(vhds.baothanhhoa.vn) - Chủ nhà Campuchia đưa vào chương trình thi đấu một số môn mới, lần đầu xuất hiện tại SEA Games như cờ ốc, Kun Khmer, Kun Bokator hay Jet ski.

Những môn thể thao “độc lạ” tại SEA Games 32

Chủ nhà Campuchia đưa vào chương trình thi đấu một số môn mới, lần đầu xuất hiện tại SEA Games như cờ ốc, Kun Khmer, Kun Bokator hay Jet ski.

Cờ ốc

Những môn thể thao “độc lạ” tại SEA Games 32

Thứ tự xếp quân cờ ốc

Cờ ốc (Ouk Chaktrang) là một trò chơi rất phổ biến tại Campuchia, có nhiều điểm tương đồng với cờ vua. Cờ ốc cũng sử dụng bàn cờ gồm 64 ô, mỗi người chơi nắm trong tay 16 quân cờ, gồm một vua, một hậu, hai tượng, hai mã, hai xe và 8 tốt. Tuy nhiên, cờ ốc khác cờ vua ở cách sắp xếp quân và cách đi của từng quân.

8 quân cờ đứng hàng dưới cùng gồm xe, tượng, mã, hậu, vua vẫn có thứ tự như cờ vua. Trong khi đó, 8 quân tốt xếp trên, cách một hàng, thay vì sát hàng dưới như trong cờ vua.

Về cách di chuyển, quân vua trong cờ ốc vẫn đi như ở cờ vua, nhưng nước đầu được đi giống quân mã. Hậu được đi thẳng và chéo nhưng chỉ được di chuyển một ô, nước đầu được đi về phía trước hai ô. Tượng cũng chỉ được di chuyển đường chéo một ô. Các quân mã, xe, tốt vẫn đi giống cờ vua. Tốt sẽ được phong ở hàng số 6.

Do hạn chế sự hoạt động của quân hậu và tượng nên cờ ốc được đánh giá là biến hóa chậm. Vì thế, môn này các ván đấu có thể dài lê thê và thường xuất hiện kết quả hòa nhiều hơn.

Tuyển cờ ốc Việt Nam tham dự cờ ốc SEA Games 32 được lấy từ nhóm các kỳ thủ của tuyển cờ vua như Tôn Nữ Hồng Ân, Phạm Thanh Phương Thảo, Đoàn Thị Hồng Nhung, Vũ Thị Diệu Uyên (nữ), Phan Trọng Bình, Nguyễn Quang Trung, Hoàng Nam Thắng, Dương Thế Anh, Trần Quốc Dũng, Võ Thành Ninh, Bảo Khoa (nam).

Kun Khmer

Những môn thể thao “độc lạ” tại SEA Games 32

Kun Khmer có nhiều nét tương đồng với muay Thái. Ảnh: The Express Tribute

Theo tiếng Campuchia, Kun là võ, Khmer là người Khmer. Vì vậy, tên gọi Kun Khmer hiểu đơn giản là “võ thuật của người Khmer”. Tuy nhiên, trước khi SEA Games 32 diễn ra, có nhiều tranh cãi xảy ra giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh môn võ này khi cả hai đều nhận nó có nguồn gốc từ nước mình. Kun Khmer có nhiều nét tương đồng với muay Thái ở các đòn đấm, đá, chỏ, gối, kỹ thuật ôm khóa.

Tranh cãi liên quan tới Kun Khmer bắt nguồn từ sự thống trị của Đế quốc Khmer trong quá khứ ở một vùng rộng lớn kéo dài từ lãnh thổ Thái Lan, Campuchia và Nam Lào. Các quốc gia như Thái Lan và Lào ngày nay chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Khmer cổ. Người Khmer khẳng định các môn võ thuật đối kháng hiện nay ở khu vực bán đảo Đông Nam Á đều có nguồn gốc từ Kun Khmer nhưng Thái Lan cho rằng môn võ này chỉ là cách gọi khác của muay - do người Thái tạo ra.

Thái Lan ban đầu phản ứng dữ dội khi Campuchia quyết định loại bỏ muay để đưa Kun Khmer vào chương trình thi đấu SEA Games 32. Sau một thời gian thảo luận, Thái Lan nhượng bộ, không cản trở quá trình tổ chức môn Kun Khmer tại SEA Games 32 để tránh các tranh chấp quốc tế nhưng họ không cử võ sĩ tham dự môn này.

Tuyển Kun Khmer Việt Nam có 4 vận động viên tham dự tại SEA Games 32. “Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất là HLV trưởng đội tuyển.

Kun Bokator

Những môn thể thao “độc lạ” tại SEA Games 32

Môn Kun Bokator có một số điểm giống với võ cổ truyền của Việt Nam.

Kun Bokator cũng là một môn thi đấu đối kháng truyền thống của Campuchia xuất hiện ở kỳ SEA Games lần này. Môn võ này có luật thi đấu riêng, không giống bất kỳ môn nào từng xuất hiện tại SEA Games.

Khi lên sàn đấu, VĐV Bokator đeo găng hở ngón tương tự găng võ thuật tự do (MMA), đeo mũ, giáp, bọc ống chân, bọc cùi chỏ. Ngoài ra, các võ sĩ mặc quần ngắn thi đấu đặc trưng, kèm khố truyền thống của người Campuchia. Một trận đấu của môn Bokator diễn ra trong ba hiệp, mỗi hiệp ba phút, thời gian nghỉ là một phút giữa các hiệp.

Về cách tính điểm, VĐV được công nhận điểm dựa vào 4 cách tấn công: đòn tay, đòn chân, đòn vật và đòn đặc trưng. Đội tuyển Kun Bokator Việt Nam tham dự môn võ này với 9 võ sĩ, là các thành viên nòng cốt của tuyển võ cổ truyền dân tộc.

Jet Ski

Những môn thể thao “độc lạ” tại SEA Games 32

Đua môtô nước là một môn khá phổ biến nhưng lần đầu xuất hiện tại SEA Games. Ảnh: Robb Report

Jet Ski còn được biết đến với tên gọi là đua môtô dưới nước. Dù khá phổ biến, đây là lần đầu tiên môn này được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games. Trong quá khứ, môn này từng xuất hiện ở Asiad 2018 tại Indonesia và Campuchia đã giành được một huy chương vàng.

Hai nội dung thi đấu chính của môn đua môtô nước là runabout (ngồi thi đấu) và stand-up (đứng thi đấu). Các hình thức đua có thể là vòng tròn khép kín, đua tốc độ ngoài khơi, đua sức bền hoặc tự do. Việt Nam không cử VĐV tham dự môn này.

Quang Trung(KT)


Quang Trung(KT)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]