(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong khi nhiều làng nghề truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mai một do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, nghề rèn Tất Tác, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) vẫn đứng vững, đem lại thu nhập cao cho người làm nghề.

Trăm năm đỏ lửa làng rèn

Trong khi nhiều làng nghề truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mai một do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, nghề rèn Tất Tác, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) vẫn đứng vững, đem lại thu nhập cao cho người làm nghề.

Trăm năm đỏ lửa làng rènÔng Nguyễn Xuân Dũng, chủ cơ sở rèn Trung Dũng.

Giữ lửa làng nghề

Làng rèn Tất Tác, xã Tiến Lộc là tên gọi chung của 3 làng: Làng Ngọ, làng Bùi và làng Sơn. Theo các cụ cao niên trong làng thì nghề rèn không biết có tự bao giờ nhưng người thợ rèn Tất Tác xưa đã bằng đôi tay của mình làm ra những sản phẩm có chất lượng không nơi nào sánh kịp. Không chỉ rèn các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống sinh hoạt như: cuốc, cào, liềm, cày, bừa, dao, kéo..., thợ rèn Tất Tác còn rèn các loại vũ khí: gươm, kiếm, dao, mã tấu… đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Ngày nay, trải qua bao biến cố thăng trầm nhưng nghề rèn vẫn đứng vững. Sản phẩm làng nghề không những có mặt hầu khắp các địa phương trên địa bàn cả nước mà còn vươn xa, sang nước bạn Lào, Campuchia…

Để làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh, thợ rèn Tất Tác phải trải qua nhiều công đoạn. Trong từng công đoạn đòi hỏi người thợ ngoài kinh nghiệm, tay nghề, còn có bí quyết để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và không lẫn với bất cứ làng nghề rèn nào.

Trăm năm đỏ lửa làng rènÔng Lê Văn Thiết, có thu nhập cao nhờ vào nghề rèn truyền thống.

Đến thăm cơ sở sản xuất của ông Lê Văn Thiết tại cụm làng nghề của xã, anh cho biết: “Tôi quyết định chọn nghề rèn để lập thân dù biết đây là nghề vất vả nhưng đổi lại cho thu nhập cao và ổn định. Hơn nữa, đây là nghề truyền thống cha ông nên không chỉ có tôi mà các thế hệ con cháu trong làng đều phải có trách nhiệm gìn giữ, duy trì và phát triển”. Bằng kinh nghiệm của người có thâm niên gần 40 năm làm nghề rèn, theo ông Thiết: Cái khó nhất và là bí quyết của người thợ là chỉ cần nhìn qua độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa, biết vừa hay chưa. Chỉ cần non, già một chút là sản phẩm không tốt. Cái khó nữa là ở mỗi loại thép lại có độ hồng khác nhau, người thợ xác định như thế nào là vừa, đòi hỏi phải có con mắt tinh tường, hay nói cách khác có năng khiếu về nghề nghiệp. Bí quyết thứ 2 là nước để tôi. Tôi già hay non một chút sẽ cho ra sản phẩm không tốt. Tôi như thế nào cho vừa là con mắt của người thợ. Do nghề này là nghề cha truyền con nối, những tinh hoa của nghề được lớp trước truyền lại cho lớp sau. Để rồi, trên cái nền ấy, lớp hậu duệ sau này phát huy, phát triển ra nhiều sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy cơ sở của ông Thiết chuyên sản xuất các mặt hàng như dao, kéo…, song để bắt nhịp với xu thế hội nhập, ngoài năng động tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, ông còn đầu tư mua sắm các thiết bị máy móc hiện đại như máy chặt tôn, máy đột dập… thay cho sức người, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho gia đình và người lao động. Bên cạnh sản xuất ra các sản phẩm như dao, kéo, ông còn mở đại lý thu gom các sản phẩm của bà con để cung cấp cho thị trường các nước như Lào, Campuchia...

Cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Xuân Dũng chuyên sản xuất bánh lồng máy cày tay cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Trước đây, cơ sở của ông chuyên sản xuất các mặt hàng như bản lề cửa, mặt sàng cho máy xát, máy nghiền, nhưng từ năm 1994 đến nay, ông chuyển sang làm bánh lồng máy cày tay Trung Quốc. Khách hàng sử dụng sản phẩm của ông chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và phía Bắc như: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên... và vươn ra có mặt ở cả thị trường Lào. Gần 50 năm làm nghề, trong đó có 20 năm sản xuất mặt hàng bánh lồng cày bừa với thương hiệu Trung Dũng, sản phẩm của ông được khách hàng trong, ngoài nước đánh giá cao. Ông Dũng bật mí, năm 2020 anh đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm máy tiện cán dao tự động. Máy tiện này mỗi ngày 1 người làm được 1.000 sản phẩm thay vì 200 sản phẩm như cách làm thủ công trước đây. Máy này đang được dùng để sản xuất cán dao cung cấp cho cơ sở làm dao Phương Thiết nằm trong cụm làng nghề.

Giàu lên từ nghề

Nói về hiệu quả của nghề rèn, ông Hoàng Trọng Dần, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, cho biết: Ngoài giải quyết việc làm cho khoảng 60% trong tổng số gần 10 nghìn dân trên địa bàn xã, nghề rèn đã đưa tổng giá trị thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đạt hơn 421 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 91,4% cơ cấu kinh tế của xã. Nghề rèn, không chỉ giúp cho nhiều hộ gia đình có cuộc sống khá giả mà còn đưa mức thu nhập bình quân toàn xã lên 50,6 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 1,4%.

Là một trong số những hộ có kinh tế khá giả nhờ nghề rèn, ông Lê Văn Thiết trải lòng: Làm nghề rèn vất vả, lại đối diện với ô nhiễm môi trường và tiếng ồn nhưng ông cũng như người dân Tiến Lộc vẫn chọn nghề này làm kế sinh nhai. Bởi nếu so với nhiều nghề khác như nghề nông, nghề rèn vẫn là nghề cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Một người thợ rèn, mỗi ngày có thể thu nhập khoảng 500.000 đồng. Với chủ thợ, ngày công lên tới 800.000 - 1.500.000 đồng. Trong khi đó, nếu làm nghề nông thu nhập mỗi tháng không nổi vài trăm nghìn đồng. Thu nhập cao, lại không mất tiền đào tạo nên xu hướng của người dân Tiến Lộc và lớp trẻ hiện nay sẵn sàng chọn nghề rèn để lập thân. Cũng theo ông Thiết, nhờ phát triển nghề rèn, cuộc sống gia đình ông đã có bát ăn, bát để. Tuy nhiên, điều mà ông Thiết cũng như nhiều người làm nghề trong làng trăn trở là sản phẩm rèn dù đã nổi tiếng ở trong và ngoài nước nhưng chưa có một doanh nghiệp hay đơn vị nào đứng ra làm khâu trung gian tiêu thụ sản phẩm. Chính những hạn chế này mà ngoài phát triển nghề ngay tại địa phương, người dân Tiến Lộc đã phải đi khắp nơi để vừa làm nghề, vừa giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm.

Đến nay, nhiều sản phẩm của làng rèn đã phải thay đổi mẫu mã để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Nhưng, trong cái nền của giá trị truyền thống ấy, người dân Tiến Lộc đang nỗ lực từng ngày để giữ gìn nghề cho chính mình và cho làng.

Bài và ảnh: Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]