Xây dựng và phát triển thương hiệu vịt Cổ Lũng
Những năm qua, chính quyền các xã Cổ Lũng, Pù Luông đã nỗ lực phục hồi và phát triển giống vịt Cổ Lũng. Đến nay, nhiều hộ dân ở đây đã mở rộng quy mô chăn nuôi vịt Cổ Lũng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Anh Hà Văn Sinh, Giám đốc HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng chăm sóc đàn vịt.
Xã Cổ Lũng được bao bọc bởi dãy Nậm Bá, Nậm Mười, Pha Lé, Pù Luông trùng điệp. Vùng đất này nằm ở độ cao 800m so với mặt nước biển nên khí hậu quanh năm mát mẻ. Dòng suối Nủa chảy qua địa bàn xã Cổ Lũng là môi trường lý tưởng của các loại gia cầm sinh sống. Trang trại của gia đình anh Hà Văn Sinh, Giám đốc HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng nằm ven suối Nủa thuộc thôn La Ca. Dưới tán cây rừng, anh xây những chuồng nuôi kiên cố, chia thành các ô lớn nhỏ để nuôi vịt thịt, vịt đẻ trứng, vịt giống...
Với trăn trở làm sao để phát triển giống vịt Cổ Lũng, anh Sinh đã đi khắp nơi tìm những con vịt bố mẹ chính hiệu về gây giống. Năm 2016, Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt” được triển khai trên địa bàn các xã thuộc huyện Bá Thước cũ. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đàn vịt của gia đình anh cứ thế tăng dần lên, từ vài chục đến hàng nghìn con. Anh Sinh cho biết: "Vịt Cổ Lũng vốn là vật nuôi bản địa nên không cần thời gian thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng. Đặc biệt, nguồn nước của dòng suối Nủa chảy quanh năm trong vắt, nhiều thức ăn nên vịt chóng lớn, thịt thơm ngon. Ngoài việc tiêm phòng đầy đủ, thì vịt thả trên dòng suối này gần như không có dịch bệnh gì đáng kể”.
Vịt thương phẩm được anh Sinh thả ra suối từ 9 giờ sáng và theo thói quen cứ 16 giờ chiều đến giờ cho ăn là vịt tự về. Thời gian nuôi trên 5 tháng mới có thể xuất bán, trung bình mỗi con nặng từ 1,9 đến 2,2kg. Vịt Cổ Lũng có giá bán cao hơn so với các loại vịt khác. Ngoài nuôi vịt thương phẩm, năm 2024, anh đầu tư mua máy ấp trứng, chủ động cung ứng con giống cho gia đình và phục vụ bà con trong xã. Nguồn thu từ bán vịt giống và vịt thương phẩm đem lại thu nhập cho gia đình anh từ 250 đến 300 triệu đồng/năm.
Để khuyến khích bà con địa phương nuôi vịt Cổ Lũng, năm 2017, anh Sinh thành lập HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng với 12 thành viên. Các thành viên trong HTX được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng giống, thức ăn đảm bảo chất lượng, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm theo giá được thỏa thuận. Đây thực sự là phương cách giúp nhiều hộ gia đình có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Năm 2018, HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng được cấp chứng chỉ VietGAP. Năm 2021, sản phẩm vịt Cổ Lũng của HTX được chứng nhận OCOP 3 sao.
Trang trại nuôi vịt Cổ Lũng của gia đình anh Hà Văn Sinh.
Học theo anh Sinh, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tham gia nuôi vịt Cổ Lũng. Đơn cử như ở thôn Lọng, Công ty TNHH Chăn nuôi vịt Cổ Lũng đang liên kết với 40 hộ dân phát triển giống vịt đặc sản này. Năm 2023, công ty đã xây dựng thành công vịt Cổ Lũng Tuấn Anh thành sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi vịt Cổ Lũng cho biết: “Mỗi năm, công ty cung cấp ra thị trường hàng chục ngàn con vịt thương phẩm. Ngoài ra, công ty còn đầu tư 3 lò ấp trứng để cung cấp giống cho bà con”.
Tháng 11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ đã cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vịt Cổ Lũng. Khu vực địa lý gồm các xã Pù Luông, Cổ Lũng. Điều này đã góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, tạo động lực để bà con đưa thương hiệu ngày một lan xa.
Vịt Cổ Lũng thường được chăn thả tự nhiên, phù hợp với khí hậu của các xã miền núi phía Tây của tỉnh. Do đó, hiện nay vịt Cổ Lũng không chỉ được chăn nuôi ở các xã Cổ Lũng, Pù Luông, mà còn được xã khác như Quan Sơn, Quan Hóa, Thạch Thành... nhân đàn và xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-07-11 17:05:00
Cây mắc ca trên vùng đồi Thượng Ninh
-
2025-07-02 14:29:00
Búp bê Labubu - từ quái vật vô danh thành "cỗ máy in tiền”
-
2025-06-28 20:01:00
Nâng tầm sản phẩm địa phương thành thương hiệu quốc gia
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng tầm sản phẩm OCOP
Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ
Phát triển hợp tác xã đa ngành, đa dịch vụ
Cô gái gen Z đưa nem chua xứ Thanh “lên sóng”
Trưởng Dự án Net Zero Vinamilk: Kết hợp sản xuất, năng lượng và công nghệ để “chuyển đổi xanh”