(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những năm gần đây hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn Thanh Hóa gia tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm một số bệnh từ GSGC sang người. Thế nhưng việc kiểm soát giết mổ và nâng cấp, xây dựng, quản lý các lò giết mổ GSGC trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bất cập trong quản lý giết mổ gia súc, gia cầm

(VH&ĐS) Những năm gần đây hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn Thanh Hóa gia tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm một số bệnh từ GSGC sang người. Thế nhưng việc kiểm soát giết mổ và nâng cấp, xây dựng, quản lý các lò giết mổ GSGC trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Thiếu an toàn từ điểm giết mổ nhỏ lẻ

Có mặt tại chợ Đình Hương (TP Thanh Hóa) vào một buổi chiều, hàng trăm con gia cầm sống đủ loại như: gà, vịt, chim bồ câu… được nhốt trong các lồng sắt đã hoen gỉ. Phía dưới lồng nhốt, phân, nước thải… chảy lênh láng khắp nơi. Các loại xoong nồi, máy vặt lông, chậu rửa… bám đầy lông gà, lông vịt nằm ngổn ngang, chắn hết lối đi.

Khi có người mua, các chủ hàng bán gia cầm làm thịt ngay tại chỗ. Chủ hàng còn nhận giết mổ thuê cho khách mang gà, vịt… từ nơi khác đến với giá 10.000 đồng/con.

Hay tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ, chủ lò cùng vài nhân viên chọc tiết, làm lông đến pha thịt ngay trên nền nhà xi măng rồi xả thải thẳng ra hệ thống thoát nước khu dân cư, vừa không đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tại nhiều “chợ cóc”, tình trạng gia súc, gia cầm làm sẵn không có dấu kiểm dịch vẫn vô tư được bày bán.

Khi khách đã chọn mua, người bán nhanh chóng đun nước, cắt tiết, vặt lông, mổ ngay tại chỗ rồi đổ nước thải ngay trước cửa quầy hàng, không đảm bảo vệ sinh. Quan sát kỹ hơn, chúng tôi không khỏi tò mò vì thấy công đoạn “xử lý” lông gà, vịt được thực hiện một cách “siêu tốc”?.

Không chỉ tại các chợ trung tâm, chợ cóc mà trên một số tuyến đường cũng xuất hiện các điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống tương tự. Thế nhưng, người tiêu dùng lại không mấy cảnh giác vì họ tin tưởng gà, vịt sống được giết mổ ngay tại chỗ vẫn an toàn hơn là mua gà, vịt đã giết mổ bày bán sẵn tại chợ.

Bởi vậy, chưa cần phải sử dụng đến các biện pháp nghiệp vụ, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng dễ thấy, hoạt động giết mổ tự phát rất khó bảo đảm VSATTP cũng như công tác kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Thế nhưng, tất cả đều vẫn diễn ra bình thường giữa ban ngày như một điều hiển nhiên?

Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa đảm bảo VSATTP.

Cần siết chặt khâu quản lý

Được biết, toàn tỉnhhiện có gần 3.000 cơ sở, điểm giết mổ GSGC đang hoạt động, trong đó chỉ có 2 cơ sở giết mổ công nghiệp, 8 cơ sở giết mổ bán công nghiệp. Còn lại hầu hết các cơ sở, điểm giết mổ thực hiện thủ công, nhỏ lẻ, tự phát, không có lực lượng thú y thực hiện công tác kiểm soát giết mổ và không bảo đảm VSATTP.

Trước tình trạng trên, để tăng cường công tác quản lý trong hoạt động giết mổ, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý các cơ sở, điểm GMGSGC, có cơ chế khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ bán công nghiệp, tập trung thủ công.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã xây dựng được 8 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, tập trung thủ công, các ban, ngành chức năng và nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã vào cuộc trong việc tăng cường quản lý. Nhờ vậy, công tác quản lý hoạt động GMGSGC trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý các cơ sở giết mổ tập trung vẫn gặp không ít khó khăn, đã vậy, đối với những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tự phát nhỏ lẻ lại càng khó khăn hơn. Bởi vì, hầu hết các cơ sở đều nhỏ lẻ, nằm sâu trong khu chợ, khu dân cư và thường “ngụy trang” bằng hoạt động buôn bán bên ngoài.

Hoặc ở một số địa phương vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung nên không thể cấm người dân giết mổ gia súc, gia cầm theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ. Vì thế, chưa nói đến các vấn đề khác, chỉ công tác kiểm dịch, cán bộ thú y không thể giám sát, kiểm tra và lăn dấu cho các gia súc, gia cầm giết mổ theo kiểu này.

Điều đáng lo nữa là quá trình vận chuyển thịt gia súc, gia cầm đã được giết mổ để ra thị trường tiêu thụ không bảo đảm VSATTP. Hầu hết thịt gia súc, gia cầm sau khi giết mổ đều được vận chuyển bằng xe lôi hay xe máy thô sơ.

Thậm chí, những chiếc xe chở gia súc, gia cầm sống đến cơ sở giết mổ cũng được tận dụng để chở thịt ra thị trường bán, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thực tế, việc bảo đảm VSATTP đối với thịt gia súc, gia cầm là một quá trình xuyên suốt từ khâu nuôi đến khâu giết mổ, vận chuyển và cung ứng đến người tiêu dùng... Bất kỳ một khâu nào thực hiện không tốt đều ảnh hưởng đến VSATTP. Với thực tế trên, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa.

Trong khâu giết mổ, ngoài việc có cơ chế khuyến khích các đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ứng dụng công nghệ cao thì việc xử lý về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, VSATTP tại các cơ sở giết mổ cũng cần được thực hiện thường xuyên và có những biện pháp “mạnh tay” hơn nữa. Các biện pháp xử phạt phải được xây dựng và thực hiện nghiêm để tạo sức răn đe trong xã hội.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]