Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị đình làng ở Hậu Lộc
Bảo tồn, phát huy giá trị đình làng được xác định vừa là trách nhiệm, vừa là giải pháp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân địa trên địa bàn huyện Hậu Lộc, nhằm góp phần xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Đình làng ở huyện Hậu Lộc được xây dựng rất sớm. Trong thời kỳ quân chủ, hầu hết mỗi làng, xã trên vùng đất Hậu Lộc đều có một ngôi đình để thờ thần Thành Hoàng làng và hội họp, sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên do biến cố thời gian và lịch sử, đến nay, ở Hậu Lộc chỉ còn 20 đình làng, điển hình như: đình Phú Điền, đình Phong Mục, đình Phú Vinh, đình làng Khánh Vượng, đình Miễu Nhị, đình làng Vưng, đình làng Đông Thượng, đình làng Phúc, đình làng Cầu Thôn....
Trong những năm qua, Đề án số 22/ĐA-UBND ngày 21/12/2007 của UBND huyện Hậu Lộc về quản lý và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện đã tạo hành lang pháp lý trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đình làng ở Hậu Lộc.
Theo đó, công tác kiểm kê được tiến hành đồng bộ ở tất cả các đình làng. Công tác thanh tra đình làng được chú trọng, tập trung vào công tác quản lý đất đai, quản lý lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo... Hầu hết hành vi vi phạm pháp luật về di sản văn hóa đã được ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền.
Công tác đầu tư cho trùng tu, tôn tạo đình làng được quan tâm bằng nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách của huyện, xã bố trí và nguồn xã hội hóa. Đến nay, đã có 6 đình làng trên địa bàn huyện được trùng tu, tôn tạo, thoát khỏi tình trạng xuống cấp, như đình Phúc Điền, đình Miễu Nhị, đình Hát, đình Công Đức, đình Thuần Nhất, đình làng Sơn.
Với những sự nỗ lực, cố gắng của huyện trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá đình làng, trong tổng số 20 ngôi đình hiện có của huyện, đình làng Phú Điền đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 4 đình làng xếp hạng cấp tỉnh là đình Phong Mục, đình Phú Vinh, đình làng Khánh Vượng, đình Miễu Nhị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị dình làng trên địa bàn huyện Hậu Lộc vẫn còn những hạn chế. Nhiều đình làng xuống cấp, cá biệt, có đình xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được tu bổ, sửa chữa. Một số đình làng được tu bổ nhưng không đồng bộ, còn chắp vá, việc trùng tu, tôn tạo không thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật không đảm bảo, yếu tố nguyên gốc của đình làng ít được coi trọng.
Công tác nghiên cứu đình làng ở Hậu Lộc chưa toàn diện, kỹ lưỡng nên chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn hóa thông tin di tích. Nhiều thông tin quan trọng của đình làng mới nghiên cứu ở mức sơ bộ, thậm chí còn bỏ ngỏ, như: thần thành hoàng làng, quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo đình làng gắn với sự phát triển của làng xã, những giá trị lịch sử, văn hóa của đình làng trong mối liên hệ với lịch sử, văn hóa của cộng đồng cư dân... Đặc biệt là các thông tin miêu tả di tích từ vật liệu, số gian, kiểu cột, chiều cao, kích thước, kết cấu mái, niên đại, đặc trưng kiến trúc, giá trị nổi bật còn sai lệch... dẫn đến tình trạng nhiều giá trị văn hóa đình làng bị biến dạng và thậm chí bị mai một, thất truyền...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là do công chức văn hóa từ huyện đến cơ sở cơ sở đa phần không được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ bảo tồn di tích nên việc tham mưu cho chính quyền trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị đình làng còn hạn chế. Công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chưa thật sự đồng bộ và thường xuyên. Nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác triển khai các văn bản của trung ương, của tỉnh, của huyện. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa được chú trọng. Ngân sách nhà nước dành cho công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp đình làng còn thấp, quá trình kêu gọi xã hội hóa còn khó khăn. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sự ra đời của các thiết chế văn hoá hiện đại, sự đa dạng hoá của các loại hình giải trí từ công nghệ cao, dẫn đến vị thế của đình làng không còn như trước.
Từ thực trạng nêu trên, trong thời gian tới, để nâng hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng trên địa bàn huyện Hậu Lộc, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đình làng. Ðặc biệt, ngành văn hóa cần chủ động, tích cực trong việc tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị đình làng trên địa bàn. Phối hợp, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị của di tích văn hoá.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên về giá trị, ý nghĩa của đình làng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ di tích. Tiếp tục tuyên truyền Luật Di sản văn hoá và các quy định pháp luật liên quan cho chính quyền và Nhân dân địa phương, Ban quản lý các di tích, những người trực tiếp trông coi di tích.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích ở cấp huyện và cấp xã. Cung cấp đầy đủ và kịp thời các tài liệu hướng dẫn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích để cán bộ văn hóa văn hóa cơ sở được tiếp cận, nghiên cứu vận dụng phù hợp với địa phương.
Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau đặc biệt là kinh phí từ xã hội hóa, huy động nguồn lực từ Nhân dân cũng như việc gây quỹ và tìm các nguồn tài trợ khác nhằm đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của đình làng.
Thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ đình làng thông qua việc tôn trọng tuyệt đối tính nguyên gốc về kiểu dáng, phong cách, vật liệu xây dựng, về kỹ thuật, độ tinh xảo trong chế tác hoặc thi công... Tuân thủ các nguyên tắc khoa học về tu bổ, tôn tạo di tích được quy định chi tiết trong Nghị định 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hoá - danh lam Thắng cảnh; Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ VH,TT&DL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Gắn đình làng với việc phát triển kinh tế, xã hội thông qua phối hợp với các trung tâm lữ hành, công ty du lịch để đưa đình làng vào các tour du lịch, đặc biệt, lựa chọn đình Phú Điền là điểm du lịch về đình làng tiêu biểu nhất vì tính độc đáo và sức hấp dẫn liên quan đến anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc độc đáo. Đối với các đình làng khác cần khai thác để tạo dựng một đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho cộng đồng cư dân, tạo nền tảng để phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là tăng cường các hoạt động phát huy giá trị di tích thông qua lễ hội và các hoạt động văn hoá tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích. Lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã, thị trấn theo hướng bền vững, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Đình làng là một bộ phận quan trọng và quý giá trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Việc bảo tồn và phát huy giá trị đình làng thể hiện sự vun đắp, biết ơn những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là cội nguồn, đồng thời là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do vậy, thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị đình làng chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng, góp phần xây dựng huyện Hậu Lộc Tỉnh Thanh Hoá ngày càng giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc.
Th.s Nguyễn Thị Vân
Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hậu Lộc (2000), Lịch sử Đảng bộ huyện Hậu Lộc tập 1(1940 -1975), Nxb Thanh Hóa.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hậu Lộc (2005), Lịch sử Đảng bộ huyện Hậu Lộc tập 2(1975 -2010), Nxb Thanh Hóa.
Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh Hóa (2016), Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 290-QĐ/TU ngày 27/5/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XVIII
Đảng bộ huyện Hậu Lộc (2015), Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hậu Lộc khóa XXV tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26 (nhiệm kỳ 2015 -2020)
Uỷ ban Nhân dân Huyện Hậu Lộc, Báo cáo công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn từ ngày 1/1/2017 đến 30/7/2023
- 2024-10-10 15:21:00
Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức triển lãm Tem quy mô quốc tế
- 2024-10-10 14:02:00
70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
- 2024-08-14 14:57:00
Phong tục cúng Rằm tháng 7 - lễ Vu Lan như thế nào?
Lùi thời gian, Mr World 2024 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11
Hiểu đúng về bản sắc văn hóa
Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
“Phở Nam Định” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cơm quanh rá, mạ quanh bờ
Diễn viên phim truyền hình Kính vạn hoa “họp lớp” trong phiên bản điện ảnh
Đối thoại - Đồng cảm cùng vận nước
Chuyển biến tích cực từ phong trào văn hóa tại xã Hoằng Thành
Phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo gắn với phát triển du lịch Thanh Hóa