(vhds.baothanhhoa.vn) - ... Một ngày cuối năm, mưa réo rắt lưng chừng dốc núi. Trong lớp học của thầy Lê Xuân Đông chỉ vài đứa trẻ chăm chú nghe giảng bài. Phần vì mưa lạnh đường trơn, phần vì chẳng ai ở nhà trông em, nên những đứa trẻ lớp 1, lớp 2 ở bản Suối Tôn đành ở lại nhà.

Sự học ở Suối Tôn

... Một ngày cuối năm, mưa réo rắt lưng chừng dốc núi. Trong lớp học của thầy Lê Xuân Đông chỉ vài đứa trẻ chăm chú nghe giảng bài. Phần vì mưa lạnh đường trơn, phần vì chẳng ai ở nhà trông em, nên những đứa trẻ lớp 1, lớp 2 ở bản Suối Tôn đành ở lại nhà.

Sự học ở Suối TônMột giờ học của học sinh ở khu lẻ Suối Tôn, Trường Tiểu học Phú Sơn. Ảnh: Đỗ Đức

Chuyện học ở bản đồng bào Mông Suối Tôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa) của mùa đông hơn 8 năm trước là thế. Trường lớp tạm bợ với chỉ lưa thưa vài đứa trẻ áo mỏng chân trần. Tôi theo chân thầy Đông đến những ngôi nhà bên đồi vắng để vận động phụ huynh cho trẻ đến trường. Nhưng trong căn nhà ấy chỉ có người già và trẻ nhỏ. Còn bố mẹ chúng bận đi làm xa, lên huyện Mường Lát, sang tỉnh Sơn La, đã lâu lắm không về.

Đó là chuyện ở khu lẻ Suối Tôn, Trường Tiểu học Phú Sơn. Còn với khu lẻ mầm non, chuyện nan giải hơn. Điểm trường chỉ là một dãy nhà mái tranh, được ngăn bằng vách nứa mặc sức cho gió luồn lách. Có ngày, 3 nhóm lớp phải dồn lại thành 1 nhóm, nhưng chưa được 10 cháu. Vì đơn giản, chẳng nhiều người cho trẻ đến lớp. Và bố mẹ chúng cũng chỉ mới được xóa mù cách đó chưa lâu.

Rồi thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà phụ huynh để vận động cho con trẻ đến trường. Việc làm mà họ vẫn phải thực hiện từ thuở lập điểm trường (1998) khi người Mông ở phía Bắc di cư vào dựng bản, bắt đầu bằng việc xóa mù cho người dân, rồi đến vận động trẻ đi học đúng độ tuổi.

Nhưng rồi, việc vận động không phải giản đơn. Bởi bên trong những mái nhà tranh vách đất tuềnh toàng ấy, những đứa trẻ dù muốn đến trường, đơn giản vì được thầy cô nấu cơm cho ăn, dạy cho con chữ, không phải ở nhà ăn ngô, ăn sắn trong cái lạnh buốt da thấu thịt. Nhưng chúng đến lớp, ai sẽ ở nhà trông em nhỏ?!.

Bản Suối Tôn của hơn 8 năm trước là thế. Lúc đang chìm đắm trong đói nghèo, hủ tục, thì “cơn bão” ma túy ùa về. Bao đàn ông trai tráng người Mông đã đu mình theo “ả phù dung”, đẩy ràng ruột, máu mủ của mình - những đứa trẻ vào cùng cực khổ đau. Rồi khi bậc sinh thành kia bị pháp luật trừng trị, những đứa trẻ được “quẳng lại" cho người già. Cũng có trẻ không may mắn vì ông bà tóc bạc mắt mờ, bệnh tật đau yếu nên đành dừng lại giấc mơ con chữ, ngày thường vạ vật kiếm kế sinh nhai nơi xó rừng, góc núi.

Sự học ở Suối TônThầy giáo Lê Xuân Đông đã có 17 năm gắn bó với sự học ở bản Suối Tôn.

Đến năm 2021, Huyện ủy Quan Hóa đã kịp thời tập trung huy động các ban, ngành, lực lượng chức năng tổ chức triệt xóa tệ nạn ma túy trong bản. Đồng thời tích cực triển khai các mô hình dân vận khéo, vận động người dân xóa bỏ hủ tục trong tang ma, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện các mô hình sinh kế gắn với liên kết chuỗi cung ứng... Suối Tôn đau thương được hồi sinh, như một chồi non được chăm bón để vươn lên tỏa bóng mát.

Giờ trở lại, Suối Tôn khác lắm. Những nương rẫy héo úa, hoang dại thưở nào đã được phủ bởi màu xanh vời vợi của lạc, của lúa nối tiếp nhau chạy lên phía đồi cao như có thể bước lên để vào mây mà đi. Trên lưng chừng con dốc, tôi bắt gặp những đứa trẻ tíu tít sau giờ tan trường. Chúng chào hỏi, nói chuyện với tôi, không còn e sợ người lạ nữa.

Cả hai khu lẻ của trường mầm non và trường tiểu học đã được đầu tư khang trang, kiên cố trên một quả đồi xanh mướt ở vị trí trung tâm bản. Ở đó, giờ đã là sự bận rộn của thầy cô giáo, của những háo hức trong đôi mắt trong veo như nước suối đi tìm tri thức của những đứa trẻ.

Nhìn khu trường mới khang trang, kiên cố, cô giáo Hà Thị Soạn, khu trưởng khu Suối Tôn, Trường Mầm non Phú Sơn, chia sẻ: Khu trường được nhà hảo tâm tài trợ, hoàn thành xây dựng từ cuối năm 2022, nên nhà trường đã tổ chức bán trú cho các cháu. Cùng với Nhà nước hỗ trợ tiền ăn hàng tháng và một số khoản nên các cháu đi học chuyên cần hơn. Hiện nay, 100% trẻ em 3 tuổi trong bản đã đến lớp đi học. Điểm trường luôn duy trì sĩ số 69 cháu, ở 4 nhóm tuổi.

Sự học ở Suối TônTrẻ em lứa tuổi mầm non bản Suối Tôn được chăm sóc, học tập, vui chơi trong khu trường khang trang, kiên cố.

Giờ gặp lại, khu trưởng khu Suối Tôn, Trường Tiểu học Phú Sơn, thầy Lê Xuân Đông vẫn thế, ấm áp và chan hòa. Chỉ có mái tóc đã điểm thêm sợi bạc trên gương mặt hằn thêm nếp nhăn nheo. Thầy nói: “Nghề mà. Mình đã có nhiều cơ hội để về xuôi, về quê. Nhưng bỏ đi sao đành”.

Thầy giáo Đông sinh năm 1976, quê xã Quảng Khê (Quảng Xương). Tốt nghiệp sư phạm ra trường năm 1996, thầy gắn bó với huyện vùng cao Quan Hóa đến giờ. Trong đó có 17 năm gắn bó với sự học ở bản Suối Tôn. Ở đây, thầy giáo Đông đã dạy chữ cho những ông bố bà mẹ, rồi đến bây giờ là con họ. Trong số 13 giáo viên ở các khu lẻ Suối Tôn, anh là giáo viên miền xuôi duy nhất, và cũng có thời gian “cắm bản” lâu nhất. Chừng ấy thời gian gắn bó, anh không chỉ nhớ từng gương mặt, tính cách học sinh mà còn hiểu tường tận hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ gia đình trong bản. Những câu chuyện phủ màu ký ức gian nan nhưng chứa đựng tâm tư cháy bỏng với nghề, tấm lòng của nhà giáo trong anh khiến tôi nhớ mãi.

Đó là những ngày sau mưa to bão lớn, thầy cô giáo ở cả hai điểm trường đã cùng với chính quyền địa phương vận động phụ huynh, rồi đi xin từng cây luồng, lá cọ, lợp lại mái tranh, buộc lại bức vách. Hay những ngày đường trơn mưa lạnh, không kể ban ngày hay trời tối, ngày mấy bận đến nhà gặp phụ huynh vận động học sinh đến lớp. Nhiều tháng ròng, thầy Đông cho học sinh địu em đến lớp, vừa học vừa trông em. Bởi không thế, các cháu không còn cách nào đến trường. Rồi với những học sinh xa nhà ở lại trường buổi trưa, thầy Đông cũng đi vận động để có thêm gói mì tôm cho các em ấm dạ. Hay chuyện vận động nhà hảo tâm cho các cháu thêm bộ bàn ghế học tập, chiếc áo ấm, đôi dép đến trường... Và tôi nghĩ, nếu tâm huyết với sự học không đủ lớn, sẽ chẳng ai dễ làm được.

Sự học ở Suối TônNiềm vui của trẻ em đồng bào Mông bản Suối Tôn trong giờ tan trường.

Và hiện nay, không chỉ có trường lớp khang trang, con đường đến trường của học sinh bản Suối Tôn cũng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố. Thầy Lê Xuân Đông bộc bạch: “Điều mình vui là trong những năm gần đây, người dân trong bản đã có ý thức cao hơn trong việc học tập của con em mình. Đặc biệt, lãnh đạo xã Phú Sơn rất quan tâm phát triển giáo dục, đã truyền thêm cảm hứng, động lực để chúng tôi nỗ lực, cố gắng hơn”.

Cái điều đặc biệt ấy có lẽ ở đây lãnh đạo xã sẵn sàng đi liên hệ, hoặc ưu tiên sắp xếp việc làm cho sinh viên Suối Tôn sau tốt nghiệp đại học, thậm chí đi tìm trường học phù hợp cho học sinh sau tốt nghiệp THPT. Như cá nhân Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn Nguyễn Tuấn Anh. Ngoài cùng với tập thể Đảng ủy xã quan tâm ưu tiên dành nguồn lực hỗ trợ sửa chữa cơ sở, vật chất trường lớp học; tuyên truyền, vận động Nhân dân tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ đến trường, cá nhân bí thư Nguyễn Tuấn Anh còn trực tiếp vận động nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh khu lẻ Suối Tôn 50 kg/tháng bắt đầu từ năm học 2023 - 2024. Đây cũng là câu chuyện truyền cảm hứng ở bản Mông này, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân và cán bộ, giáo viên để phát triển giáo dục.

Tôi rời Suối Tôn trong hanh hao nắng, nhớ lắm những nụ cười và đôi mắt trong veo như nước suối của những đứa trẻ giờ tan trường. Và tôi biết, chăm lo cho sự học, Suối Tôn sẽ ngày thêm khởi sắc.

Ghi chép của Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]