“Sắt son” hay “sắc son”?
Có lẽ đa số mọi người sẽ có câu trả lời là “sắt son”. Sắt son hay son sắt chỉ sự thủy chung, một lòng một dạ, không bao giờ đổi thay, không bao giờ phai nhạt. Tuy nhiên, trong thực tế thì nhiều người viết là “sắc son”.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy một loạt tiêu đề bài báo viết là “sắc son” như: Sắc son tình nghĩa tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình (Báo Đại Đoàn Kết - 28/4/2022); Sắc son tình nghĩa giữa hai địa phương của Việt Nam và Lào (Báo Công An Nhân dân - 25/7/2017); Triển lãm ảnh “Sắc son tình nghĩa Việt - Lào” (Báo Sơn La - 28/8/2022)... Hoặc trong nội dung bài viết “Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tổ chức Triển lãm ảnh “Sắc son tình nghĩa Việt - Lào” (Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - 28/8/2022, đăng lại bài của TTXVN).
Cũng viết về triển lãm ảnh ở Sơn La nhưng một số báo lại dùng “sắt son”, ví dụ: Triển lãm ảnh “Sắt son tình nghĩa Việt-Lào” tại Sơn La (Báo Nhân Dân - 30/8/2022); hoặc Sắt son nghĩa tình Việt - Lào (Báo Văn Hóa - 4/4/2025).
Trên một số trang chuyên về ca nhạc cũng xuất hiện từ “sắc son” trong các tiêu đề bài hát, như “Sắc son đợi chờ”, “Sắc son vợ chồng”...
Trên một trang nọ, có độc giả giải thích: “Sắc son hay son sắc có nghĩa là một lòng một dạ. Chứ không phải “sắt” nghĩa là cứng rắn. Từ này là từ thiên về tình cảm, không cân đo đong đếm được. Chứ không phải là “sắt” nghe rất thô”.
Vậy, “sắt son” hay là “sắc son”? Lẽ dĩ nhiên phải là “sắt son” mới đúng.
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex), mục “sắt son” chú dẫn xem “son sắt”. Mục “son sắt” giảng: “thủy chung, không bao giờ đổi thay, không bao giờ phai nhạt [tựa như lúc nào cũng đỏ như son, rắn như sắt]”, và lấy ví dụ: “lời thề son sắt ~ tấm lòng thủy chung, son sắt ~ “Cho dầu phận có long đong, Nhưng tình son sắt thì lòng vẫn vui (Ca dao)”.
Quả vậy. Chữ “sắt” trong sắt son/son sắt chính là sắt trong sắt thép. Xét nghĩa gốc Hán, thiết 鐵 (sắt) được dùng để ví với sự kiên cường cứng cỏi [tỉ dụ kiên cường cương kính - 比喻堅強剛勁], hình dung sự kiên định, không đổi [hình dung xác định bất di - 形容確定不移] (trích Hán ngữ đại từ điển).
Nhân đây cũng cần nói thêm về chữ son trong sắt son/son sắt.
Chữ son do chữ xích 赤 hay chữ đan 丹. Hai chữ này ngoài nghĩa là màu đỏ, màu son còn có nghĩa là trung thành, một lòng một dạ. Ví như hai chữ lòng son vốn từ chữ đan tâm 丹心 (Nhất phiến đan tâm 一片丹心 = Một tấm lòng son), hay xích tâm 赤心 = lòng son, một lòng một dạ.
Rộng hơn, một số danh xưng trong tiếng Hán có ảnh hưởng đến tiếng Việt (Tự vệ Đỏ, Công hội Đỏ,...) như xích vệ 赤衛, hay xích vệ đội 赤衛隊, xích vệ quân 赤衛軍, thì chữ xích 赤 (đỏ) ở đây cũng nhằm chỉ sự trung thành của lực lượng vũ trang cách mạng. Đối nghịch với xích vệ là bạch quân 白軍 - lực lượng phản cách mạng.
Như vậy, để chỉ sự thủy chung, một lòng một dạ thì phải viết là sắt son/son sắt mới đúng. Còn trong thực tế cũng có “sắc son”, nhưng đây không phải là một từ, mà là tổ hợp từ, chỉ màu sắc của thỏi son hoặc màu sắc rực rỡ của trang phục, của ánh đèn sân khấu, kiểu như tiêu đề bài viết “Đêm “Sắc-Son” đầy ấn tượng” trên Báo Nhân Dân viết về một Lễ hội Áo dài nọ mà thôi.
Lý Thủy (CTV)
{name} - {time}
-
2025-04-08 14:58:00
“Địa đạo” sẽ là phim chiến tranh Việt Nam đầu tiên vượt doanh thu 100 tỷ đồng?
-
2025-04-08 08:37:00
Tàu du lịch phải trả lại tiền cho khách do cung cấp dịch vụ không đúng cam kết
-
2025-04-07 10:22:00
Thủ tướng ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa
“Sẽ có biện pháp hạn chế hoạt động của người nổi tiếng khi quảng cáo sai”
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025: Âm vang đêm nghệ thuật “Về miền lễ hội"
Tại sao tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 Âm lịch?
Bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Hai ấn phẩm đặc biệt về thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Tỉnh thức... giữa đời
Sông Mã - Hàm Rồng: “Máu và hoa” (Bài 2): Những ngày khói lửa...
Sông Mã - Hàm Rồng: “Máu và hoa” (Bài 3): Mảnh đất “Nở hoa”
Về câu “rau bợ là vợ canh cua”