(vhds.baothanhhoa.vn) - Bão đi qua để lại những đổ nát, hoang tàn. Lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt “của đau con xót” khi chứng kiến tài sản bị bão lũ cuốn trôi, mỗi người lại dặn lòng phải mạnh mẽ vượt qua sự mất mát gây ra bởi thiên tai, tiếp tục sống, tiếp tục hi vọng.

Sau cơn bão dữ

Bão đi qua để lại những đổ nát, hoang tàn. Lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt “của đau con xót” khi chứng kiến tài sản bị bão lũ cuốn trôi, mỗi người lại dặn lòng phải mạnh mẽ vượt qua sự mất mát gây ra bởi thiên tai, tiếp tục sống, tiếp tục hi vọng.

Sau cơn bão dữ

Người dân ở Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề do bão Yagi (Nguồn ảnh: báo Tuổi trẻ)

Trước ngày bão đổ, nghe dự báo thời tiết về mức độ nguy hiểm của cơn bão, mẹ tôi đứng ngồi không yên. Gần 5 sào ruộng đã bắt đầu vàng trứng cá, chỉ mươi ngày nữa thôi là có thể thu hoạch. Nếu bão vào, gió lớn, mưa to... đám lúa lại đổ rạp mất. Vậy nên, mới sáng ra, bão chừng đã tan, mưa cũng vừa ngớt, bà vội vã đạp xe ra đồng xem tình hình đám lúa thế nào. Trở về nhà, mẹ thở dài não nề, nói đám lúa nhà mình đổ đến hơn hai phần, đang ngập cả trong nước. Mấy ngày tới, nếu nước rút nhanh thì đám lúa còn có cơ hội vớt vát ít nhiều, còn cứ ngâm nước lâu chắc là đến hỏng, vụ mùa này xem như thất bát.

Thấy mẹ buồn bã, bố động viên: Nhiều nhà trong làng cũng vậy, đâu phải riêng nhà mình mà bà buồn quá. Vả lại, cả đời làm nông dân, đây đâu phải lần đầu mất mùa vì thiên tai đâu, thôi thì còn người... còn của!

Như chợt nhớ ra điều gì, mẹ gọi cho dì tôi ngoài Hải Dương hỏi thăm tình hình bão lũ. Đầu bên kia, dì cũng không giấu được sự... đau xót tiếc của. Mấy hécta chuối nhà dì cả năm chăm sóc, đã trổ buồng, cho trái, chỉ vài tháng nữa thôi là thu hoạch, nhưng do gió bão đã gãy đổ gần hết. Thêm ao cá cũng chẳng còn mấy con. Tài sản bị mất ước tính cũng đến hơn trăm triệu. Xem như công sức cả năm mất trắng.

Nghe dì nói vậy, mẹ tôi chảy nước mắt thương em. Nhà tôi dẫu sao cũng chỉ có dăm sào ruộng, nhiều lắm thiệt hại cũng chỉ mươi triệu đồng, tiếc là tiếc vậy, nhưng chí ít nếu mất mùa thì vẫn còn có nghề phụ, xem như đủ tiền mua rau cá. Còn gia đình chú dì ngoài đó, cả năm chỉ trông chờ vào trang trại trồng chuối và ao cá vẫn thường thu hoạch dịp cuối năm, bây giờ mất trắng như vậy, không biết chú dì sẽ xoay xở ra sao. Còn bao nhiêu khoản lo cho các em ăn học nữa... Rồi mẹ tôi cũng chỉ biết nén tiếng thở dài, lại động viên dì cố gắng, dẫu sao thì còn người... còn của.

Sau cuộc điện thoại với dì, mẹ nói với bố về ý định gửi ra cho chú dì số tiền dành dụm thời gian qua, bảo để gia đình chú dì lấy tiền ấy trang trải trước mắt. Nghe mẹ nói vậy, bố đồng ý ngay.

***

Trong bữa cơm trưa ngày bão đổ, vừa ăn cơm vừa theo dõi ti vi đưa tin về tình hình thiệt hại của người dân các tỉnh, thành bị ảnh hưởng trực tiếp do mưa bão, lòng mỗi người không khỏi trào dâng nỗi niềm xót xa. Những con người bị mất người thân, mất tài sản, ánh mắt thẫn thờ sau cơn bão... Quá đau xót, ám ảnh. Vậy mới biết, trước sự cuồng nộ của thiên nhiên, sinh mệnh con người và cả tài sản những tưởng cả đời tích góp đều thực sự quá nhỏ bé.

Những thiệt hại, mất mát do bão lũ gây ra rồi sẽ từng bước được khắc phục, như cách ông cha ta ngàn vạn năm qua vẫn kiên cường trước cuộc sống nhiều giông bão. Như ai đó vẫn thường nói, cuộc sống này, suy cho cùng còn thở là còn hi vọng! Những hi vọng được thắp lên từ hoang tàn, đổ nát.

Người Việt lại sẽ đoàn kết, tương hỗ để cùng nhau vượt qua khó khăn, mất mát. Tinh thần ấy đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, khi cần lại được phát huy.

KHÁNH LỘC


KHÁNH LỘC

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]