(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, tình trạng quá tải, thiếu thốn cơ sở vật chất và giáo viên bậc mầm non đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bất an về chất lượng giáo dục cũng như nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi đến trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quá tải bậc học mầm non và nỗi lo an toàn cho trẻ

(VH&ĐS) Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, tình trạng quá tải, thiếu thốn cơ sở vật chất và giáo viên bậc mầm non đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bất an về chất lượng giáo dục cũng như nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi đến trường.

Tình trạng “thiếu đủ thứ” đang diễn ra

Cô Lê Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (TT Nông Cống, huyện Nông Cống)chia sẻ: Nhà trường có 2 dãy nhà gồm 9 phòng học, 1 dãy xây dựng năm 2009; 1 dãy xây dựng từ năm 1994 đã xuống cấp, dột, nứt không sử dụng được. Tuy nhiên, sau cải tạo vẫn còn 2 lớp mỗi lớp gần 50 cháu, trong khi diện tích lớp học chỉ khoảng 45m2 lại phải để cả đồ dùng của trẻ nên rất chật chội. Những hôm trời mưa to, lớp bị dột, ngấm nước, các cô phải kê dồn bàn ghế, đồ đạc lại để che cho khỏi ướt.

Do cơ sở vật chất không đáp ứng được nên có nhiều trường hợp, nhà trường phải tư vấn cho phụ huynh nộp đơn đến trường khác để giảm tải học sinh. Nếu huy động hết số trẻ theo địa bàn thì trường phải có hơn 400 học sinh với 15 lớp. Trước tình trạng trên, nhà trường đã đề xuất lên chính quyền địa phương để có biện pháp khắc phục. Theo kế hoạch, trường sẽ được chuyển sang khu vực khác để xây dựng mới. Tuy nhiên, cụ thể năm nào sẽ tiến hành xây dựng thì chưa ai biết.

Ông Vũ Ngọc Phan - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Nông Cống cho biết: Năm học 2016 - 2017, huyện Nông Cống đã huy động nhóm trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi đạt 28%; từ 12-36 tháng tuổi đạt 20%; 3-5 tuổi đạt 96%, trẻ 5 tuổi đạt 100%. Hiện nay, hầu hết các trường đều bị quá tải ở lớp nhóm tuổi mẫu giáo, trung bình từ 45-60 học sinh/lớp. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ ở các trường mầm non.

Tại Trường Mầm non Hoằng Trường (Hoằng Hóa), có 3 điểm trường với 520 cháu. Tuy nhiên, nhà trường chỉ ưu tiên tuyển sinh đối với các cháu trong độ tuổi từ 4 - 5 tuổi. Còn các cháu dưới 3 tuổi, nhà trường không dám tuyển sinh do thiếu phòng học.

Cô giáo Trương Thị Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoằng Trường cho biết: Nhà trường có 16 phòng học, trong đó 11 phòng có đủ diện tích theo quy định, còn 5 phòng có diện tích chỉ từ 15 - 18m2, (5 phòng này thực chất là kho chứa đồ cho các phòng học chính nhưng do thiếu phòng học nên trưng dụng thành phòng học), mỗi phòng học “tí hon” này vẫn có từ 20-25 cháu. Cô Minh cho biết thêm: Nếu tính cả số trẻ đến độ tuổi chưa được huy động ra lớp thì nhà trường còn thiếu 18 phòng học và toàn bộ khu hiệu bộ và phòng chức năng.

Trường Mầm non Hoằng Hải hiện có 290 cháu, với 9 phòng học. Nhà trường không huy động số trẻ trong độ tuổi từ 18 - 24 tháng tuổi do thiếu phòng học, thiếu giáo viên. Nếu huy động các cháu trong độ tuổi này thì sẽ thiếu 4 phòng học, toàn bộ khu hiệu bộ. Bếp ăn 1 đều tạm bợ chưa đáp ứng được nhu cầu ăn bán trú của các cháu. Ngoài ra, nhà trường hiện còn thiếu 13 giáo viên, nhân viên.

Lớp học “quá tải” ở Trường Mầm non Hoằng Hải.

Ông Lê Văn Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT Hoằng Hóa cho biết: Những năm gần đây, do điều kiện chăm sóc ở trường đảm bảo, công tác huy động trẻ ra lớp tốt, nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng, cha mẹ có nhu cầu gửi con để đi làm... nên tỷ lệ trẻ đến lớp ngày càng tăng. Trong khi đó, cơ sở vật chất của các trường học không được đầu tư, nhiều nơi đã xuống cấp, phòng học chật chội không còn phù hợp với điều kiện học tập theo tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay.

Cùng với việc số lượng học sinh tăng, nhu cầu về cơ sở vật chất tăng thì nhu cầu về giáo viên cũng tăng là điều tất yếu. Trong khi đó, Thanh Hóa đang tạm dừng tuyển dụng biên chế giáo viên dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cấp mầm non.

Năm học 2016 - 2017, huyện Nông Cống có 9.016 học sinh mầm non gồm 329 nhóm lớp với 399 cán bộ, giáo viên biên chế và 197 giáo viên theo hợp đồng của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo nhu cầu thực tế, hiện nay huyện Nông Cống cần khoảng 748 giáo viên mầm non. Như vậy huyện này hiện còn thiếu khoảng 152 giáo viên. Huyện Hoằng Hóa so với chỉ tiêu được giao, toàn huyện vẫn còn thiếu 438 giáo viên bậc học mầm non.

Tuy nhiên, theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho các trường là 1 giáo viên/nhóm nhà trẻ. Việc này, khiến giáo viên rất vất vả trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Vì vậy, nhiều trường đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí 2 giáo viên/nhóm nhà trẻ để đảm bảo an toàn, điều kiện chăm sóc cho các cháu, phụ huynh cũng yên tâm hơn khi đưa trẻ tới trường.

Sở GD&ĐT nói gì?

Toàn tỉnh hiện có 7.287 phòng học bậc học mầm non, trong đó có 4.954 phòng học kiên cố chiếm 68%; 32% còn lại là phòng học tạm và xuống cấp tập trung chủ yếu ở các xã miền núi và vùng bãi ngang, ven biển.

Ông Nguyễn Thế Long, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT cho biết: Cơ sở vật chất các bậc học mầm non, tiểu học và THCS là do các địa phương sở tại đầu tư và chịu trách nhiệm. Nhà nước có đầu tư bằng các dự án từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tuy nhiên không phải năm nào cũng có dự án. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1625 phê duyệt đề án “Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên” giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020. Dự án này Thanh Hóa được Nhà nước phân bổ 250 tỷ 740 triệu đồng để đầu tư cho 199 phòng học mầm non. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được vì Nhà nước vẫn chưa phẩn bổ nguồn vốn.

Đối với việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong nhà và ngoài trời cho ngành học mầm non, năm 2015 từ nguồn ngân sách tỉnh đã mua 230 bộ đồ dùng, đồ chơi cấp cho 230 trường, với tổng trị giá 27 tỷ 600 triệu đồng. Từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ 13 tỷ 900 triệu đồng mua sắm đồ dùng, đồ chơi cấp cho 160 trường. Năm học 2016, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia NTM cấp 5 tỷ 500 triệu đồng trang bị cho 50 trường học mầm non của 50 xã NTM. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà trường.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì việc đảm bảo an toàn và sự phát triển toàn diện cho trẻ tại các trường mầm non sẽ khó được thực hiện. Mong rằng, các cấp lãnh đạo địa phương sớm có biện pháp khắc phục.

Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]