Quy trình, thủ tục cấp sổ đỏ mới theo mô hình chính quyền 2 cấp thế nào?
So với trước đây, việc cấp sổ đỏ lần đầu thường phải trải qua ít nhất hai cấp, thì nay quy trình này sẽ được rút gọn, thực hiện tại một cấp duy nhất là cấp xã, phường, trong vòng 17 ngày.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Trước những yêu cầu mới đặt ra từ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt trong lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như đất đai, Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành “Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp” với nhiều nội dung thiết.
Đáng chú ý nhất là quy định về trình tự, thủ tục cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
Quy trình “3 bước” cấp sổ đỏ
Thông tin cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai - bà Đoàn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh sổ tay trên là tài liệu thiết thực giúp các địa phương nắm rõ quy định, thẩm quyền, quy trình, từ đó triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền mới; giúp người dân hiểu hơn về các thủ tục hành chính để thuận tiện hơn trong thực hiện.
Sổ tay trên hướng dẫn cụ thể việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm 3 bước, phân công rõ trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước và người dân.
Cụ thể, người có nhu cầu đăng ký nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Có thể nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu, nộp bản sao đã công chứng, chứng thực, hoặc nộp trực tuyến nếu hồ sơ đã được số hóa. Nếu nộp bản sao, khi nhận kết quả phải xuất trình bản chính. Đây là bước 1.
Bước 2, sau khi tiếp nhận, cơ quan giải quyết thủ tục kiểm tra thành phần hồ sơ, cấp giấy hẹn trả kết quả hoặc yêu cầu bổ sung nếu còn thiếu. Hồ sơ sau đó được chuyển về ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để tổ chức xác minh.
Trên cơ sở đó, ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trích lục hoặc trích đo bản đồ địa chính, xác nhận hiện trạng sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, phù hợp quy hoạch, nguồn gốc sử dụng đất (nếu không có giấy tờ); thực hiện niêm yết công khai kết quả rà soát tại trụ sở và khu dân cư trong vòng 15 ngày, kiểm tra việc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp sổ đỏ theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp người dân có nhu cầu và đủ điều kiện cấp sổ đỏ thì ủy ban nhân dân cấp xã gửi phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đến cơ quan thuế để cơ quan thuế xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Bước ba, sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã cấp sổ đỏ và chuyển sổ đỏ cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người dân.
Kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với dân cư. (Ảnh: TTXVN)
Thời gian giải quyết thủ tục được rút gọn đáng kể, đối với đăng ký đất đai lần đầu không quá 17 ngày làm việc. Đối với đăng ký đất đai kèm cấp sổ đỏ không quá 20 ngày làm việc. Với địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian được kéo dài tối đa 30 ngày làm việc.
Không bắt buộc phải chỉnh lý sổ đỏ
Trong diễn biến liên quan, giải đáp kiến nghị của cử tri gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết bộ đã có văn bản gửi các địa phương để hướng dẫn việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tập hợp số liệu diện tích tự nhiên trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã kiến nghị các địa phương có giải pháp để chỉ đạo giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, nhanh chóng.
Nêu ví dụ dẫn chứng, ông Duy cho hay với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu trước đây giấy chứng nhận được cấp bởi cấp thành phố, địa danh trong đó có thể ghi là xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, nhưng nay không còn xã Minh Bảo, thì người dân vẫn không cần điều chỉnh gì.
Lý do là bởi các giấy tờ vẫn có giá trị pháp lý đầy đủ và không cần thay đổi, trừ khi người dân thực hiện thủ tục như chia tách, chuyển nhượng.
Những trường hợp như trên, theo ông Duy, cơ quan nhà nước sẽ vừa thực hiện thủ tục hành chính, vừa chỉnh lý theo ranh giới hành chính mới, cập nhật số liệu, tờ thửa mới. Do vậy, người dân hoàn toàn yên tâm, không phải mang sổ đỏ, sổ hồng đi điều chỉnh chỉ vì thay đổi tên đơn vị hành chính./.
Theo Điều 5 Nghị định số 151/2025/NĐ-CP của Chính phủ về phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực đất đai, kể từ ngày 1/7/2025, người dân có thể lựa chọn nơi nộp hồ sơ đăng ký đất đai tại bất kỳ đơn vị nào trong cùng tỉnh hoặc thành phố, thay vì chỉ được nộp tại nơi có đất như trước đây. |
Theo Vietnam+
{name} - {time}
-
2025-07-16 21:24:00
Chuyện ở quầy thanh toán
-
2025-07-16 19:01:00
Dự báo thời tiết đêm 16 ngày 17/7/2025
-
2025-07-16 15:30:00
Những điều cần biết về tổng đài 112 - Số điện thoại tiếp nhận thông tin và nội dung thông tin về sự cố, thảm họa
Ra mắt sàn diễn thời trang chuyên biệt cho người khuyết tật Việt Nam
Bản tin Tài chính – Thị trường 16/7/2025
Sân bay Nội Bài lên tiếng về cửa hàng bán chiếc bánh mì 208.000 đồng
Dự báo thời tiết hôm nay 16/7/2025
Dự báo thời tiết đêm 15 ngày 16/7/2025
Từ tháng 7/2025, Công an cấp xã được quyền đột xuất thực hiện kiểm tra cư trú
[REVIEW OCOP] Kẹo lạc Hà Ly: Giữ trọn vị truyền thống, nâng tầm đặc sản quê