(vhds.baothanhhoa.vn) - Chẳng nói “vống” đâu khi ví hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu nước mắm Khúc Phụ xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) tựa như một khúc dân ca mộc mạc, chân tình. Nét đẹp, danh thơm và thành công của làng nghề nước mắm Khúc Phụ có được như ngày hôm nay chính là kết đọng từ hành trình nỗ lực, phấn đấu đi qua thăng trầm, hướng tới sự phát triển của những con người nơi đây với nghề truyền thống quê hương.

Khúc ca làng mắm

Chẳng nói “vống” đâu khi ví hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu nước mắm Khúc Phụ xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) tựa như một khúc dân ca mộc mạc, chân tình. Nét đẹp, danh thơm và thành công của làng nghề nước mắm Khúc Phụ có được như ngày hôm nay chính là kết đọng từ hành trình nỗ lực, phấn đấu đi qua thăng trầm, hướng tới sự phát triển của những con người nơi đây với nghề truyền thống quê hương.

Khúc ca làng mắmNhờ sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của nhiều thế hệ, nước mắm Khúc Phụ không chỉ nâng cao về mặt chất lượng mà ngày càng hoàn thiện, đa dạng hơn về mẫu mã, bao bì, quy cách sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.

Mặc dù đã có từ lâu đời nhưng trước đây, nghề chế biến nước mắm Khúc Phụ chưa có quy mô, bài bản như bây giờ mà theo tính tự phát, nhỏ lẻ, mạnh ai người ấy làm. Sản phẩm làm ra phải tự gồng gánh hoặc lóc cóc xe đạp chở đi khắp nơi rao bán, “buôn thúng bán mẹt” tại các chợ... Vì thế, dẫu cho người dân có siêng năng, cần cù, vất vả khuya sớm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Phần lớn các hộ cố gắng duy trì nghề. Tuy nhiên, trước áp lực kinh tế và guồng quay của thị trường, nhiều hộ gia đình đã phải ngậm ngùi gác lại nghề truyền thống của quê hương, tìm hướng mưu sinh khác.

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, nghề và làng nghề chế biến nước mắm Khúc Phụ đã đổi thay rất nhiều, sôi động hơn bao giờ hết. Điểm lại những dấu mốc cho thấy bước chuyển mình, phát triển của thương hiệu tập thể nước mắm Khúc Phụ (do Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp logo và chứng nhận nhãn hiệu tập thể; Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch) mới thấm thía rằng: Đó là hành trình từ sự quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hoằng Phụ cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp từ huyện đến tỉnh.

Trong hành trình phát triển nghề và làng nghề chế biến nước mắm truyền thống Khúc Phụ không thể không kể đến sự ra đời của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và chế biến nước mắm Khúc Phụ. Đây được xem là “mái nhà chung” cho những hộ gia đình đam mê, mong muốn xây dựng một cộng đồng sản xuất, chế biến nước mắm truyền thống Khúc Phụ đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển nghề theo hướng bền vững. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, HTX đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động; quan tâm, động viên, hỗ trợ xã viên; thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ thuật làm nước mắm, đặc biệt là vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến bể chứa theo cách ốp gạch men trên nền xi măng nhằm hạn chế tối đa những yếu tố tác động không tốt đến chất lượng mắm trong quá trình ướp chượp; làm tốt vai trò “bà đỡ”, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại... Thông qua việc làm thiết thực, hiệu quả ấy, HTX ngày càng thu hút đông đảo xã viên tham gia. Từ 35 xã viên lúc mới thành lập, đến nay, HTX đã có khoảng 60 hộ tham gia.

Bên cạnh sự nỗ lực của tập thể, dấu ấn của cá nhân cũng là một trong những động lực quan trọng góp phần phát triển nghề và làng nghề chế biến nước mắm Khúc Phụ. Kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, nhiều bạn trẻ có trình độ, có bản lĩnh đã không ngại khó, ngại khổ, mạnh dạn đầu tư, quyết tâm gắn bó với nghề, trở thành những tấm gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, điểm sáng cho phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, xung kích phát triển kinh tế của địa phương.

Đó là câu chuyện “đi để trở về” tiếp nối truyền thống 3 đời làm nước mắm truyền thống Khúc Phụ của anh Nguyễn Văn Các (36 tuổi, thôn Bắc Sơn). Sinh ra và lớn lên cùng với hương vị nước mắm quê hương nhưng vì áp lực cuộc sống, anh Các buộc phải xa quê, tìm kiếm cơ hội nơi xứ người. Tuy nhiên, chính cuộc sống xa gia đình, xa quê khiến anh càng thêm thương nhớ vị mắm đã thấm đượm ký ức, tuổi thơ. Mang theo nỗi nhớ thương da diết ấy, cùng với trăn trở làm sao tiếp tục theo nghề làm nước mắm, năm 2015, anh Các quyết tâm trở về, nối dài truyền thống của gia đình, đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Năm 2017, anh Các thành lập Công ty TNHH Khuê Các tại thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ hoạt động đa lĩnh vực, trong đó, việc sản xuất, chế biến nước mắm Khúc Phụ thương hiệu Bà Hoan là “mũi nhọn”.

Xác định “đi chậm mà chắc”, với bản lĩnh, sự quyết đoán của người trẻ, anh Các không tiếc thời gian, tiền bạc, công sức dành cho những chuyến đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi nghề tại một số địa phương có nghề sản xuất, chế biến nước mắm truyền thống phát triển tốt. Qua những chuyến đi đó, anh nhận thức sâu sắc: “Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, trước tiên mình phải mạnh dạn thay đổi, ngay từ trong phương thức sản xuất. Làm sao, mình vừa giữ được hương vị nước mắm truyền thống Khúc Phụ nhưng năng suất, chất lượng ngày càng cao hơn”. Nghĩ là làm, năm 2018, anh Các nhập 8 thùng gỗ bời lời về sử dụng, thay thế cho các thùng phuy, thùng nhựa, bể xi măng thường được dùng trong khâu ủ chượp và tiến hành muối mắm theo công thức riêng của gia đình kết hợp với kinh nghiệm truyền thống. Anh Các cho biết: “Mặc dù chi phí đầu tư mua các thùng gỗ bời lời rất cao (khoảng 60 triệu đồng/ thùng) nhưng khi ủ chượp trong các thùng bời lời sẽ cho ra sản phẩm nước mắm có màu vàng hổ phách, vị thanh dịu, ít nặng mùi hơn so với nước mắm được sản xuất, chế biến thông thường”. Do đó, thị trường ưa chuộng, tin dùng; khách hàng phản hồi tốt, nhiệt tình ủng hộ.

Năm 2020, anh Các đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, chế biến nước mắm tại thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ với tổng diện tích khoảng hơn 2.000m2, chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Cùng với đó, anh mở rộng quy mô sản xuất, nhập thêm 22 thùng gỗ bời lời phục vụ nhu cầu ủ chượp. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, anh Các chú trọng hoàn thiện quy cách sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác. Đồng thời, anh tích cực đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm qua các kênh: Website, Fanpage, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Nhờ đó, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nước mắm Khúc Phụ của công ty không ngừng được tăng lên. Công ty của anh Các hiện tạo việc làm cho 14 lao động có thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Với những kết quả đó, nước mắm Khúc Phụ thương hiệu Bà Hoan đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Với tổng dân số khoảng 11.300 người/ 2.700 hộ, hiện nay, xã Hoằng Phụ có hơn 200 hộ tham gia sản xuất, chế biến nước mắm Khúc Phụ. Nếu thời điểm trước năm 2015, sản lượng tiêu thụ nước mắm Khúc Phụ chỉ đạt 40 - 50 nghìn lít thì đến năm 2020, đã đạt hơn 650 nghìn lít. Cùng với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, quy mô nghề lớn hơn mà thị trường không ngừng được mở rộng, vươn xa. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Giờ đây, nước mắm Khúc Phụ không phải nhọc nhằn, vất vả trên những ngả đường mưu sinh mà được “săn đón” ngay tại xưởng sản xuất với “ngoại hình” bắt mắt, lịch sự, có nhãn mác định vị thương hiệu... Không chỉ giới hạn trong và ngoài tỉnh, sản phẩm nước mắm Khúc Phụ đã xuất hiện trên kệ hàng tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm cho mẹ và bé, siêu thị... Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, thương hiệu nước mắm Khúc Phụ thực sự vươn xa với một số sản phẩm tiêu biểu như nước mắm Khúc Phụ thương hiệu Bà Hoan, đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh; nước mắm Lê Gia, mắm tôm Lê Gia, mắm tép Lê Gia đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, trong đó nước mắm Lê Gia và mắm tôm Lê Gia đang được tỉnh đề nghị công nhận đạt OCOP quốc gia. Từ đó, nghề chế biến nước mắm Khúc Phụ thực sự đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Người dân yên tâm, phấn khởi, mạnh dạn đầu tư phát triển nghề. Tuy nhiên, để giữ gìn và phát triển thương hiệu nước mắm Khúc Phụ ngày càng lan tỏa, bay cao, vang xa, huyện Hoằng Hóa và chính quyền địa phương cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách. Các hộ chế biến, người dân tự nhận thức, trách nhiệm trong vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp tục mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp quy trình chế biến, sản xuất, hoàn thiện bao bì, nhãn mác... nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã, từ đó thúc đẩy uy tín, giá trị kinh tế và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]