua, Đảng bộ Thiệu Hóa đã lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh phát triển KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá, các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm hình thành. Các làng nghề, cụm làng nghề được đầu tư phát triển, các dự án có giá trị lớn được đầu tư đã nâng cao vị thế và khai thác các tiềm năng của huyện. Văn hóa - xã hội tiếp tục có bước chuyển biến tiến bộ. Đặc biệt, năm 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 4,92%, đứng thứ 8 toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt 60,89 triệu đồng/người. Đến nay, toàn huyện có 2 xã NTM kiểu mẫu, 6 xã NTM nâng cao, 57 thôn NTM kiểu mẫu; 5 thôn thông minh. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Năm 2024, có 17 em thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn xếp thứ 4/27 huyện, thị, thành phố, có 2 giáo viên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 3 học sinh huyện Thiệu Hóa đang học tại Trường THPT Chuyên Lam Sơn đạt giải học sinh giỏi THPT cấp quốc gia... Huyện tổ chức thành công nhiều sự kiện văn nghệ, thể dục thể thao lớn, sôi nổi và phát triển rộng khắp. Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng được thực hiện thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. An sinh xã hội được chăm lo, chu đáo, kịp thời, đúng quy định; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,58%, thấp thứ 3 toàn tỉnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội bám sát nhiệm vụ chính trị đã đề ra đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới. Phát huy những kết quả đạt được, huyện Thiệu Hóa tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển KT-XH; tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao, chuỗi giá trị gắn với chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm, chương trình XDNTM nâng cao, kiểu mẫu; chú trọng tạo sự chuyển biến rõ nét hơn nữa về chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đảm bảo vững chắc QP-AN. Phấn đấu đến năm 2025 về đích huyện NTM nâng cao; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Xây dựng chiến khu thành điểm du lịch hấp dẫn PV: Xin ông cho biết những giải pháp nhằm xây dựng chiến khu du kích Ngọc Trạo trở thành điểm du lịch về nguồn hấp dẫn du khách? Ông Bùi Văn Phương: Cách đây 83 năm, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thành lập chiến khu du kích Ngọc Trạo (19/9/1941) - căn cứ địa cách mạng, là một trong những chiến khu du kích đầu tiên trên cả nước được thành lập sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII. Việc thành lập chiến khu và đội du kích Ngọc Trạo là minh chứng thể hiện bước phát triển mới của phong trào phản đế cứu quốc ở Thanh Hóa, tiến tới chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân vào tháng 8/1945. Với ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn, chiến khu du kích Ngọc Trạo được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Năm 2019, chiến khu du kích Ngọc Trạo được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Tự hào về mảnh đất chiến khu xưa, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ngọc Trạo nỗ lực, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng chiến khu ngày một phát triển. Đồng thời, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng chiến khu, thúc đẩy hoạt động du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Hiện nay, khu trung tâm của chiến khu bao gồm các điểm di tích như cây đa - trạm gác và địa điểm liên lạc của quân du kích; đồi Ma Mầu; đền thờ Tống Duy Tân; tượng đài các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo; khu mộ 3 liệt sĩ du kích; nhà truyền thống - nơi lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật và hình ảnh quý giá quá trình hoạt động của chiến khu và đội du kích Ngọc Trạo... đã và đang được địa phương quan tâm, gìn giữ và phát huy giá trị khu di tích. Hàng năm, địa phương tổ chức các hoạt động dâng hương nhân dịp kỷ niệm, lễ, tết; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải thể dục thể thao thu hút đông đảo Nhân dân, du khách về với chiến khu; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử cách mạng chiến khu; tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch. Năm 2024, xã Ngọc Trạo nỗ lực về đích NTM, đây cũng là bước tạo đà quan trọng trong phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN địa phương, xây dựng quê hương vững mạnh, giàu đẹp. Giáo dục lòng yêu nước cách mạng trong thế hệ trẻ PV: Xin chị chia sẻ những việc làm của tuổi trẻ Hoằng Châu nhằm phát huy giá trị di tích cách mạng, xây dựng quê hương ngày một phát triển? Chị Nguyễn Thị Huyền Trang: Những năm qua, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Hoằng Châu tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ đoàn viên, thanh, thiếu niên trên địa bàn khi đến với các di tích lịch sử tại địa phương như đình Liên Châu, đình Hoàng Chung; tổ chức các hoạt động chăm sóc, vệ sinh môi trường trong khuôn viên di tích lịch sử cách mạng tại địa phương; dâng hương, dâng hoa nhân dịp lễ, tết tại khu di tích. Đoàn thanh niên chung tay XDNTM, xây dựng quê hương Hoằng Châu ngày một phát triển bằng những việc làm thiết thực như phối hợp, tham gia xây dựng, lắp đặt các thiết bị dụng cụ thể thao trong công viên mini tại 10 thôn; trồng mới được hơn 1.000 cây xanh, giải tỏa, dọn dẹp đường làng ngõ xóm, tích cực tham gia trong công tác vận động gia đình và Nhân dân hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên tặng quà cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết; hỗ trợ ngày công làm nhà ở cho gia đình chính sách. Hàng tháng duy trì tốt chương trình chăm sóc, giúp đỡ người già neo đơn, người có công với cách mạng. Bằng những việc làm cụ thể đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong đoàn viên, thanh niên, thanh thiếu nhi, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Hoằng Châu ngày một đổi mới, phát triển. |
Bùi Huấn (thực hiện)
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-23 15:51:00
Người tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tiên phong, tích cực
-
2024-08-18 08:48:00
Những công trình mang tên “thanh niên”
Bản tin Tài chính 18/8: Giá vàng trong nước tăng mạnh theo thế giới
Dự báo thời tiết ngày 18/8: Nắng nóng quay trở lại
Vĩnh Lộc chung tay xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
Nỗi lo sạt lở mùa mưa bão
Nỗi đau da cam: Thấu hiểu để sẻ chia
Những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước
Truyền thống hiếu học của dòng họ Lê xã Quảng Khê
Vĩnh Lộc chung tay xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
Hà Trung: Bài học kinh nghiệm vận động Nhân dân hiến đất hoàn thành XDNTM