(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, cùng với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên miền sơn cước đã giúp cho Lang Chánh có bước chuyển mình về phát triển du lịch. Đây cũng là định hướng phát triển ngành công nghiệp không khói của huyện trong những năm tới.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, cùng với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên miền sơn cước đã giúp cho Lang Chánh có bước chuyển mình về phát triển du lịch. Đây cũng là định hướng phát triển ngành công nghiệp không khói của huyện trong những năm tới.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóaDu khách được giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Tháng 5 vừa qua, huyện Lang Chánh lần đầu tiên tổ chức lễ hội Chí Linh Sơn và chương trình nghệ thuật “Linh Sơn thiên cổ lưu danh”. Lễ hội với nhiều chương trình hấp dẫn như: “Hành trình theo dấu chân Nghĩa quân Lam Sơn”; “Cuộc thi Người đẹp Châu Lang”; “Trưng bày các gian hàng và giới thiệu sản phẩm truyền thống”; “Tổ chức cắm trại bên thác Ma Hao”; Chương trình nghệ thuật “Linh Sơn thiên cổ lưu danh”... Các hoạt động nhằm quảng bá rộng đến đông đảo người dân và du khách những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, từ đó xây dựng hình ảnh đất và người Lang Chánh, gắn với phát triển du lịch. Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện, có khoảng 10.000 lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Lang Chánh có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như bản Năng Cát, thác Ma Hao, chùa Mèo... bên cạnh đó là lợi thế về văn hóa, lịch sử, con người. Trong đó, đồng bào sinh sống tại đây chủ yếu là người dân tộc Mường, Thái... mỗi dân tộc lại lưu giữ những bản sắc văn hóa riêng, nhất là các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, trang phục, nghề truyền thống và nhiều di tích lịch sử, danh thắng được công nhận, xếp hạng. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hút lớn với du khách. Mặt khác, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu để quảng bá, phát huy giá trị di sản, đồng thời giúp nâng cao thu nhập của người dân thông qua việc cung cấp dịch vụ du lịch liên quan. Như việc mở rộng quy mô lễ hội Chí Linh Sơn là một trong những hoạt động nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đưa du lịch đến gần hơn với người dân địa phương.

Thúc đẩy phát triển du lịch, huyện Lang Chánh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 6-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện “Về phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Lang Chánh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 6-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Lang Chánh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc huyện Lang Chánh, giai đoạn 2023-2025. Theo đó, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu hơn vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét văn hóa đặc trưng. Khuyến khích các địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao không chỉ trong dịp lễ, tết mà còn trong những ngày kỷ niệm, buổi sinh hoạt văn hóa tại thôn, bản. Trong đó, đề cao việc trình diễn các điệu múa, điệu kèn, múa sạp, khua luống, cồng chiêng, múa hát quanh cây bông... cùng những trò chơi dân gian bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy...

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóaTrình diễn khua luống của đồng bào dân tộc Thái, huyện Lang Chánh.

Hiện, trên địa bàn huyện có 3 lễ hội dân gian được tổ chức thường xuyên, định kỳ là lễ hội chùa Mèo (xã Quang Hiến, nay là thị trấn Lang Chánh), lễ hội truyền thống xã Giao Thiện và lễ hội Chá Mùn của dân tộc Thái. Tại các lễ hội, ngoài hoạt động văn hóa tâm linh, chính quyền địa phương khuyến khích nhiều trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn và thú vị. Đây được xem là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian quan trọng của cộng đồng dân tộc Thái trên địa bàn, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến xem và trải nghiệm.

Cùng với việc duy trì các lễ hội, Lang Chánh thường xuyên mở các lớp tập huấn, truyền dạy và giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, như phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh Thanh Hóa mở lớp tập huấn bảo tồn khặp Thái, Mường cho hơn 200 học viên; lớp bảo tồn, phục dựng lễ hội Chá Mùn... Bên cạnh việc được học các giá trị văn hóa truyền thống, học viên còn được trang bị kỹ năng tổ chức hướng dẫn chương trình giao lưu tương tác giữa các nghệ nhân với du khách, biểu diễn văn nghệ dân gian, biểu diễn phục vụ du lịch văn hóa cộng đồng, tổ chức giới thiệu, quảng bá nghệ thuật dân gian và các sản phẩm văn hóa dân tộc đến du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Hoàng Văn Hà, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lang Chánh, cho biết: “Trong những tháng cuối năm 2023, huyện tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, mà tiêu biểu là lễ hội ruộng bậc thang (xã Yên Thắng). Thông qua lễ hội vừa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng bản Ngàm Pốc. Các sản phẩm du lịch của huyện sẽ gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương là những nét đẹp văn hóa, ẩm thực, lễ hội... truyền thống”.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]