(vhds.baothanhhoa.vn) - Tìm hiểu, thưởng thức sản vật địa phương là một trong những nhu cầu tất yếu của du khách trong một chuyến du lịch. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt, là điểm riêng thu hút du khách của mỗi tour, tuyến du lịch.

Đưa sản vật địa phương đến gần hơn với khách du lịch

Tìm hiểu, thưởng thức sản vật địa phương là một trong những nhu cầu tất yếu của du khách trong một chuyến du lịch. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt, là điểm riêng thu hút du khách của mỗi tour, tuyến du lịch.

Đưa sản vật địa phương đến gần hơn với khách du lịchĐiểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm từ quế tại Thường Xuân.

Vùng đất Thường Xuân với nhiều điểm du lịch nổi tiếng như bản Mạ, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, đền Cửa Đạt, thác Hón Yên... Nơi đây còn được biết đến với danh xưng “Quế ngọc Châu Thường” bởi quế là sản vật nổi tiếng của huyện. Quế Thường Xuân mặt ngoài vỏ ít xù xì, màu nâu và nâu xám, có nhiều vết loang, cây càng già vết loang càng nhiều. Khi cạo một lớp mỏng ở đầu thanh quế có thể nhìn thấy các lớp dầu, nếm có vị cay hơi chát, khi pha với nước có màu trắng đục. Tinh dầu của quế Thường Xuân có độ cay đặc trưng, khi nếm thử cảm nhận vị cay mạnh nhưng không quá nồng, hậu vị ngọt the. Quế Thường Xuân có danh tiếng từ lâu đời, là sản phẩm quý, có chất lượng cao, được dùng nhiều trong y học và ẩm thực. Quế có tác dụng chống cảm lạnh, đầy hơi, điều trị nấm da chân, khử mùi hôi, kiểm soát lượng đường trong máu...

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Thường Xuân. Quế được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như tinh dầu, quế Thanh... đây cũng là 2 sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện.

Đưa sản vật địa phương đến gần hơn với khách du lịchDu khách tìm mua đặc sản địa phương tại hội chợ.

Để sản vật địa phương đến gần hơn với du khách, huyện đã đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm. Trong đó, tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch, xây dựng điểm trưng bày sản phẩm, đặc biệt là bày bán tại tất cả điểm du lịch trong huyện. Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: “Các sản vật địa phương đã và đang được doanh nghiệp cung cấp ra thị trường với nhiều mẫu mã đa dạng. Đây là những món quà độc đáo có giá trị và ý nghĩa lưu niệm thu hút sự quan tâm của du khách. Tại các điểm du lịch, bên cạnh việc bày bán còn có nhân viên giới thiệu về sản vật đặc trưng của huyện với nhiều câu chuyện độc đáo, thú vị”.

Nhắc đến sản vật địa phương không thể không nhắc đến ẩm thực. Những món ngon vùng miền có sức hút mạnh mẽ, tạo ấn tượng và làm tăng hiệu quả hoạt động quảng bá du lịch tại địa phương. Như Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn có những món ngon mang đậm hương vị núi rừng, thể hiện rõ nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái. Đó là các đặc sản đã nổi tiếng xa gần như vịt Cổ Lũng, xôi nếp nương, thịt trâu gác bếp, ốc núi, cá nướng, canh uôi, rượu cần... Các món ăn tiêu biểu của người Thái đã được đưa vào thực đơn của hầu hết các homestay, nhà hàng. Ngoài ra, nếu có nhu cầu du khách có thể đi tham quan các chuỗi liên kết thực phẩm, cách chế biến các món ăn cùng với người dân bản địa. Anh Lục Văn Cường, chủ homestay Mạnh Cường (bản Báng, xã Thành Sơn, Bá Thước), cho biết: “Ðến đây, khách đều yêu cầu được thưởng thức các món ăn dân dã, truyền thống, đặc trưng của dân tộc Thái. Các món ăn phổ biến trong mâm cỗ như cá nướng, thịt nướng, rau rừng, nộm chua chát, măng đắng luộc, canh đắng... cách ăn và khẩu vị đều theo người bản địa. Dù lạ vị nhưng hầu hết thực khách đều ăn rất ngon miệng và hài lòng. Đặc biệt, với khách nước ngoài trước khi thưởng thức chúng tôi đều có giải thích về nguyên liệu, công dụng của từng món ăn”.

Đưa sản vật địa phương đến gần hơn với khách du lịchGiới thiệu đặc sản địa phương đến với du khách tại hội chợ.

Du khách có thể thưởng thức đặc sản núi rừng ở hầu khắp các điểm du lịch ở miền núi như Lang Chánh, Thường Xuân, Cẩm Thủy... Tuy nhiên, mỗi nơi lại có cách chế biến, gia vị riêng tạo nên hương vị đặc trưng. Đặc sản núi rừng cũng thường xuyên được giới thiệu tại các hội chợ, điểm du lịch... giúp du khách thuận tiện trong việc tìm mua và thưởng thức.

Thanh Hóa là tỉnh phát triển đồng bộ về cả chăn nuôi, trồng trọt nên có nhiều nguồn nguyên liệu phong phú để phát triển các làng nghề, cơ sở chế biến đặc sản. Trên địa bàn có nhiều vùng đất nổi tiếng với các đặc sản ẩm thực độc đáo: vùng đất Thọ Xuân nổi tiếng với đặc sản như dưa vàng Lam Sơn, bưởi Luận Văn, bánh gai Tứ Trụ; vùng đất nước mắm nổi tiếng từ xưa đến nay là Khúc Phụ (Hoằng Hóa), Ba Làng (thị xã Nghi Sơn); TP Thanh Hóa với món nem trứ danh Cây Đa, Sinh Tuyến... Hầu hết các địa phương ở Thanh Hóa đều có những đặc sản nổi tiếng riêng, thể hiện sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa, ẩm thực. Trong đó, mỗi địa phương có thể có một hoặc rất nhiều món ăn, quà tặng khác nhau là sản vật mà chỉ khi du khách đến vùng đất đó mới có thể mua và tìm hiểu.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]