(vhds.baothanhhoa.vn) - Giờ tên anh đã không còn xa lạ với nhiều người, với nhiều địa phương. Tôi cứ tự hỏi, vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, với một người trẻ như anh lại có thể tạo thành công cho một thương hiệu về sản phẩm nước mắm truyền thống? Đơn giản, bởi anh sinh ra từ làng, lớn lên từ làng và ngay cả khi đã thành danh anh vẫn muốn trở về làng để tiếp tục thực hiện đam mê, những mong làm được điều gì đó cho quê hương... Anh là CEO Lê Anh, Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sự trở lại của một nghề mắm nức tiếng

Giờ tên anh đã không còn xa lạ với nhiều người, với nhiều địa phương. Tôi cứ tự hỏi, vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, với một người trẻ như anh lại có thể tạo thành công cho một thương hiệu về sản phẩm nước mắm truyền thống? Đơn giản, bởi anh sinh ra từ làng, lớn lên từ làng và ngay cả khi đã thành danh anh vẫn muốn trở về làng để tiếp tục thực hiện đam mê, những mong làm được điều gì đó cho quê hương... Anh là CEO Lê Anh, Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia.

Tuổi thơ và làng nghề

Lê Anh sinh năm 1985 ở xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Nơi đây, có làng nghề nước mắm nức tiếng Khúc Phụ. Cậu bé Lê Anh của những năm tháng tuổi thơ đã “ngấm” vào da, vào thịt mùi nước mắm của làng, đã thấy được sự vất vả, khó nhọc của mẹ, của cha khi làm ra những giọt nước mắm. Rồi đã có những năm tháng, làng nghề rơi vào cảnh khốn khó, khi đó người làng nghề hoặc chở nước mắm trên xe đạp hoặc gánh hàng rong đi bán khắp nơi, có người đi 2-3 ngày mới về... Với Lê Anh, vẫn còn đó vẹn nguyên những ký ức. Anh nhớ lại: "Tôi không thể quên được mùi mắm trong chum mẹ quấy những trưa hè. Vì tôi sinh ra từ làng mắm nên đối với tôi, quê hương chính là mùi nước mắm, là một phần tuổi thơ tôi"...

Sau này, Lê Anh thi đậu vào Học viện Kỹ thuật quân sự, chuyên ngành kỹ thuật xây dựng. Ra trường, anh đã có gần 10 năm làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài với lương tháng hàng nghìn USD. Nhưng hàng nghìn USD ấy đã không thể giữ được anh ở lại và có một thứ “quyến rũ” hơn, đấy chính là mùi nước mắm của tuổi thơ thôi thúc trở về...

Lê Anh: “Vì tôi sinh ra từ làng mắm nên quê hương chính là mùi nước mắm, là một phần tuổi thơ”...

Bước ngoặt

Vào thời điểm những năm 2013 - 2015, Lê Anh từ bỏ sự thành công của một kỹ sư xây dựng để về quê làm nghề nước mắm truyền thống. Sự quyết định này đã gây sốc cho nhiều người và cho rằng anh không bình thường. Nhưng với Lê Anh, anh hoàn toàn tỉnh táo và nhất định không thay đổi quyết định dù đã có nhiều lời khuyên được đưa ra cho anh. Đây được xem là một bước ngoặt lớn, đúng hơn là một cuộc thử thách đầy mạo hiểm, rủi nhiều hơn may vì với sản phẩm nước mắm truyền thống thì thời gian sản xuất 2 năm, đầu tư lớn, vòng quay tài chính không tối ưu... Dù biết rất rõ về những điều này nhưng anh vẫn dấn bước mà không ngần ngại. Anh nói: "Với tôi, đích đến của nghề này không phải là thành công, là phải có tiền mà điều quan trọng hơn chính là giữ lại hồn cốt của nước mắm truyền thống, giữ lại nghề truyền thống của cha ông. Tuổi thơ tôi gắn với mùi nước mắm, cha mẹ tôi cũng làm nghề nước mắm, tôi lúc nào đi đâu, làm gì cũng nhớ về mùi nước mắm quê mình. Thế thì tại sao tôi lại không đi thực hiện đam mê này".

Và Lê Anh đã khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê nhà. Bao nhiêu tiền dành dụm của một kỹ sư xây dựng anh “dốc” hết vào làm nước mắm truyền thống. Người thân dần bị thuyết phục bởi thấy được sự tâm huyết nơi anh nên cũng đã ủng hộ anh cả vật chất lẫn tinh thần.

Biết đường đi chông gai nên anh cẩn trọng đi từng bước một. Anh trải lòng: Nhắc đến nước mắm, người trẻ cũng không quan tâm gì nữa chỉ còn những cụ ông, cụ bà xưa thôi vì làm nước mắm quá vất vả. Bây giờ rất cần những người giỏi công nghệ 4.0, 5.0 nhưng cũng còn phải cần những người 1.0 như tôi để giữ gìn nghề truyền thống.

Hành trình và thương hiệu

Vạn sự khởi đầu nan. Lê Anh của thời kỳ đầu bắt tay với nghề đã phải tìm tòi, nghiên cứu kỹ các nguồn nguyên liệu như muối phải mua từ Ninh Thuận, Bà Rịa, cá cơm tươi, ngon, sạch... Anh cũng đã thuê thợ đóng những thùng gỗ ướp chượp, mỗi thùng chứa được 8 tấn cá, để lên men tự nhiên trong nhà tôn kín. Với sự nỗ lực của bản thân, Lê Anh trong quá trình làm nghề cũng đã có được sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia để hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, khi sản phẩm được trình làng đã gặp không ít những khó khăn. Lê Anh chia sẻ: Có lần tôi giới thiệu sản phẩm ngay tại khu du lịch Hải Tiến của Hoằng Hóa nhưng rất tiếc là không được đón nhận. Có khoảng thời gian khó khăn, tôi lao đao lắm, phải bán nhà, bán xe... Đã có lúc cũng thấy nản nhưng nếu tôi đầu hàng đồng nghĩa với việc tôi sẽ đánh mất đi rất nhiều công sức, tiền bạc trước đó, quan trọng là mất đi niềm tin vào chính mình và sự đam mê, khao khát giữ lại giá trị của nước mắm truyền thống xem như tôi đã không thực hiện được. Vậy là tôi lại đứng dậy để bước tiếp...

Bản lĩnh, kiên trì, năm 2017, Lê Anh đã chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh cá thể thành lập Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia. Năm 2018, thương hiệu mắm truyền thống Lê Gia đã xuất sang Hàn Quốc, sau đó là các thị trường Nhật Bản, Đài Loan... Đối với thị trường trong nước, nước mắm Lê Gia đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành và tại hệ thống Vinmart, Vinmart+ với hơn 1.500 điểm ở trên toàn miền Bắc và tại Big C, Aeon, con cưng và rất nhiều các cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc.

Thực tế, nước mắm Lê Gia mới xuất hiện trên thị trường gần 5 năm. Nhưng trong gần 5 năm ấy đã đánh dấu sự thành công của một thương hiệu được người tiêu dùng biết đến và thương yêu. Đây quả là điều đáng mừng và tự hào.Và càng tự hào hơn khi sản phẩm nước mắm và mắm tôm truyền thống Lê Gia đã được UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận đạt sản phẩm 5 sao Quốc gia. CEO Lê Anh chia sẻ: "Những giai đoạn khó khăn đã đi qua. Thành công về mặt tiền bạc thì chưa có quan trọng là gìn giữ được hương vị nước mắm truyền thống tự nhiên nguyên bản xưa với tươi màu hổ phách, hậu vị thanh, mùi thơm dịu... Việc được lựa chọn là sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia 2020 đó là niềm vinh hạnh cũng là trách nhiệm rất lớn đối với mắm Lê Gia. Tôi nghĩ, giữ gìn giá trị nước mắm truyền thống cũng giống như phong trào xây dựng nông thôn mới, không có điểm dừng và xem trọng “chất lượng” hơn hình thức".

Nước mắm truyền thống Lê Gia là một phần của nghề mắm Khúc Phụ nổi tiếng một thời.

Càng có sự trở về thì quê hương càng ấm no

Lê Anh là một người trẻ và đã có những đam mê, sự liều lĩnh, táo bạo trên con đường khởi nghiệp. Và anh cũng đã thành công chính từ những đam mê, liều lĩnh và táo bạo này. Lê Anh tự tin bước đi và rất may bên cạnh anh còn có vợ và người thân, bạn bè đồng hành. Và tôi tin, đến lúc này rất nhiều người dân xứ Thanh tự hào về anh với tất cả sự nể phục. Anh đã mang sản phẩm của quê hương Thanh Hóa đến với mọi miền Tổ quốc và vươn tầm ra thế giới. Sự lựa chọn của anh có tâm và có tầm. Sự trở về này là đúng đắn và cần thiết. Nhờ có anh, Thanh Hóa đã có một thương hiệu sản phẩm nước mắm truyền thống, tinh túy từ biển mẹ có tên Lê Gia. Anh chọn Lê Gia vì ở đấy có họ Lê Thanh Hóa. Gia nghĩa là gia đình, là quê nhà, là mái ấm như anh đã từng chia sẻ: Dưới mái nhà là phần khung của tổ ấm mà tổ ấm bắt nguồn từ những hương vị quê hương thân thuộc hàng ngày nên tôi lấy logo hình mái nhà để tượng trưng cho những điều tốt lành trong gia đình.

Sau gần 5 năm thành lập, hiện Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia đang tạo việc làm cho 30 lao động (không kể lao động thời vụ) với mức lương trung bình 10 triệu đồng/ người/ tháng. Và với mong muốn có điều kiện phát triển hơn nữa, gắn sản xuất mắm truyền thống với du lịch trải nghiệm góp phần vào việc gia tăng giá trị cho du lịch địa phương, Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia đang hoàn thiện thủ tục để xây dựng nhà máy mắm truyền thống Lê Gia kết hợp với du lịch tham quan trải nghiệm trên diện tích 7.000m2 liền kề với nhà xưởng hiện tại. Với sự ra đời của nhà máy này sẽ không chỉ giải quyết công ăn việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, gia tăng giá trị du lịch cho huyện nhà Hoằng Hóa.

Lê Anh với những sự dày dặn về kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trên thương trường, là những trải nghiệm đáng trân quý để tạo thành công nhưng vẫn còn đó, ở CEO Lê Anh những trăn trở: "Những người trẻ ở làng quê giờ phần lớn đều đi làm ăn xa, chủ yếu ở nhà là bố mẹ già và con nhỏ, nếu như vậy thì nghề truyền thống sẽ ngày càng mai một. Nước mắm truyền thống không chỉ là thương mại, kinh tế thuần túy mà đó còn là văn hóa ẩm thực, giá trị của cha ông. Tôi luôn mong thêm người trẻ trở về, thêm nhiều người giữ được khát vọng, đam mê, điều này không chỉ tốt về mặt kinh tế - xã hội mà nó còn tốt về nhiều giá trị tinh thần khác. Càng có nhiều sự trở về thì quê hương mình càng ấm no"...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]