(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi khi mùa xuân đến, đất trời và lòng người rạo rực vui đón xuân sang, cũng là lúc khắp các làng dưới, mường trên của đồng bào Mường Thanh Hóa (Mường Trong) cùng dắt díu nhau vào hội Séc bùa với những lời chúc tốt đẹp cùng âm hưởng của tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã trong ngày xuân tràn đầy sức sống.

Séc bùa - lời chúc tốt đẹp đầu năm mới của người Mường Thanh Hóa

Mỗi khi mùa xuân đến, đất trời và lòng người rạo rực vui đón xuân sang, cũng là lúc khắp các làng dưới, mường trên của đồng bào Mường Thanh Hóa (Mường Trong) cùng dắt díu nhau vào hội Séc bùa với những lời chúc tốt đẹp cùng âm hưởng của tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã trong ngày xuân tràn đầy sức sống.

Séc bùa - lời chúc tốt đẹp đầu năm mới của người Mường Thanh HóaPhường Séc bùa huyện Ngọc Lặc diễn tấu cồng chiêng và hát chúc.

Séc bùa còn gọi là Xắc bùa, Phường bùa (Phường chúc). Theo tiếng Mường: Séc có nghĩa là xách cồng, bùa là vui, là yêu mến, thương yêu, quý trọng. Séc bùa là hình thức diễn xướng tổng hợp, cầu chúc “người yên, vật thịnh” trong dịp Tết Nguyên đán, lễ mừng nhà mới, mừng thọ, đám cưới, các sự kiện lớn... Phường bùa là tập hợp những người xách cồng chiêng đi hát chúc. Diễn tấu trong Séc bùa với nhạc cụ là cồng chiêng, do vậy Séc bùa có thể ra đời vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn gắn với nghề chế tác đồ đồng phát triển rực rỡ thời các Vua Hùng dựng nước.

Séc bùa là một trong những loại hình sân khấu có tính nguyên hợp, trò diễn dân gian mang tính lưu động do các thế hệ người Mường sáng tạo, thực hành và trao truyền từ xưa đến nay và được biểu diễn trong các bản mường vào các dịp lễ và tập trung vào ngày tết, nhằm đáp ứng nhu cầu vui xuân và giao lưu văn hóa trong cộng đồng dân tộc Mường. Séc bùa được diễn xướng tập thể gắn liền với dân ca nghi lễ, kết hợp với các trò vui chơi truyền thống là mỹ tục đẹp, thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị.

Séc bùa - Phường bùa của đồng bào Mường được phân bố rộng rãi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tập trung ở các huyện có đông người Mường sinh sống như: Ngọc Lặc, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Xuân, Như Thanh... và các huyện vùng bán sơn địa, đồng bằng như Hà Trung, Thọ Xuân, Triệu Sơn...

Phường bùa là tập hợp những người sử dụng thành thạo cồng chiêng và hát xường - dân ca Mường hợp lại với nhau. Mỗi phường có một người đứng đầu, gọi là “Cái bùa” có tài sáng tác và hát đối đáp, đẹp người, giọng tốt, làm trưởng nhóm. Phường bùa có từ 15 đến 30 người. Phường đông, nhiều cồng tốt gọi là Phường đại. Đón mùa xuân tới, từ sáng sớm, cả phường tập trung tại nhà Cái bùa để làm thủ tục nghi lễ đầu xuân, khấn cồng chiêng: “Hôm nay ngày này/ Là ngày đầu xuân năm mới/ Phường Bùa chúng con/ Cho chiêng đi nhởn/ Cho cồng đi chúc, đi chơi/ Chúc cho bốn mươi làng bên dưới làm nên/ Chúc cho chín mươi làng bên trên giàu có...” và ăn bữa cơm mừng xuân mới. Nữ giới mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc Mường, tay đeo vòng bạc, đầu đội khăn thêu, cổ đeo kiềng bạc. Nam mặc áo ngắn, quần rộng màu chàm, chít khăn trên đầu. Vào đêm trừ tịch, ngày 30 tháng Chạp, Phường bùa tụ họp tại nhà trưởng phường. Sau phút giây trời đất giao hòa, mừng đón xuân sang, theo việc đã định, Phường bùa nhất loạt tấu lên những hồi chiêng cồng dóng dả... Bính... bong, bính bong... khù... thức làng, thức mường, núi sông, cánh đồng, cây cỏ. Phường bùa xuất phát tới đầu làng, vừa đi vừa trình diễn. Phường bùa đi tới đâu, đông đảo người dân, từ người già đến trẻ nhỏ háo hức kéo nhau ra và hòa với Phường bùa đi đến từng nhà từ làng dưới đến mường trên đem âm thanh náo nức và những lời chúc tốt đẹp nhất đến với mỗi nhà. Bà con trong bản mường còn đốt đuốc nhập vào hội Séc bùa - hát chúc trong đêm giao thừa, đuốc sáng rực khắp các nẻo đường thôn, bản tựa như những vì sao từ mỗi gia đình nhập lại thành một vầng sáng lớn, tựa như hội hoa đăng, hội tụ và tỏa lan của Phường bùa đón mừng năm mới. Bước sang năm mới, Phường bùa tiếp tục trình diễn từ ngày mùng 2 tết đến rằm, hoặc hết cả tháng Giêng.

Séc bùa là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mường, thể hiện lòng tôn kính của cộng đồng đối với thiên nhiên, vũ trụ và mỗi cá nhân trong cộng đồng, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Trình diễn Séc bùa với âm nhạc tự thân là cồng và chiêng. Cồng chiêng là nhạc cụ có trước cả trống đồng, là bảo vật của mỗi gia đình và của cả bản mường, hàm chứa cả giá trị vật chất và tinh thần. Cùng với cồng chiêng, hát chúc do những nghệ nhân dân gian tự sáng tác và tự nguyện tập hợp với nhau thành Phường chúc để phục vụ cộng đồng. Thể loại hát chúc sử dụng dân ca Mường là hát Xường, nên hát chúc còn gọi là Xường chúc - Xường khoát rác, trong khi hát có cồng chiêng điểm nhịp. Âm nhạc cồng chiêng sử dụng trong Séc bùa gồm có: cồng 1 (cồng lệnh), cồng 2 (cồng đôi), cồng 3, cồng 4, cồng 7 (cồng dàn) tấu lên giai điệu nhộn nhịp, tươi vui, reo mừng, phấn khởi... gọi chung là cồng mừng như: mừng năm mới, mừng xuống đồng (khai hạ), mừng được mùa, mừng đám cưới, mừng nhà mới, mừng khách đến nhà...

Biên chế cồng chiêng trong Phường bùa tối thiểu phải có 12 cồng, biên chế thành 2 bộ phận, cồng có chức năng cồng nhịp - cồng choỏc noỏc gồm 3 cồng, là: cồng bong, cồng bếnh, cồng bênh và bộ cồng “khầm” gồm nhiều loại cồng cùng hợp âm, tạo thanh âm trầm hùng.

Ngoài 12 cồng chính, số lượng cồng chiêng tham gia trong mỗi cuộc Séc bùa không hạn chế, song phải đảm đương và tương tác với các cồng chiêng khác diễn tấu các chủ đề khác nhau của cuộc Hát chúc như: diễn tấu cồng chiêng khi đi đường, vào cổng, hát chúc, hòa tấu cồng chiêng dưới chân cầu thang và chào chủ nhà, ra về. Khi đi đường, Cái bùa (người đứng đầu đoàn Séc bùa) cầm đôi cồng bong, bếnh và một người cầm cồng bênh giữ cồng nhịp (cồng choóc noóc) đi trước, diễn tấu các bài như rước đuốc, đùm đi, cà rồng, với nghệ thuật đảo chiêng rặt đùi chiêng ở âm cao nghe rì rầm như tiếng suối xa, đất thở, khi vọng vang như ngựa hí, gươm khua, ánh lửa bập bùng xua màn đêm giá lạnh, khi rầm rập như tiếng quân đi, thác đổ. Tiếp theo là đội cồng khầm (cồng đệm) với âm hưởng trầm hùng của đại ngàn hùng vĩ, thẳm sâu. Khi đến gia đình trong mường, phường bùa đứng thành một hàng ngang, hướng lên cầu thang nhà gia chủ. Lúc này Trưởng phường (cái bùa) đứng giữa đánh cồng choóc noóc và hát xường chúc - Xường Khoát rác.

Tương ứng với tiết tấu âm thanh cồng chiêng, hát chúc có các bài hát nội dung lời chúc là những lời hay ý đẹp ca ngợi, chúc mừng, chào mời theo khuôn mẫu chung khi đi đường thì hát đi đường; khi đến nhà, Phường chúc gióng chiêng ngoài cổng và hát bài mở cổng; vào sân, đến chân cầu thang thì hát xường chúc tết; chào chủ nhà ra về Phường chúc hát chào về và hát đóng cổng nhưng đến nhà nào thì phường phải vận lời vào cảnh nhà ấy mà hát chúc cho phù hợp.

Lời của bài hát “Chúc Tết”, “Chúc mừng năm mới” có khuôn thức chung nhưng đến nhà nào thì Phường chúc phải vận lời vào gia thế nhà ấy mà hát chúc cho phù hợp với nội dung khen ngợi nhà cửa, ruộng vườn, con cái.... của gia chủ.

Khi Phường chúc hát bài đóng cổng, nhà chủ thường tặng cho họ bánh chưng, gạo, rượu hoặc tiền mừng tuổi nhân dịp năm mới. “Cái bùa” hát lời cảm ơn và tiếp tục đến nhà khác. Trên quãng đường xuân từ nhà này sang nhà khác, từ Mường này sang Mường khác, Phường chúc diễn tấu các bài Xường chúc và hòa tấu cồng chiêng các bài hát: đi đường, đùn đim, bông trắng bông vàng, rước đuốc, cà rồng... với những làn điệu vui tươi, phấn khởi, hân hoan hòa nhịp cồng chiêng rạo rực đất trời.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Séc bùa” của đồng bào Mường Thanh Hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong những ngày đầu xuân, phát huy những mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, xuân nay khắp các bản làng của đồng bào Mường Thanh Hóa lại ngân lên tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã và lời hát chúc tha thiết, ân tình.

Hoàng Minh Tường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]