(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu xứ Thanh tươi đẹp được ví như một “bức tranh” thì núi Hàm Rồng nằm bên dòng sông Mã luôn là điểm nhấn của bức tranh đã được “bàn tay” tạo hóa dày công tô vẽ. Núi sông hữu tình ấy luôn nổi bật với những giá trị đặc biệt.

Sông Mã - Hàm Rồng: “Máu và hoa” (Bài 1): “Hồn thiêng” sông núi

Nếu xứ Thanh tươi đẹp được ví như một “bức tranh” thì núi Hàm Rồng nằm bên dòng sông Mã luôn là điểm nhấn của bức tranh đã được “bàn tay” tạo hóa dày công tô vẽ. Núi sông hữu tình ấy luôn nổi bật với những giá trị đặc biệt.

Sông Mã - Hàm Rồng: “Máu và hoa” (Bài 1): “Hồn thiêng” sông núi

Cầu Hàm Rồng nối đôi bờ sông Mã mang trong mình những huyền thoại.

Núi sông kỳ vĩ

Bắt đầu từ hợp lưu các suối ở biên giới Việt - Lào (tỉnh Điện Biên), trên hành trình muôn dặm, dòng sông “tiếp nhận” thêm nguồn nước từ nhiều dòng suối lớn, nhỏ khác để đến khu vực xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) thì dòng chảy rộng và nhanh hơn - chính thức được gọi tên sông Mã trên bản đồ sông ngòi Việt Nam.

Dòng sông bắt nguồn từ núi non trùng điệp như bị “vây bọc” tìm “lối thoát” đã đi vào trong sử sách, thơ ca. Trong đó, chỉ riêng câu thơ “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” của nhà thơ Quang Dũng trong thi phẩm Tây Tiến đã “khắc họa tính cách” của dòng sông hùng vĩ chảy qua hai nước Việt - Lào.

Và nói như cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ trong sách Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng thì “sông Mã chứng tỏ mình như con ngựa thần tung bốn vó dũng mãnh phi thường, bay qua những cao nguyên dày đặc, uốn lượn tấm thân mềm mại len lỏi khắp những núi non cực kỳ hiểm trở, ngọn cao vút chọc trời: Co Pia, Phu Ta Ma, Phu Trung, Phu Long... Nó phải vòng vèo trên đất Lào tới 102km, tiếp theo, trải vô vàn thác ghềnh đầy gian nan mới về đến điểm hẹn, nơi núi Rồng cuộn khúc chờ mong... trên con đường dài hơn 500km... nó đạp bằng mọi trở lực, khuất phục hết thảy... chiến thắng tất cả và cuốn theo mọi dòng sông lớn nhỏ”.

Sông Mã hùng vĩ nơi thượng nguồn là vậy, nhưng càng về xuôi, dòng sông như người từng trải - tĩnh lặng và sâu lắng. Phù sa sông Mã bồi đắp tạo nên những bãi mía, nương dâu, ngô xanh mướt mát. Rồi cả những “ngã ba sông” nức tiếng xa gần như: ngã ba Bông, ngã ba Dàng.

Trên hành trình không mỏi để về với biển Đông, bên đôi bờ sông Mã, nơi núi - sông “gặp gỡ” đã tạo nên nhiều danh thắng nổi tiếng. Nổi bật phải kể đến khúc sông Mã chảy qua núi Hàm Rồng - “hình thế kỳ vĩ, nước non hùng tráng, khí thiêng đất trời chung đúc”.

Khi điền dã, cố nhà nghiên cứu tài hoa Hoàng Tuấn Phổ đã có những “phát hiện” thú vị về sông Mã - núi Hàm Rồng: “Dòng sông Mã có thể ví như một cô gái xinh đẹp, từ vóc dáng đến tâm hồn, ít dòng sông nào sánh kịp. Sông Mã kết duyên với núi Rồng, tình duyên đôi lứa càng đẹp. Thuở đường thiên lý qua bến đò Dàng, sông Mã nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên thủy tú sơn kỳ, người ta vẫn không thể không nhắc tới Long Hạm - Hàm Rồng. Nó như ngọn núi được tạo bằng khối ngọc kim cương vĩ đại tỏa sáng khắp xa gần... Du khách không quên được nó. Người địa phương tự hào về nó. Đó là hình ảnh tiêu biểu của Thanh Hóa về cái đẹp, cái hùng, rất kỳ vĩ cũng rất thơ mộng”.

Tự ngàn xưa, núi Đông Sơn - Hàm Rồng đã đi vào truyền thuyết, huyền thoại với vô vàn những chuyện kể. Dãy núi sừng sững bên dòng chảy sông Mã “là dải núi thiêng, là khí thiêng của đất trời họp lại”. Nhiều ngọn núi đã được đặt tên, như: hòn Cánh Tiên, hòn Vàng, hòn Đám Cháy, hòn Cuội, hòn Đình, hòn Đầu Rồng, hòn Con Voi, hòn Ngựa, đồi Quyết Thắng...

Nhắc đến núi Hàm Rồng bên dòng sông Mã, ta nhớ đến ngọn núi thiêng của đất và người quê Thanh. Danh sơn cũng ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn. Theo đó, Hàm Rồng (tức Long Hạm, núi Đông Sơn) kéo dài ven bờ sông Mã, từ Tây sang Đông với nhiều ngọn núi lớn nhỏ, người xưa vẫn thường nói là 99 ngọn.

Và dựa trên những nghiên cứu địa chất, người ta biết được, “con Rồng núi Đông Sơn - Hàm Rồng đã có độ tuổi trên dưới triệu năm. Nó vươn dài và uốn lượn đến 99 khúc hùng vĩ. Đằng trước, đầu trần cất lên cực kỳ oai phong, trán dô thành vòm cao, mũi nở hai cánh căng phồng, con mắt thẳm sâu không đáy và bộ hàm mở rộng thành cái hang khổng lồ sắp nuốt trôi cả hòn núi Ngọc. Càng về phía sau, lưng rồng như càng thấp dần xuống, xòe năm cái vây hóa ra năm bông hoa núi - Ngũ Hoa phong. Rồi bất ngờ, khúc đuôi rồng quẫy mạnh, lớp lớp đá tung lên xếp thành quần phong Bàn A, Bằng Trình, Tiên Sơn, những danh sơn thắng tích, nối dài thêm, khắc sâu hơn tình nước non Hàm Rồng - sông Mã”.

Và sừng sững cầu Hàm Rồng

Sông Mã - núi Hàm Rồng không chỉ chứa đựng “hồn thiêng” sông núi, không chỉ đẹp bởi sự hòa hợp của “sơn thủy hữu tình”, nơi đây còn có vị trí quan trọng về giao thông, quân sự.

Dòng sông Mã - núi Hàm Rồng ví như “biểu tượng” bất tử của đất và người xứ Thanh. Nơi đây không chỉ có những danh thắng “sơn kỳ thủy tú” nức tiếng xa gần mà cả trong dặm dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, sông Mã - Hàm Rồng vẫn luôn “chứng kiến” sự anh dũng, bất khuất của Nhân dân Thanh Hóa chống lại mọi dã tâm của kẻ thù, để bảo vệ một dải non sông gấm vóc.

Theo các tài liệu, đầu thế kỷ XX, để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, vơ vét tài nguyên khoáng sản, hỏa xa Đông Dương muốn làm chiếc cầu sắt bắc qua sông Mã. Cầu “bắc từ đỉnh núi Long Hạm đến sườn núi Châu Phong (núi Ngọc). Nếu kế hoạch này được thực hiện, đầu núi Rồng tất bị san phẳng và Châu Phong chỉ còn là hòn Ngọc nát”. Tuy nhiên, Toàn quyền Pháp bấy giờ với sở thích dạo bước ngắm cảnh núi sông tươi đẹp không muốn làm mất đi một cảnh sắc tuyệt mỹ mà ông ta thường ghé chơi. Và sau đó, việc bắc cầu buộc phải chuyển xuống chân núi. “Trong cảnh nước mất nhà tan ấy, không nhờ ai cả, chính Hàm Rồng - núi Ngọc linh thiêng đã tự cứu sống mình!”.

Tuy nhiên, việc làm cầu bắc qua sông Mã với chính quyền thực dân lúc bấy giờ cũng không hề dễ dàng. “Mấy ông kỹ sư ngoại quốc chuyên nghề cầu đường, tưởng nắm vững khoa học kỹ thuật là nắm ngay, nắm chắc bờm con ngựa Mã Bà (tức sông Mã) nổi tiếng bất kham, phóng qua dòng xoáy nước xiết, ngồi lên đầu con rồng thần thoại... Chẳng ai ngờ, chỗ phong cảnh hữu tình nên thơ nhất này lại ngầm chứa bao cạm bẫy nguy hiểm khôn dò”.

Với tham vọng, người Pháp bằng mọi giá phải xây được cầu bắc qua sông Mã, dù có phải đổ xuống dòng sông Mẹ bao nhiêu sức người, sức của. Nhưng rồi khi cây cầu những tưởng đã làm xong thì một trận lũ bất ngờ từ thượng nguồn đổ về đã cuốn phăng tất cả, “con ngựa thần bỗng rung bờm hý mạnh, hất tung tất cả công trình xây bằng xương máu ấy cho sóng nước... Không thể xây cầu trụ, chính quyền đô hộ đành phải làm cầu treo”.

Trong “đêm trường thuộc địa” của dân tộc, sông Mã - Hàm Rồng đã “chứng kiến” những vất vả, nhọc nhằn của thân phận người dân mất nước. Tại Hàm Rồng, bộ máy cai trị hàng tỉnh đã đặt trạm Hàm Rồng để thu mua thổ sản và đánh thuế Nhân dân ta, từ cân muối đến nắm chè xanh. Để rồi, những vần thơ phú được dân gian lưu truyền đã nói lên tất cả những cơ cực, như: “Đánh thuế chè mà sắc mặt cô hàng chè xanh xao/ Giục thuế muối mà đầu ông hàng muối bạc trắng”.

... Đi qua những năm tháng đau thương, sông Mã - Hàm Rồng lại cùng Nhân dân cả nước hát vang bài ca chiến đấu để chiến thắng, “tạc” vào sử sách bản hùng ca bất tử.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách “Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng”).

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]