(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ là bức tường thành vững chắc, bảo vệ an toàn cho dân làng mỗi khi có mưa to, bão lớn, hạn chế xói lở và tác hại của bão lụt, từ lâu những khu rừng ngập mặn tại xã Đa Lộc (Hậu Lộc) còn nổi tiếng là nơi trú ngụ của nhiều loại thủy sản. Bên cạnh đó, nghề nuôi ong lấy mật cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Rừng ngập mặn Đa Lộc - “Lá chắn xanh” bảo vệ người dân

Không chỉ là bức tường thành vững chắc, bảo vệ an toàn cho dân làng mỗi khi có mưa to, bão lớn, hạn chế xói lở và tác hại của bão lụt, từ lâu những khu rừng ngập mặn tại xã Đa Lộc (Hậu Lộc) còn nổi tiếng là nơi trú ngụ của nhiều loại thủy sản. Bên cạnh đó, nghề nuôi ong lấy mật cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Rừng ngập mặn Đa Lộc - “Lá chắn xanh” bảo vệ người dânNgười dân sinh kế dưới cánh rừng ngập mặn.

Chúng tôi có mặt ở xã biển Đa Lộc (Hậu Lộc) trong một buổi chiều chói chang của mùa hè, men theo con đê và tìm đến cánh rừng ngập mặn nổi tiếng mà người dân địa phương tự bao đời nay vẫn hằng tự hào. Không chỉ đóng vai trò là chắn sóng, phòng hộ hiệu quả, những cánh rừng ngập mặn ở đây được người dân tận dụng mặt nước để khai thác các loài thủy sản, gần đây là mở rộng, phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, hiệu quả kinh tế cao.

Đa Lộc hiện có 9 thôn với hơn 2.000 hộ (9.300 khẩu), trong đó đường bờ biển dài gần 5 km, phủ xanh bởi rừng sú, vẹt với tổng diện tích gần 500 ha, trải dài ở 4 thôn (Yên Lộc, Đông Tân, Đông Hải, Ninh Phú). Với người dân, khu rừng ngập mặn đã tạo ra “lá chắn xanh”, góp phần ngăn chặn rủi ro, bảo vệ dân làng từ những cơn cuồng phong, bão tố, sóng triều. Đây là những cánh rừng ngập mặn được Nhà nước quan tâm, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã hỗ trợ trồng để ngăn sóng, gió biển. Nhiều năm qua, các loài thủy sinh dưới tán rừng ngập mặn được tái tạo phong phú nhờ những khu rừng được bảo vệ và phát triển quanh năm tươi tốt.

Bà Đỗ Thị Thùy, Trưởng thôn Ninh Phú chia sẻ: Thôn hiện có 420 hộ, 720 khẩu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Một số hộ gia đình khó khăn không có tàu thuyền đi xa đánh bắt xa bờ thì hằng ngày khai thác, đánh bắt thủy hải sản như: cá còi, ốc, cua, cáy… ở ven khu rừng ngập mặn. Công việc tuy vất vả, nhưng họ có nguồn thu nhập đều đặn quanh năm.

Không chỉ vậy, từ ngày rừng sú, vẹt được bảo vệ, sinh trưởng tốt, hệ thống tán rừng dày, dễ chắc, bà con yên tâm khi mùa mưa bão. Chính những cánh rừng này đã bảo vệ hệ sinh thái và môi trường, có chức năng chống gió bão, xói lở, hạn chế xâm nhập mặn… Nhận thấy vai trò, tác dụng to lớn của khu rừng ngập mặn, chính quyền địa phương thường xuyên đến tận nhà người dân để tuyên truyền về vai trò của rừng, cần khai thác đúng cách mới bảo vệ nguồn tài nguyên rừng được bền lâu.

Rừng ngập mặn Đa Lộc - “Lá chắn xanh” bảo vệ người dânMột góc rừng ngập mặn xã Đa Lộc (Hậu Lộc).

Ông Trần Văn Toản, Bí thư chi bộ thôn Đông Tân cho biết: Tận dụng lợi thế về hệ thực vật đa dạng, phong phú ở cánh rừng ngập mặn, người dân Đa Lộc đã hình thành, phát triển nghề nuôi ong lấy mật, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2017, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc được thành lập, sau nhiều năm đến nay có khoảng gần 200 hội viên. Cây sú, vẹt thường ra hoa từ tháng 5 cho tới tháng 7, còn cây bần chua thì ra hoa quanh năm. Trong vùng còn có hoa nhãn, hoa vải, hoa ngô... do vậy, nguồn thức ăn cho đàn ong nơi đây tương đối dồi dào. Nghề nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Tuy số lượng đàn không lớn, nhưng nhiều hộ gia đình tại đây đã liên kết lại với nhau thành tổ nuôi ong, có chung lợi ích, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Sản phẩm mật ong rừng ngập mặn sú, vẹt đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Hàng năm, các hội viên trong tổ hợp tác được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, để mô hình ong phát triển bền vững lâu dài, có thương hiệu.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Với hệ thống gốc và rễ cây chi chít, những cánh rừng ngập mặn đã góp phần làm giảm cường độ của nước thủy triều, hạn chế sự xâm thực của những con sóng, bảo vệ cho hệ thống đê điều. Không chỉ vậy, khu rừng ngập mặn còn là nơi trú ngụ quan trọng của các loài thủy sinh sinh trưởng và phát triển, giúp người dân trong xã có điều kiện khai thác, từ đó có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Để bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn, ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, huyện Hậu Lộc cũng đã xây dựng phương án quản lý dựa vào cộng đồng dân cư nhằm thực hiện bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Từ đó, góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, hạn chế suy thoái môi trường. Trong mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ xã Đa Lộc, nhiệm kỳ 2021-2025 sẽ hình thành khu du lịch sinh thái xung quanh khu rừng sú, vẹt.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]